Nhường đất cho thủy điện, người dân chưa thể an cư

Sau khi nhường đất để xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, hàng ngàn người dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An phải sống trong cảnh '3 không'

Sau khi nhường đất để xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ và chuyển đến nơi ở mới nhiều năm nay, hàng ngàn người dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An phải sống trong cảnh "3 không"

Dự án Thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An được phê duyệt tháng 6-2003, ngăn dòng vào tháng 12-2005. Đây là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với công suất 320 MW.

Hứa... lòng vòng

Khi dự án Thủy điện Bản Vẽ được triển khai, 3.022 hộ dân buộc phải di dời, tái định cư, nhường đất cho công trình.

Trong đó, 2.127 hộ đã di dời, tái định cư tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; lập nên 2 xã mới là Thanh Sơn và Ngọc Lâm vào năm 2009. Chuyển tới nơi ở mới đã 14 năm nhưng đến nay, hàng ngàn người dân 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn vẫn phải sống trong tình trạng không có chợ, không nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng…

Ông Lữ Văn Đương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, cho biết: "Nhiều năm nay, công ty thủy điện hứa sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình như đài tưởng niệm liệt sĩ, sân vận động... nhưng không thực hiện. Năm nào chúng tôi cũng đề nghị nhưng không được giải quyết. Thân nhân liệt sĩ muốn có một nơi thắp nén nhang cho người đã khuất vào các ngày lễ, Tết cũng không có".

Tháng 3-2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp xử lý những tồn tại, vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ. Ông Trịnh Đình Dũng đã giao chủ đầu tư dự án và UBND tỉnh Nghệ An phối hợp giải quyết dứt điểm việc xây dựng cơ sở hạ tầng còn thiếu ở 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Tuy nhiên, gần 5 năm qua, những đề nghị chính đáng của người dân hiện vẫn chưa được giải quyết.

Theo ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, người dân nhường đất cho dự án thủy điện đã tái định cư tại nơi ở mới hơn chục năm rồi nhưng vẫn phải sống trong cảnh "3 không" - không chợ, không đài tưởng niệm, không sân vận động. Huyện đã nhiều lần tiến hành khảo sát, thiết kế, lập dự toán, kiến nghị và được sự đồng ý từ Chính phủ, Bộ Công Thương nhưng đến nay lại được yêu cầu xin ý kiến Thủ tướng lần nữa.

"Nếu ban đầu, phía chủ đầu tư nhà máy thủy điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không đồng ý hỗ trợ thì để chính quyền địa phương tìm nguồn khác thay thế nhằm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm cuộc sống cho người dân. Họ đã hứa rồi nhưng cứ lòng vòng như thế này, người dân lẫn chính quyền đều khó hiểu" - ông Thanh băn khoăn.

Không có chợ, người dân xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phải dựng lán tạm trên bãi đất trống ven đường để buôn bán

Không có chợ, người dân xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phải dựng lán tạm trên bãi đất trống ven đường để buôn bán

Mòn mỏi đợi hỗ trợ

Còn tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, vào tháng 8-2018, khi bão số 4 gây mưa lớn, Thủy điện Bản Vẽ xả lũ khiến nhiều hộ dân bản Vẽ và các khu vực lân cận bị sạt lở nhà cửa, mất đất sản xuất; nhiều công trình công cộng hư hỏng nghiêm trọng.

Tại cuộc họp sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện xã lũ, đồng thời khắc phục thiệt hại bão số 4.

Chính quyền địa phương cùng các cơ quan liên quan đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ, phối hợp với đơn vị chức năng thuộc EVN thống nhất mức hỗ trợ 17 hộ dân tại bản Xốp Chảo, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương hơn 25 tỉ đồng và khu tái định cư Khe Chóng hơn 5,5 tỉ đồng để di dời khẩn cấp 19 hộ dân bản Vẽ.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, dù người dân và chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ông Vi Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Na, cho biết chờ đợi lâu quá nên đợt tiếp xúc cử tri lần nào, người dân cũng bức xúc phản ánh.

Liên quan những vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Thủy điện Bản Vẽ và thủy điện xả lũ, mới đây, ngày 14-10-2024, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 7505 nêu rõ theo Báo cáo 218 về việc hỗ trợ tái định cư bổ sung, Bộ Công Thương xác định việc bố trí nguồn vốn thuộc thẩm quyền của Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) và EVN.

Công văn 7505 yêu cầu căn cứ Báo cáo 128 và các quy định liên quan, Bộ Công Thương, EVN, UBND tỉnh Nghệ An theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, xem xét, xử lý theo đúng quy định và ý kiến của lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp tháng 3-2019; khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp để ổn định cuộc sống của người dân.

Mới đây, ngày 14-10-2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục có ý kiến đồng ý để EVN triển khai thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan Thủy điện Bản Vẽ. Bộ Công Thương đã có 2 văn bản và EVN cũng có văn bản giao EVNGENCO1 triển khai thực hiện...

Theo UBND huyện Tương Dương, từ năm 2019 đến nay, chính quyền đã nhiều lần đề nghị khẩn trương hỗ trợ người dân tái định cư, Chính phủ cũng đã 2 lần cho ý kiến. Tuy nhiên, mới đây, phía chủ đầu tư lại có văn bản cho rằng không đủ thẩm quyền thực hiện!

"Người dân chờ đợi lâu lắm rồi. Quan điểm của huyện Tương Dương là chủ đầu tư phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng để họ sớm ổn định cuộc sống" - ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, nhấn mạnh.

Một căn nhà của người dân xã Lượng Minh, huyện Tương Dương bị sập do mưa lớn và thủy điện Bản Vẽ xả lũ năm 2018

Một căn nhà của người dân xã Lượng Minh, huyện Tương Dương bị sập do mưa lớn và thủy điện Bản Vẽ xả lũ năm 2018

Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là công trình trọng điểm do EVN làm chủ đầu tư, khởi công năm 2004 và vận hành từ năm 2010. Hằng năm, nhà máy cung cấp trung bình hơn 1.084 triệu KWh, đóng góp quan trọng cho lưới điện quốc gia. Để nhường đất cho dự án này, hơn 3.000 hộ dân với 14.324 nhân khẩu tại huyện Tương Dương phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn đến nơi tái định cư mới.

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhuong-dat-cho-thuy-dien-nguoi-dan-chua-the-an-cu-196241212204512089.htm
Zalo