Những toan tính đằng sau quyết định đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc

Cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc tại Geneva ngày 10/5 mở ra hy vọng mới cho việc giảm căng thẳng thương mại, sau nhiều tháng đối đầu. Mặc dù chưa có kết quả cụ thể, đây là bước đi quan trọng để hai nền kinh tế lớn tìm kiếm giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận.

Sau nhiều tháng leo thang căng thẳng thương mại, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức nối lại đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chao đảo vì cuộc chiến thuế quan kéo dài và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Cuộc gặp cấp cao giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và các quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem là nỗ lực đầu tiên nhằm tìm lại tiếng nói chung giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent chuẩn bị tới cuộc gặp với giới chức Trung Quốc ở Geneva, ngày 10/5. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent chuẩn bị tới cuộc gặp với giới chức Trung Quốc ở Geneva, ngày 10/5. Ảnh: Getty

Tổng thống Trump mô tả cuộc gặp diễn ra vào ngày 10/5 là “rất tốt đẹp”, khẳng định đây là một “khởi đầu mới toàn diện”.

“Cuộc gặp hôm nay với Trung Quốc tại Thụy Sĩ diễn ra rất tốt đẹp. Nhiều vấn đề đã được thảo luận, nhiều vấn đề đã được nhất trí”, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social.

Dù chưa có tuyên bố chính thức nào từ cả hai phía về kết quả cụ thể của cuộc gặp kéo dài khoảng 8 giờ, cuộc thảo luận được xem là dấu hiệu tích cực cho khả năng hạ nhiệt xung đột thương mại kéo dài nhiều năm qua.

Những yếu tố “hậu trường” dẫn đến Geneva

Trái với bầu không khí đối đầu công khai, các kênh liên lạc kín giữa hai bên đã được thiết lập và hoạt động ráo riết từ cuối tháng 4. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đại diện của Bộ Tài chính Mỹ, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã tiến hành một loạt cuộc tiếp xúc tại các sự kiện bên lề của Hội nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới.

Một số cuộc gặp trực tiếp diễn ra giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và phía Trung Quốc được xem là khởi đầu quan trọng dẫn đến cuộc gặp ở Geneva. Ban đầu, Trung Quốc cử Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào tiếp xúc nhưng bị phía Mỹ từ chối vì cấp độ chưa phù hợp, Washington yêu cầu một đại diện “gần gũi với lãnh đạo cấp cao” của Trung Quốc.

Theo các quan chức Mỹ, Tổng thống Trump muốn đàm phán trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng Bắc Kinh kiên quyết giữ nguyên nguyên tắc truyền thống: chỉ để lãnh đạo gặp nhau sau khi đạt đồng thuận ở cấp kỹ thuật.

Trung Quốc sau đó quyết định cử Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, một là nhân vật thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình. Động thái này đáp ứng yêu cầu của Washington về các cuộc đàm phán thực chất với một quan chức cấp cao có quyền tiếp cận trực tiếp với ông Tập.

“Hòn đá tảng” fentanyl

Một trong những vấn đề căng thẳng trong các cuộc đàm phán là yêu cầu từ phía Mỹ về việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với tiền chất fentanyl – thành phần chính trong sản xuất thuốc phiện tổng hợp gây chết người.

Mặc dù không trực tiếp liên quan đến cuộc chiến thương mại, nhưng đối với Washington, cuộc khủng hoảng fentanyl đang là vấn đề an ninh quốc gia. Chính quyền Tổng thống Trump muốn Trung Quốc có hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn xuất khẩu fentanyl sang Mỹ. Để giải quyết vấn đề này, phía Mỹ yêu cầu Bắc Kinh đăng tải những thông điệp chống fentanyl trên các phương tiện truyền thông chính thức.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bày tỏ sự bất bình khi cho rằng yêu cầu này là “kiêu ngạo” và can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Trong khi Trung Quốc khẳng định không có việc trợ cấp cho các nhà xuất khẩu fentanyl, Mỹ lại dẫn chứng báo cáo Quốc hội cho rằng các chính sách hoàn thuế VAT của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho việc sản xuất tiền chất fentanyl.

