Những người lặng thầm cống hiến

Họ gắn bó với một nơi 'kín tiếng' để công tác, lặng thầm cống hiến trong môi trường làm việc vô cùng đặc biệt, độc hại, không kể ngày đêm hay thời tiết, đưa ra những kết luận chính xác, khách quan, kịp thời, góp phần đem đến sự công bằng cho xã hội. Họ là những cán bộ, bác sĩ của Trung tâm Pháp y tỉnh Thái Nguyên.

Trung tâm Pháp y tỉnh đã có thể thực hiện các lĩnh vực khó như giám định về hóa pháp, độc chất, giám định ADN, giám định mô bệnh học...

Trung tâm Pháp y tỉnh đã có thể thực hiện các lĩnh vực khó như giám định về hóa pháp, độc chất, giám định ADN, giám định mô bệnh học...

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Quang Hà, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh, cho biết: Được thành lập năm 2014, thời gian đầu, Trung tâm gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất gần như không có gì, phải đi "ăn nhờ ở đậu", nhân lực chỉ có vài người. Vượt lên những khó khăn đó, cán bộ, nhân viên Trung tâm không ngừng nỗ lực và từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong hoạt giám định pháp y. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, đơn vị đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng trụ sở làm việc tại Khu dân cư số 5, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên) từ đầu năm 2022, với đầy đủ các phòng, ban chức năng và hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại; trong đó có xét nghiệm và giám định pháp y về ADN, hóa pháp độc chất, mô bệnh học… Hiện nay, đơn vị có 17 cán bộ, bác sĩ, nhân viên, trong đó có 8 giám định viên.

Với đặc thù công việc, nhiệm vụ chính của cán bộ, bác sĩ của Trung tâm là giám định tư pháp thuộc lĩnh vực pháp y như: pháp y tử thi, thương tích, xâm hại tình dục và một số lĩnh vực liên quan như pháp y về giới tính, giám định sức khỏe đối với đối tượng chấp hành án… để phục vụ công tác điều tra, phá án. Do vậy, bất kể ngày đêm, khi cơ quan chức năng cần thì bác sĩ pháp y có mặt. Điều này đồng nghĩa với việc dù là ngoài giờ hành chính, họ vẫn luôn phải duy trì chế độ trực 24/24h.

Không chỉ bị “bó buộc” bởi thời gian, công việc đối với giám định viên pháp y đòi hỏi họ có trình độ chuyên môn cao và một “tinh thần thép”. Đó là việc tiếp xúc, làm việc với những tử thi ở nhiều tình huống khác nhau, khi là người mới chết, lúc thì tử thi đang phân hủy, khi không còn nguyên vẹn do tai nạn giao thông… và cả những trường hợp còn đặc biệt hơn thế. Vậy nhưng, đặc thù công việc không cho phép họ sợ, tuy nhiên, cũng có những vụ việc khiến giám định viên bị ám ảnh thời gian dài, thậm chí cả đời.

Bác sĩ, giám định viên Đỗ Bình Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm, người có thâm niên công tác của Trung tâm, kể: Với tôi, vụ việc khám nghiệm tử thi cho một người nước ngoài hồi tháng 2-2024 mới đây là một kỷ niệm khó quên. Đó là trường hợp bị tử vong do đánh nhau. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên sau gần 2 tháng bảo quản trong nhà đông lạnh của bệnh viện, tử thi này mới được tiến hành khám nghiệm. Quá trình thực hiện diễn ra rất lâu bởi chúng tôi vừa làm vừa phải chờ tử thi… “giã đông”. Cảm giác và áp lực rất khó nói ấy có lẽ chỉ người trong nghề mới hiểu và cảm nhận được.

Bác sĩ Lê Quang Hà chia sẻ: Sau mỗi lần khám nghiệm tử thi, chúng tôi phải dùng chất tẩy rửa, khử trùng, tắm gội nhiều lần… để khử mùi tử khí ám trên cơ thể, quần áo, nhất là với những tử thi đang phân hủy. Điều này với chúng tôi là chuyện thường, nhưng nếu ai được chứng kiến công việc của chúng tôi chắc sẽ bị ám ảnh đến mất ăn, mất ngủ trong thời gian dài.

Hiện nay, nhu cầu giám định trong hoạt động tố tụng theo Luật Giám định tư pháp ngày càng cao, đa dạng về các loại hình giám định. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung tâm luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn của từng cán bộ, bác sĩ.

Trung tâm Pháp y tỉnh đã được trang bị nhiều tiết bị y tế, máy móc hiện đại để phục vụ công tác giám định.

Trung tâm Pháp y tỉnh đã được trang bị nhiều tiết bị y tế, máy móc hiện đại để phục vụ công tác giám định.

Lãnh đạo Trung tâm chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, tuyển dụng, đào tạo và sử dụng theo lĩnh vực cũng như vận hành các thiết bị máy móc hiện đại. Đặc biệt, từ năm 2023, đơn vị đã được trang bị thêm nhiều thiết bị y tế, máy móc hiện đại phục vụ công tác giám định tại chỗ về hóa pháp, độc chất, giám định ADN, giám định mô bệnh học... mà không cần phải gửi mẫu đi Hà Nội như trước đây.

Hiện nay, 7/8 giám định viên là bác sĩ có trình độ sau đại học và thường xuyên được cử đi bồi dưỡng, đào tạo để cập nhật nhật kiến thức mới. Cùng với đó, Trung tâm luôn thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp nên không có phản ánh tiêu cực từ các cán bộ điều tra và đối tượng được giám định. Kết quả giám định đáp ứng kịp thời, đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Những năm qua, số lượng vụ việc cần trưng cầu giám định luôn tăng dần qua các năm. Trong đó, số việc do Trung tâm thực hiện chiếm trên 60% của toàn tỉnh. Cụ thể, năm 2022, Trung tâm thực hiện 1.194 ca giám định, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 5-2024 là gần 2.000 ca.

Các ca giám định đều được thực hiện nhanh chóng, chính xác, khách quan, kịp thời, từ đó góp phần cung cấp chứng cứ, tài liệu xác thực cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự, đem lại công bằng cho xã hội.

Cũng vì lượng công việc quá lớn, nhân lực lại ít nên Trung tâm rất thiếu bác sĩ, nhất là các giám định viên chuyên trách, cán bộ chuyên ngành. Do điều kiện làm việc vất vả, đặc thù và nhiều áp lực, rất ít người muốn vào công tác trong ngành pháp y, nên việc tuyển dụng rất khó khăn. Do vậy, chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm nhiều hơn, có chính sách ưu tiên tuyển dụng, đào tạo cũng như đãi ngộ phù hợp, thỏa đáng để thu hút, khuyến khích nhân lực vào làm việc trong cơ quan giám định pháp y - Bác sĩ Lê Quang Hà nói.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202407/nhung-nguoi-lang-tham-cong-hien-7f90025/
Zalo