Những trang báo Thế giới và Việt Nam sẽ thành lịch sử

Tôi luôn nghĩ rằng, nếu muốn biết thế giới ngày hôm qua và hôm nay như thế nào, hãy đọc kỹ những số báo Thế giới và Việt Nam. Vì ở đó, mọi chuyển động của quốc tế và các hoạt động đối ngoại nhộn nhịp của Việt Nam trong suốt 35 năm qua đã được các nhà báo cần mẫn ghi chép lại.

Kỷ niệm ngày thành lập báo vào dịp cuối năm. Đây cũng là dịp để nhìn lại và suy ngẫm về một năm qua. Trước đây, khi còn làm ở Ban biên tập của Báo, những ngày cuối năm, tôi sẽ dành một ngày để ngồi ở phòng đọc tầng 4 của báo, bê nguyên cái tập tập báo lưu của phòng đọc ra lần giở từng trang, từ số báo số 1 đến những số cuối cùng của năm đó.

TS Lý Thị Hải Yến, Học viện Ngoại giao.

TS Lý Thị Hải Yến, Học viện Ngoại giao.

Đấy là lúc Ban Biên tập phải làm một thao tác thường niên gây “đau đầu”: Bình chọn 10 sự kiện lớn nhất trong năm của thế giới và Việt Nam.

Nhưng không chỉ có vậy, tôi còn đọc lại các bài báo đã qua, có nhiều bài của mình và bài của các đồng nghiệp, và nhớ lại khoảng thời gian đã sản xuất ra nó như thế nào.

Cái cảm giác đó thật là “yomost” nói như ngôn ngữ của các bạn trẻ bây giờ. Kiểu như nhớ lại các đứa con của mình đã được thai nghén ra sao.

Đặc điểm của báo chí là nhanh, tin tức đến với độc giả càng sớm càng tốt, mà hiện nay thì có thể gần như đồng thời với thời gian thực. Công chúng đọc các tin tức cho nhu cầu của họ, rồi cũng sẽ quên đi, vì ngày mai lại mới.

Nhà báo cũng vậy, họ cũng đau đầu nhức óc với việc chạy theo tin tức và phục vụ cái đặc tính khó nhằn này của “anh báo chí”. Nhiều đồng nghiệp nói vui, hôm nay vất vả làm ra thế này, nhưng ngày mai trang báo đã cũ, gói xôi giờ người ta cũng không dùng. Cho tin tức lên mạng thì như ném vào không trung, chả ai còn nhớ.

Nhưng chính trong những dịp cuối năm đọc lại báo cũ, tôi mới thấy rằng, các trang báo đó vẫn còn đây và đó chính là lịch sử được ghi chép một cách cẩn thận và toàn diện. Từ góc nhìn của người nghiên cứu, tôi biết rằng, đây sẽ là nguồn tài liệu vô cùng quý cho các nhà lịch sử, khi tra cứu thông tin.

Vì vậy, tôi mong Thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế của một tờ báo đối ngoại trong việc bao quát toàn diện các hoạt động mọi mặt của thế giới và hoạt động chính trị - đối ngoại của Việt Nam.

Những tập báo Thế giới và Việt Nam được đóng cẩn thận xứng đáng có một vị trí trong phòng trưng bày Lịch sử của Bộ Ngoại giao, nơi mỗi nhà ngoại giao, mỗi độc giả nếu muốn tìm lại những thời khăc đã qua đều có thể đọc lại ở “Ngày ấy, năm ấy, Báo đưa tin thế này…”.

Tôi mong là như vậy - Những trang báo là một phần lịch sử của ngành ngoại giao Việt Nam.

Đón đọc các bài viết về chặng đường 35 năm hình thành và phát triển của Báo Thế giới và Việt Nam tại đây

Báo Thế giới và Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận bài viết chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá... của quý bạn đọc với Báo theo địa chỉ email: baoquocte2016@gmail.com.

Trân trọng cảm ơn!

TS Lý Thị Hải Yến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-trang-bao-the-gioi-va-viet-nam-se-thanh-lich-su-295411.html
Zalo