Những người làm tín dụng chính sách ở 'bìa rừng'
Trong suốt 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã đều đặn, bền bỉ cùng với chính quyền và người dân huyện Tân Phú 'thay áo mới' cho xã nghèo Đắk Lua, giúp hàng chục nghìn hộ dân tiếp cận vốn vay tại một khu vực bìa rừng, nơi mà đến hiện nay chưa có ngân hàng nào mở mạng lưới giao dịch.
Bài 1: Cuối tuần chở tiền về thượng nguồn sông Đồng Nai
Bất chấp thời tiết mưa dầm và đường xá xa xôi, lầy lội, những cán bộ của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đồng Nai vẫn dành trọn ngày nghỉ cuối tuần để chở tiền về giao dịch tại xã “rốn lũ” Đắk Lua, giúp hàng trăm hộ dân nghèo kịp thời có vốn đầu tư cải thiện sinh kế.
Để có mặt tại UBND xã Đắk Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) vào lúc 9 giờ sáng, để có thời gian gần một ngày Chủ Nhật cho việc thu nợ và giải ngân cho vay mới đối với hơn 100 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương, các cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHSCXH) chi nhánh tỉnh Đồng Nai phải thức dậy và di chuyển từ rất sớm, với quãng đường gần 200 kilomet.
Đắk Lua là xã xa nhất của tỉnh Đồng Nai, nằm cách trung tâm huyện Tân Phú gần 70 kilomet về phía rừng Quốc gia Cát Tiên. Mặc dù là xã có diện tích chiếm hơn 1/2 diện tích toàn huyện với hơn 415,8 km2, nhưng từ nhiều năm qua Đắk Lua được xem là xã “ốc đảo kẹp rừng”. Đồng thời là “rốn lũ” của Đồng Nai với đường xá giao thông trắc trở, lầy lội và người dân di chuyển qua lại các nơi khác vô cùng khó khăn, vất vả.
Cả xã đội mưa chờ xe từ ngân hàng
Để chở tiền về giao dịch tại UBND xã Đắk Lua, chúng tôi cùng các anh, chị em cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tân Phú phải đi vòng qua địa bàn ba huyện vùng xa của tỉnh Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.
Băng qua những đoạn đường “dễ chạy” của Quốc lộ 20, xe ô tô của chúng tôi bám lấy cung đường rừng nhỏ, hẹp và bắt đầu đóng bùn ở những đoạn trũng sau những ngày mưa dầm liên tiếp ở khắp miền Đông Nam bộ. Bánh xe xóc lên nảy xuống mỗi lúc tránh những vũng nước trên mặt đường, nhưng trong xe ai nấy cũng vui vẻ và hồ hởi vì nghĩ đến niềm vui của hàng trăm hộ nghèo và bà con cả xã vùng xa đang chờ xe của ngân hàng đến giao dịch.
“Thế này là đỡ hơn lúc trước lắm rồi anh. Lúc trước chưa làm nông thôn mới, chưa có cầu, phải đi phà và qua đò. Anh em từ huyện đi vào phải xuất phát từ 3-4 giờ sáng, làm việc thâu trưa đến 5-6 giờ chiều là bình thường” - Anh Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tân Phú nói cho chúng tôi nghe về chuyện đường xá khó khăn, trong khi anh em cán bộ ngân hàng phải “hy sinh” cả những ngày nghỉ cuối tuần để về xã giao dịch.
Chuyến xe vừa qua địa bàn xã Đà Tẻh thì mưa lớn. Đầu dây bên kia, lãnh đạo xã Đắk Lua gọi điện tới báo rằng, từ sáng sớm trời đã mưa, nhưng đến giờ thì đã hơi ngớt và may mắn là đường chưa bị ngập. Bà con từ các ấp xa ở ven bìa rừng và các Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm Vay vốn đã đội mưa đến điểm giao dịch tại UBND xã đông đủ cả rồi chỉ còn chờ ngân hàng đến là có thể bắt đầu giải ngân.
Xe tiếp tục lăn bánh. Các cán bộ tín dụng trên xe vừa ôm thùng tiền vừa trò chuyện chia sẻ về việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách về xã Đắk Lua gian nan mà vui từ những ngày địa phương mới được sáp nhập về tỉnh Đồng Nai.
Ngoài những khó khăn về đường xá giao thông, thì những đợt giao dịch tại xã Đắk Lua những năm trước đây cũng gặp rất nhiều trở ngại. Một phần do địa bàn xã quá rộng và nằm lọt giữa bìa rừng Cát Tiên đồng thời là ngã ba ranh giới giữa các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai – nơi các đối tượng tội phạm rất dễ lẩn tránh và tiến hành các hành vi phạm tội.
Phần khác là vì đa số người dân ở xã Đắk Lua là bà con người dân tộc thiểu số nên việc vận động tham gia các Tổ Tiết kiệm Vay vốn cần nhiều thời gian. Việc chọn lựa những cá nhân, cán bộ có uy tín cao trong cộng đồng để ủy thác phụ trách cho vay, thu nợ ở từng địa bàn xóm, ấp cũng khá nan giải do đa số là cán bộ hội, đoàn kiêm nhiệm, trong khi địa bàn xã trải rộng còn trụ sở ngân hàng ở trung tâm huyện Tân Phú thì cách xã quá xa, các cán bộ ngân hàng không thể thường xuyên hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ.
