Những tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du qua mộc bản triều Nguyễn

9 phiên bản mộc bản, 9 bản rập mộc bản trên giấy dó đã cung cấp tư liệu quý về sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh) trong 18 năm làm quan ở triều đình nhà Nguyễn.

Vào ngày 12/9, tức ngày 10 tháng 8 năm Giáp Thìn, tại lễ giỗ lần thứ 204 năm của Đại thi hào Nguyễn Du, Ban Quản lý (BQL) Di tích Nguyễn Du đã tổ chức trưng bày, giới thiệu chuyên đề “Đại thi hào Nguyễn Du qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn”. Buổi trưng bày thu hút sự tham gia theo dõi của đông đảo du khách, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.

 Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải tham dự khai mạc và tham quan trưng bày, giới thiệu chuyên đề “Đại thi hào Nguyễn Du qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn”.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải tham dự khai mạc và tham quan trưng bày, giới thiệu chuyên đề “Đại thi hào Nguyễn Du qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn”.

Nội dung của đợt trưng bày gồm có 9 phiên bản mộc bản, 9 bản rập mộc bản trên giấy dó có nội dung ghi chép về Đại thi hào Nguyễn Du. Trong đó có các tư liệu quý viết về sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du trong suốt 18 năm làm quan triều đình nhà Nguyễn. Từ năm Nhâm Tuất đến năm Gia Long thứ nhất (1802), Nguyễn Du được nhận chức Tri phủ Thường Tín, sau vì bị bệnh nên ông xin từ chối. Năm Gia Long thứ 5 (1806), Nguyễn Du được triệu vào nhận chức Đông các học sĩ. Năm Gia Long thứ 8 (1809), ông ra làm Cai bạ Quảng Bình và được đánh giá là trị dân rất có công trạng.

Năm Gia Long thứ 12 (1813), Nguyễn Du được thăng chức Cần chánh điện học sĩ, sung chức Chánh sứ, sang nhà Thanh để cống nạp hằng năm. Năm 1815, ông được thăng chức Hữu tham tri bộ Lễ. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), Nguyễn Du lại có lệnh đi sứ, nhưng chưa đi thì đã qua đời. Sự việc này đã được chính sử triều Nguyễn ghi chép rõ qua bộ mộc bản được UNESCO công nhận là Tư liệu Di sản thế giới (2009). Đặc biệt, trong các phiên bản mộc bản còn ghi lại những lời đánh giá của Vua Gia Long về Nguyễn Du ra làm Cai bạ Quảng Bình và của Vua Minh Mạng khi Nguyễn Du mất trước khi sang nhà Thanh đi sứ.

 Phiên bản mộc bản và phiên bản mộc bản trên giấy dó được trưng bày.

Phiên bản mộc bản và phiên bản mộc bản trên giấy dó được trưng bày.

Ngoài ra, trong đợt trưng bày còn có 1 phiên bản mộc bản của Tiến sĩ Nguyễn Tán và 2 bản rập mộc bản trên giấy dó (1 của Tiến sĩ Nguyễn Tán, 1 của Tiến sĩ Nguyễn Mai). Đây là 2 vị tiến sĩ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền đậu vào thời Nguyễn. Tất cả nội dung trong 10 phiên bản mộc bản, 11 bản rập mộc bản trên giấy dó đều nằm trong bộ mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm - đó là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in thành sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, hiện lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt), được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới.

Được biết, đây là dạng tư liệu quý hiếm đã được BQL Di tích Nguyễn Du triển khai thực hiện sưu tầm trong khoảng thời gian gần 10 năm, dưới hình thức sao bản và bản rập trên giấy dó.

 Đông đảo du khách đến tham quan trưng bày.

Đông đảo du khách đến tham quan trưng bày.

