Những nhà khoa học nữ miệt mài giải mã vi nhựa

Chúng ta đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm vi nhựa một cách dai dẳng. Các nhà khoa học nước ta đang nỗ lực nghiên cứu sâu rộng với mong muốn lập được bản đồ ô nhiễm vi nhựa và chất thải nhựa tại Việt Nam.

 PGS.TS. Mai Hương

PGS.TS. Mai Hương

Từ những nghiên cứu ban đầu

Từ năm 2018, các nhà khoa học Việt Nam đã phối hợp với các chuyên gia Pháp, dẫn đầu là TS. Emilie Strady (Viện Nghiên cứu phát triển Pháp), thông qua một dự án quốc tế, đã tiến hành đánh giá cơ bản về nồng độ vi nhựa trong môi trường biển và nước ngọt của một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Một phương pháp thích ứng đã được phát triển để các nhà nghiên cứu trong nước áp dụng, triển khai giám sát vi nhựa trong trầm tích và nước bề mặt tại 21 điểm lấy mẫu (sông, hồ, vịnh, bãi biển) thuộc 8 tỉnh, thành phố.

Kết quả cho thấy, nồng độ vi nhựa trong nước bề mặt dao động từ 0,35 đến 2.522 hạt/m-, với nồng độ thấp nhất được ghi nhận ở các vịnh và cao nhất ở các con sông. Cứ 1m3 nước sông Tô Lịch có chứa 2.522 hạt vi nhựa (cao nhất trong số các con sông được khảo sát ở cả 3 miền).

Tại sông Nhuệ, nồng độ vi nhựa giảm còn 93,7 hạt/m3. Ở dòng chính của hệ thống sông Đồng Nai là 3,9 hạt/m3, sông Hàn là 2,7 hạt/m3 và sông Hồng là 2,3 hạt/m3. Tại các cửa biển, cửa sông và vịnh mà nhóm nghiên cứu khảo sát, nồng độ cũng dao động từ 0,4 hạt/m3 ở vịnh Cửa Lục (Quảng Ninh) đến 28,4 hạt/m3 ở cửa sông Dinh (chảy qua Ninh Thuận, nay là tỉnh Khánh Hòa).

Theo PGS.TS. Mai Hương, Phó Trưởng khoa Nước - Môi trường - Hải dương học (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - VAST), khi chọn nghiên cứu về vi nhựa, thách thức đầu tiên là việc lấy mẫu tại hiện trường để nghiên cứu. Việc lập kế hoạch lấy mẫu để phục vụ mục tiêu nghiên cứu luôn đòi hỏi nhà khoa học phải bám sát và linh hoạt tại hiện trường sông, hồ, kênh rạch...

Lê Xuân Thanh Thảo lấy mẫu tại hiện trường

Lê Xuân Thanh Thảo lấy mẫu tại hiện trường

"Có những địa điểm lấy mẫu ngoài khơi, khi sóng lớn không thể lấy được mẫu, chúng tôi lại phải quay vào bờ, đợi đến khi sóng lặng hơn thì mới triển khai việc lấy mẫu được hoặc đôi khi phải thay đổi địa điểm thu mẫu", bà Mai Hương kể lại.

8.300 triệu là số tấn rác nhựa mà Trái đất đang phải gánh chịu, trong đó chỉ 9% được tái sử dụng, 12% được xử lý (đốt), còn 79% trong bãi rác và trôi nổi trong môi trường. Dự báo đến năm 2050, khoảng 12.000 triệu tấn rác nhựa sẽ được chôn lấp hoặc đưa vào môi trường tự nhiên.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), các quốc gia có rác thải nhựa không được xử lý, đổ ra môi trường nước lớn, lần lượt là: Trung Quốc (chiếm 8,8 triệu tấn/năm); Indonesia (chiếm 3,2 triệu tấn/năm); Philippines (chiếm 1,9 triệu tấn/năm). Đứng thứ 4 trong thống kê của UNEP là Việt Nam, với hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra trong một năm, chỉ có 27% trong số đó được tái chế.

Với PGS.TS. Mai Hương, cơ duyên được làm việc cùng các chuyên gia Pháp, các nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam trong một dự án nghiên cứu về vi nhựa tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, đã mở ra nhiều mảng nghiên cứu chuyên sâu về vi nhựa.

"Chúng tôi đã có một công bố khoa học trên tạp chí Marine Pollution Bulletin - thứ hạng thuộc Q1, đến nay có 157 trích dẫn. Điều này chứng tỏ, giới nghiên cứu quốc tế đang rất quan tâm đến xu hướng nghiên cứu vi nhựa tại Việt Nam", bà Mai Hương cho biết thêm.

Nỗ lực nghiên cứu chuyên sâu

Để có những công bố quốc tế về vi nhựa, các nhà khoa học đã miệt mài nghiên cứu tại phòng Lab sau những đợt thu mẫu tại hiện trường. Công đoạn xử lý mẫu thô, tách vi nhựa tại phòng thí nghiệm thường mất vài giờ đến vài ngày.

Trong đó, việc xử lý mẫu sinh vật để tách vi nhựa thường phức tạp và mất thời gian hơn so với mẫu trầm tích hoặc nước. Do có kích thước cực nhỏ, thường ở mức micromet, vi nhựa khó có thể quan sát và nhận diện bằng mắt thường.

Thanh Thảo nghiên cứu vi nhựa trong phòng Lab

Thanh Thảo nghiên cứu vi nhựa trong phòng Lab

Việc giải mã vi nhựa đang đòi hỏi các nhà khoa học tập trung nghiên cứu qua mẫu, sử dụng các thiết bị chuyên dụng và hiện đại.

