Những người trẻ mở lối học nói tiếng Anh cho cộng đồng
Không bảng đen, không điểm số, chỉ có kết nối, sẻ chia và hàng trăm lần nói sai để rồi sẽ nói đúng hơn. Từ TP. HCM đến Pleiku, những sân chơi tiếng Anh do người trẻ khởi xướng đang góp phần làm mới cách người Việt học và sử dụng ngoại ngữ trong đời sống thường ngày.
Những người trẻ mở đường
“Mình ghét tiếng Anh”, Nguyễn Anh Vũ (2003, nhà sáng tạo nội dung) thổ lộ việc từng là một người mất gốc tiếng Anh. “Lần đầu tiên nói chuyện với mentor (người chỉ dẫn) người Mỹ, mình không hiểu được gì hết, vì họ nói quá nhanh. Nhưng mentor vẫn vui vẻ nhắc lại nhiều lần. Mình cảm thấy được tôn trọng và từ đó, mình muốn nghe hiểu nhiều hơn. Mình muốn kết nối, chứ không phải học để giỏi”, Vũ chia sẻ.

Anh Vũ (áo trắng, giữa) là điều phối viên cho hoạt động của FOI Saigon.
Giờ đây, Vũ không chỉ sử dụng tiếng Anh thành thạo trong công việc và cuộc sống, mà còn là điều phối viên và phiên dịch viên tại CLB tiếng Anh Friends of Internationals Saigon (FOI Saigon).
Người sáng lập FOI Saigon, anh Andrew Ong (quốc tịch Malaysia), là một doanh nhân. Sau lần đầu đến Việt Nam năm 2017, Andrew cảm thấy “một sự kết nối không thể lý giải” với con người nơi đây. Anh quyết định ở lại và đồng hành cùng cộng đồng thông qua việc tạo ra một sân chơi ngôn ngữ phi lợi nhuận. FOI Saigon ra đời và chính thức tổ chức các buổi sinh hoạt tiếng Anh 2 tuần/lần, đều đặn từ năm 2023.

Hoạt động ở FOI Saigon thu hút người tham gia ở mọi quốc tịch và mọi lứa tuổi. (Ảnh: Chung Quỳnh)
Với Andrew, khi tham gia các sân chơi tiếng Anh, mục đích không phải là trở nên giỏi giang ngay lập tức, “đi chơi, đi cà phê, chơi thể thao, nói chuyện bằng tiếng Anh để biến tiếng Anh thành một phần cuộc sống, thay vì chỉ là một môn học”.

Andrew Ong (áo tím) tham gia trò chơi nặn đất sét theo từ vựng được nhận. (Ảnh: Chung Quỳnh)
Cùng với dòng chảy đó, Đỗ Minh Hiếu (sinh năm 1996), trở về nước sau nhiều năm du học tại Canada. Anh tìm sự kết nối từ các câu lạc bộ tiếng Anh trên địa bàn thành phố: “Có những nơi thì rất vui, nhưng cũng có nơi khiến mình thấy lạc lõng vì thiếu sự tương tác”. Chính từ những trải nghiệm đó, Hiếu quyết định thành lập Buddies Club vào cuối năm 2023.

Hoạt động tại Buddies Club do Minh Hiếu (ngoài cùng, bên phải, hàng ngồi) tổ chức thu hút được nhiều người trẻ trong và ngoài nước tham gia. (Ảnh: NVCC)
Còn tại phố núi Pleiku, mỗi cuối tuần lại vang lên những tiếng cười, những đoạn hội thoại tiếng Anh của các bạn học sinh. Đó là hoạt động của Pleiku English Club - CLB Tiếng Anh TP. Pleiku, do Mai Ngọc Anh (2000, giáo viên Tiếng Anh) thành lập vào năm 2022 (tháng 1/2024, câu lạc bộ chính thức trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Pleiku). Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ Anh tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM), Ngọc Anh quay về quê hương, quyết định tạo ra một sân chơi tiếng Anh cho cộng đồng.
“Lên đại học, mình mới nhận ra khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình rất hạn chế, dù từng là học sinh chuyên Anh. Tiếng Anh không chỉ là giải đề, làm bài tập mà còn cần một môi trường luyện nói. Vì vậy, mình muốn tạo ra môi trường đó cho các em học sinh ở Pleiku”, Ngọc Anh chia sẻ.
Mỗi sân chơi là một thế giới
18h30, tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Gia Trí (TP. HCM), FOI Saigon bắt đầu buổi giao lưu bằng việc hát cùng nhau. Buổi hoạt động với chủ đề "Activity Night: Word Play" được dẫn dắt bởi Jessica Makona (giáo viên tại Mỹ) thu hút nhiều bạn trẻ là sinh viên, người đi làm đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
FOI Saigon thường đi sâu vào các chủ đề như: Quản lý thời gian, giao tiếp, phát triển tư duy, ứng dụng AI trong học tập… Mỗi buổi đều có diễn giả chuyên môn và phần thảo luận nhóm để các thành viên kết nối với nhau.
Các buổi hoạt động tại Buddies Club có khoảng 40 - 50 người tham gia, được chia thành các nhóm nhỏ, hoạt động trò chơi luân phiên. “Ai đến cũng sẽ phải nói. Nhưng không bị áp lực, vì đã có tình nguyện viên hướng dẫn và khuyến khích. Mục tiêu là để mọi người vượt qua sự sợ sai”, Hiếu chia sẻ.