Dù thông tin cụ thể chưa được công bố, nhưng các nguồn tin cho hay, fentanyl vẫn là một phần trong chương trình nghị sự tại Geneva.

Những toan tính phía sau quyết định đàm phán

Đằng sau những căng thẳng chính trị và ngoại giao, yếu tố kinh tế là lý do chính thúc đẩy cả Washington lẫn Bắc Kinh ngồi lại.

Theo các nguồn tin từ Bắc Kinh, giới lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu xem xét lại lập trường đối đầu sau khi chứng kiến tác động trực tiếp của thuế quan lên nền kinh tế. Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành như đồ gỗ, dệt may và đồ chơi đã buộc phải đóng cửa hoặc cắt giảm quy mô vì mất thị trường Mỹ. Nhiều công ty thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản khi không thể tìm được thị trường thay thế đủ lớn trong ngắn hạn. Ngân hàng đầu tư Nomura cảnh báo Trung Quốc có thể mất tới 16 triệu việc làm nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang.

Ngoài yếu tố kinh tế, một lý do khác khiến Trung Quốc chuyển hướng là nỗi lo bị loại khỏi trật tự thương mại mới đang được Mỹ thúc đẩy thông qua các cuộc đàm phán song phương với những đối tác lớn ở châu Á và châu Âu. Theo các quan chức, Bắc Kinh lo ngại nếu tiếp tục đứng ngoài, họ sẽ mất vai trò trong việc định hình các quy tắc thương mại toàn cầu mới.

Về phía Mỹ, các tập đoàn lớn và nông dân trong nước cũng chịu tổn thất nặng nề. Các bang nông nghiệp, vốn là khu vực bầu cử quan trọng với ông Trump, liên tục phàn nàn về hàng rào thuế quan gây thiệt hại cho xuất khẩu đậu nành, thịt và ngũ cốc. Đồng thời, chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp điện tử và xe hơi cũng bị gián đoạn khi linh kiện nhập từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hoặc khan hiếm.

Các nhóm doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong ngành nông nghiệp và công nghiệp chế tạo, liên tục cảnh báo về hậu quả lâu dài nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang.

Những yếu tố kể trên khiến chính quyền Tổng thống Trump đối mặt với sức ép lớn ở trong nước. Khảo sát dư luận gần đây cho thấy mức độ tín nhiệm của ông Trump đang sụt giảm do ảnh hưởng kinh tế từ chính sách thuế.

Tín hiệu tích cực ở Geneva, nhưng còn nhiều ẩn số

Cuộc gặp tại Geneva do Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ làm trung gian tổ chức, diễn ra kín đáo nhưng được đánh giá là bước đi quan trọng. Trung Quốc chủ động hạ thấp kỳ vọng bằng cách gọi đây là “cuộc gặp” chứ không phải “đàm phán chính thức”, với mục tiêu chính là thăm dò quan điểm và “lằn ranh đỏ” của phía Mỹ.

Theo giới phân tích, Bắc Kinh có thể đề xuất một số nhượng bộ như mua thêm khí hóa lỏng (LNG) hoặc nông sản từ Mỹ, tương tự thỏa thuận “Giai đoạn một” từng được ký năm 2019 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Tuy nhiên, các vấn đề gai góc hơn như chuyển giao công nghệ, trợ cấp nhà nước và kiểm soát doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Mỹ vẫn chưa được đưa ra bàn đàm phán cụ thể.

Với việc cả hai quốc gia đều phải đối mặt với những áp lực nội bộ và quốc tế, khả năng thỏa thuận vẫn là một khả năng, nhưng không dễ dàng. Các cuộc đàm phán tiếp theo có thể kéo dài và chứa đựng nhiều căng thẳng, khi cả Washington và Bắc Kinh đều muốn bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Tuy nhiên, bước đi ban đầu tại Geneva đã mở ra hy vọng rằng, qua các cuộc đối thoại và nhượng bộ có tính toán, hai nền kinh tế hàng đầu thé giới có thể tiến gần hơn đến một giải mà 2 bên có thể chấp nhận, từ đó giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-toan-tinh-dang-sau-quyet-dinh-dam-phan-thue-quan-giua-my-va-trung-quoc-post1198625.vov
Zalo