Lê Xuân Thanh Thảo, một nhà khoa học trẻ đang làm việc tại Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, đã có những công bố khoa học liên tiếp về vi nhựa trong môi trường với các đối tượng như nước ngầm, nước thải, bùn thải, nước mặt và trầm tích ven biển, động vật thân mềm hai mảnh vỏ ở vùng biển của Việt Nam trong những năm gần đây.

"Các dòng sông hay kênh rạch ngập rác thải nhựa, hay những sinh vật biển bị mắc kẹt trong rác thải, luôn khiến tôi trăn trở. Với những trải nghiệm và quan sát thực tế đó, tôi đã quyết định chọn lĩnh vực nghiên cứu về ô nhiễm vi nhựa - một vấn đề mới mẻ nhưng đầy thách thức", Thanh Thảo chia sẻ.

Sau 6 năm tích lũy nghiên cứu về vi nhựa, Thanh Thảo và nhóm nghiên cứu đã từng bước đi sâu vào đánh giá sự hiện diện và các đặc trưng của vi nhựa trong các hệ sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn, trên 3 nhóm đối tượng chính là nước, trầm tích và sinh vật.

Tại một hội nghị khoa học mới đây, khi trình bày một báo cáo về nghiên cứu vi nhựa ở các loài thân mềm hai mảnh vỏ (như trai và hàu) sống trong các rạn san hô của Việt Nam, Thanh Thảo đã minh họa con đường di chuyển của vi nhựa trong phổi, gan, thận, não… của cơ thể con người.

Việc khẳng định độc tính của vi nhựa đối với con người đang là một khuyến cáo cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán khó đang cần nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực vào cuộc nghiên cứu bài bản.

"Độc tính của vi nhựa chủ yếu đến từ 2 yếu tố: tác động cơ học và hóa học. Vi nhựa có thể gây tổn thương cơ học cho sinh vật biển, làm tắc nghẽn hệ tiêu hóa.

Đồng thời, vi nhựa ngoài các chất phụ gia có trong thành phần nhựa để đem lại các đặc tính mong muốn như chất hóa dẻo, chất chống cháy, chất chống oxy hóa… thì vi nhựa còn có khả năng hấp phụ các chất độc hại từ môi trường như kim loại nặng và các chất ô nhiễm hữu cơ, cũng như mầm bệnh, có thể giải phóng vào cơ thể sinh vật khi ăn phải.

Những chất này có thể gây nhiễm độc, rối loạn nội tiết và tích lũy trong chuỗi thức ăn, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người", nghiên cứu sinh Thanh Thảo cho biết.

Một thách thức khác trong nghiên cứu ô nhiễm vi nhựa tại Việt Nam là sự thiếu hụt dữ liệu định lượng. Hiện nay, nhiều công trình trong nước mới dừng ở mức độ định tính - tức là xác định sự có mặt của vi nhựa trong môi trường mà chưa thể đưa ra con số cụ thể về hàm lượng.

Điều này khiến việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của vi nhựa đến sức khỏe con người và hệ sinh thái trở nên khó khăn hơn.

Giới chuyên gia nhận định, để nâng cao giá trị nghiên cứu, cần có những khảo sát trên phạm vi rộng hơn, từ đất liền ra đại dương, với các đối tượng liên kết như nước, trầm tích và sinh vật.

Hơn nữa, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu liên ngành là rất quan trọng để nâng cao khả năng nghiên cứu, tiếp tục đào sâu nghiên cứu về ô nhiễm vi nhựa trong các hệ sinh thái biển ở Việt Nam, đặc biệt là những khu vực nhạy cảm như rạn san hô, vùng cửa sông và khu bảo tồn thiên nhiên.

PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, nhận định: "Vi nhựa là đối tượng ô nhiễm mới nổi, để loại bỏ chúng trong môi trường hay sinh vật đều rất khó.

Các công nghệ hiện nay mới chỉ giải quyết được phần nào, vẫn cần nhiều nghiên cứu để chuẩn hóa cho từng đối tượng môi trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng giải pháp phù hợp nhất hiện nay là hạn chế sự phát tán của loại hình chất thải này ra môi trường".

Vi nhựa đến từ đâu?

Nguồn gốc sản sinh ra vi nhựa là từ các hoạt động công nghiệp, các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày và từ các hoạt động xử lý chất thải. Có thể xem, vi nhựa là sự tập kết của rác thải nhựa, ở cấp độ kích thước siêu nhỏ, chỉ vài micromet hoặc thậm chí nanomet. Trong môi trường biển, phần lớn vi nhựa đều có tỷ trọng nổi cao nên thường phát tán trên bề mặt nước với diện rộng. Một số loại vi nhựa lắng xuống bề mặt đáy biển, mật độ ngày càng tăng, là môi trường cho các sinh vật trú ngụ.

Vi nhựa đi vào cơ thể chúng ta bằng cách nào?

Số lượng hạt vi nhựa trong không khí trung bình được phát hiện trong 1m2 là 4.885 hạt/ngày. Nước đóng chai là một trong những nguồn hấp thụ hạt vi nhựa cao nhất, trung bình khoảng 100 hạt/lít. Vi nhựa được tìm thấy phổ biến trong các thực phẩm như thịt, tôm, hàu, đường, gạo, muối biển, sữa mẹ, sữa hộp, mật ong thương mại, bia... Thông qua việc ăn uống và hít thở, con người có thể tiêu thụ lên tới 5 gram vi nhựa/tuần, tương đương với trọng lượng nhựa làm ra 1 thẻ ATM.

Trần Thị Kiều Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-nha-khoa-hoc-nu-miet-mai-giai-ma-vi-nhua-20250716105635255.htm
Zalo