Quán cà phê thường là địa điểm được Buddies Club lựa chọn. (Ảnh: NVCC)
Là tình nguyện viên tại Buddies Club, Nguyễn Ngọc Bảo Châu (năm thứ nhất, ĐH Western Sydney, Việt Nam) cho biết: “Mình dành thời gian rảnh cuối tuần để tham gia Buddies. Các buổi hoạt động rất sôi nổi, ngoài topic (chủ đề) chính ra, mình cảm giác small talk (trò chuyện phiếm) giữa mọi người như không có hồi kết vậy”.
Còn ở Pleiku English Club, hình ảnh quen thuộc là những nhóm bạn trẻ tụ họp tại Nhà Thiếu nhi thành phố, cùng chơi trò chơi, trò chuyện tiếng Anh. Nhờ sự hỗ trợ của một chủ nông trại có liên hệ với các tình nguyện viên quốc tế từ các nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Nga… CLB đã có cơ hội đón nhiều vị khách độc đáo, mang đến trải nghiệm phong phú cho các bạn học sinh.
Cô giáo Ngọc Anh cho rằng: “Cách tốt nhất để khuyến khích một người nói tiếng Anh là hãy đặt câu hỏi”. Chính những câu hỏi đơn giản nhưng gợi mở đã giúp các bạn trẻ từng bước tự tin hơn trong giao tiếp.

Nhờ gắn kết với cộng đồng người trẻ, Pleiku English Club thường có các buổi giao lưu với các tình nguyện viên quốc tế. (Ảnh: NVCC)

Vận hành bằng sẻ chia
Các câu lạc bộ đều không đặt nặng yếu tố tài chính mà vận hành bằng sự chia sẻ của cộng đồng.
FOI Saigon hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. Không có lệ phí bắt buộc, chỉ có gợi ý đóng góp tự nguyện (30.000 đồng/buổi). Chi phí thuê phòng được duy trì từ quỹ cộng đồng, sự hỗ trợ của các tình nguyện viên và cả chính túi tiền của Andrew. “Đôi khi tôi mời bạn bè ăn, có khi họ mời lại tôi. Việc duy trì FOI cũng vậy. Tình bạn là sự cho - nhận lẫn nhau”, Andrew nói.
Tương tự như FOI Saigon, Buddies Club duy trì mức phí 20.000 đồng/buổi, vừa đủ để chuẩn bị đạo cụ, thuê không gian và hỗ trợ tình nguyện viên. Minh Hiếu chia sẻ: “Rất khó để vận hành câu lạc bộ miễn phí, việc bỏ ra khoản phí nhỏ nhưng nhận lại được sự đầu tư chất xám và các mối quan hệ là hoàn toàn xứng đáng”.
Pleiku English Club là mô hình miễn phí, nhưng vẫn duy trì việc kêu gọi gây quỹ thiện nguyện, hoặc đề xuất đóng góp 10.000 - 20.000 đồng khi có hoạt động cần dụng cụ.

Pleiku English Club đồng hành cùng Làng trẻ em SOS trong dự án “PEC sum vầy, Tết đong đầy”.
Những sân chơi tiếng Anh như FOI saigon, Buddies Club, Pleiku English Club... đang xây dựng một cộng đồng học tập lâu dài, lành mạnh, tôn trọng lẫn nhau và cùng tiến bộ. “Bạn có thể quên nhiều thứ sau vài năm, nhưng nếu 10 hay 20 năm nữa, bạn vẫn còn nhớ những người bạn ở sân chơi tiếng Anh mà bạn từng tham gia, thì đó là điều tuyệt vời nhất”, Andrew chia sẻ.