Chia sẻ về hành trình gần 10 năm thực hiện việc sưu tầm, bà Trần Thị Vinh – Phó Trưởng ban phụ trách BQL Di tích Nguyễn Du cho biết: “Khi mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới và sau đó giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV lưu giữ thì chúng tôi đã liên hệ với trung tâm để tìm hiểu những nội dung liên quan đến Đại thi hào Nguyễn Du.

Sau một thời gian tìm hiểu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã thông tin có 9 mộc bản nói về Đại thi hào Nguyễn Du. Ngay sau đó, BQL đã nhanh chóng cử cán bộ vào để sưu tầm, tìm hiểu. Do điều kiện về nguồn lực và nhân lực nên cứ mỗi năm BQL lại vào sưu tầm từ 1 đến 2 phiên bản. Cho đến 2023 thì hoàn thành việc sưu tầm phiên bản mộc bản và bản rập khuôn trên giấy dó. Đến lễ giỗ lần thứ 204 của đại thi hào, được sự cho phép của Sở VH-TT&DL, BQL đã quyết định tổ chức trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập để du khách, nhà nghiên cứu nắm bắt, chiêm ngưỡng các tư liệu quý về Đại thi hào Nguyễn Du trong suốt 18 năm làm quan dưới triều Nguyễn”.

 Đây là tư liệu quý để các em học sinh nắm bắt chân thực về cuộc đời, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du.

Đây là tư liệu quý để các em học sinh nắm bắt chân thực về cuộc đời, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du.

Bà Vinh cũng khẳng định, từ trước tới nay, tư liệu ghi chép về cuộc đời sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du, nhất là giai đoạn ông làm quan triều Nguyễn (từ năm 1802 đến tháng 8/1820) rất ít. Điều này do nhiều nguyên nhân về sự chuyển đổi các giai đoạn lịch sử, chiến tranh, thiên tai và một phần do ý thức con người. Do đó, tư liệu về Đại thi hào Nguyễn Du qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn đã được sưu tầm và giới thiệu lần này vô cùng quý giá, giúp du khách và các nhà nghiên cứu có cái nhìn rõ nét và chân thực hơn.

Cùng các em học sinh tham quan trưng bày, cô giáo Dương Thị Hiền Lương – Trường THCS Tiên Yên chia sẻ: “Từ trước tới nay, tôi chủ yếu biết về cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du qua sử sách và những lời giới thiệu của các hướng dẫn viên. Lần này được tìm hiểu những điều đó qua mộc bản, tôi và học sinh hiểu hơn và có thêm nhiều cảm xúc trước công lao, đóng góp to lớn của đại thi hào”.

 Việc trưng bày đang được diễn ra tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.

Việc trưng bày đang được diễn ra tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.

Hiện nay, các phiên bản mộc bản và các bản rập mộc bản trên giấy dó vẫn đang được trưng bày tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Đây cũng là hoạt động thiết thực mở đầu cho các chuỗi sự kiện văn hóa hướng tới đại lễ kỷ niệm 260 năm ngày sinh, tưởng niệm 205 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du vào năm 2025.

Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Thân sinh Đại thi hào Nguyễn Du là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, từng làm quan đến chức Tham Tụng dưới triều Lê, mẹ là bà Trần Thị Tần, quê ở Kinh Bắc - Bắc Ninh. Thời nhà Nguyễn, Nguyễn Du làm quan tri huyện, 2 lần được triều đình cử đi sứ nhà Thanh, Trung Quốc. Ông lâm bệnh và mất ở kinh thành Huế vào ngày 10 tháng 8 âm lịch năm 1820. Nguyễn Du để lại cho hậu thế nhiều di sản văn chương giá trị, chứa chan tình yêu thương đối với con người, đặc biệt là người phụ nữ, trong đó, nổi bật là kiệt tác Truyện Kiều.

Ánh Nguyên

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nhung-tu-lieu-quy-ve-dai-thi-hao-nguyen-du-qua-moc-ban-trieu-nguyen-post274380.html
Zalo