Ngân hàng duy nhất có mặt tại xã
Ông Đới Xuân Vinh, Phó Chủ tịch Phụ trách kinh tế của xã Đắk Lua cho biết, so với 10 năm trước đây, địa phương hiện nay đã gần như “thay da đổi thịt” nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có sự đóng góp đáng kể từ sự nỗ lực của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai đối với việc cho vay giúp xã hoàn thành các tiêu chí nước sạch vệ sinh môi trường, tiêu chí thu nhập, tiêu chí việc làm và phát triển các mô hình giúp dân thoát nghèo bền vững.
“Tại Đắk Lua, từ trước đến nay nhắc đến vay vốn, người dân chỉ nghĩ đến NHCSXH. Bởi địa bàn xã thuộc vùng sâu vùng xa nên các ngân hàng thương mại chưa có ngân hàng nào đặt trụ sở hay các điểm giao dịch. Ngoài một số doanh nghiệp có vay vốn từ các chi nhánh ngân hàng khác ở trung tâm huyện thì hầu như tất cả những mô hình kinh tế hiệu quả của người dân trong xã, từ trồng trọt, chăn nuôi (như trồng dâu nuôi tằm, trồng bí đỏ, sầu riêng, bưởi da xanh, chăn nuôi bò, chăn nuôi heo) đến làm ăn, buôn bán nhỏ lẻ… đều có dấu ấn phát triển từ nguồn tín dụng giải quyết việc làm và cho vay hộ nghèo của NHXSXH huyện” – ông Vinh nhận định.
Tại buổi giao dịch và giải ngân vốn vay ngay tại UBND xã, bà Nguyễn Thị Xanh (người dân tộc Nùng - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm Vay vốn Ấp 7) chia sẻ, Ấp 7 trước đây thuộc xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Hầu như toàn bộ người dân đều là bà con dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy và canh tác ven rừng với thu nhập bình quân hàng năm rất thấp (chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm). Từ khi sáp nhập về huyện Tân Phú, nhất là sau khi xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (2017-PV) cuộc sống của các hộ dân đã thay đổi từng ngày.
“Thời gian qua, được sự hướng dẫn nhiệt tình của các cán bộ NHCSXH, chúng tôi đã vận động gần 100 hộ dân trong ấp tham gia vay vốn giải quyết việc làm. Đến nay, dư nợ trong Tổ Tiết kiệm Vay vốn Ấp 7 thường xuyên ở mức khoảng 2 tỷ đồng. Hầu hết bà con trong ấp đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo nên những năm qua đa số đều đã vay vốn đầu tư vào chuyển đổi cây trồng và mở ra các mô hình chăn nuôi bò, heo rất có hiệu quả” – bà Xanh phấn khởi chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Lua cho biết, đối với hoạt động hỗ trợ người nghèo ở địa phương, hiện nay ngoài các quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân và một vài quỹ tài chính ngân sách nhỏ thì NHCSXH chi nhánh huyên Tân Phú là đầu mối chủ lực giúp Đắk Lua triển khai thành công các kế hoạch giảm nghèo, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Theo chị Định, hiện nay dư nợ NHCSXH huyện ủy thác cho vay qua các hội, đoàn tại xã đạt gần 35 tỷ đồng. Thông qua các Tổ Tiết kiệm Vay vốn, thường xuyên có khoảng 500 hộ nghèo hộ gia đình khó khăn tại Đắk Lua tiếp cận được các nguồn vốn vay theo chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường, cho vay nhà ở và cho vay học sinh, sinh viên.
Là người trực tiếp làm hồ sơ vay và theo dõi thu nợ cho hàng trăm hộ dân tại xã, chị Định cho biết, sở dĩ các khoản vay từ NHXSXH đa số đều phát huy hiệu quả cao bởi có sự chia sẻ từ phía ngân hàng đối với mức lãi suất cũng như phương án thu nợ.
“Mỗi khoản vay có giá trị không quá lớn, nhưng đối với các hộ nghèo, nhất là hộ nghèo tại xã có kinh tế khó khăn như Đắk Lua, việc thu xếp nguồn tiền để trả các khoản nợ vay là rất khó khăn. Vì thế, chính sách vừa cho vay vừa gửi tiết kiệm nhỏ từ 10.000-20.000 đồng/tháng của NHCSXH là rất phù hợp để các hộ dân khó khăn có thể có “tiền tấm tiền món” đầu tư sản xuất, kinh doanh, đồng thời có động lực tích cóp để trả lãi, trả nợ gốc đúng hạn và vay thêm khi đồng vốn vay cũ phát huy hiệu quả” – chị Định nhận xét.
Sau thoát nghèo, vốn đổ vào tạo việc làm và cải thiện thu nhập
Theo thống kê của Phòng Giao dịch NHCSXH chi nhánh huyện Tân Phú, tính đến cuối tháng 9/2024, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Đồng Nai, hiện nay toàn xã Đắk Lua chỉ còn khoảng hơn 80 hộ nghèo và khoảng 100 hộ cận nghèo (lần lượt chiếm 4,2% và 5,9% so với tổng số hộ dân toàn xã).
Thời gian qua, sau khi hỗ trợ Đắk Lua hoàn thành và giữ vững tiêu chí hộ nghèo về xây dựng nông thôn mới (Tiêu chí số 11), nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH chi nhánh huyện Tân Phú tập trung nhiều hơn vào cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cho vay hộ mới thoát nghèo và cho vay nước sạch – vệ sinh môi trường. Tính đến cuối tháng 9/2024, có khoảng trên 1.100 hộ dân tại Đắk Lua đã tiếp cận được các khoản vay từ NHCSXH. Trong đó, các khoản vay hỗ trợ tạo việc làm, vay nước sạch – vệ sinh môi trường chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 23,5 tỷ đồng).
* Đắk Lua hiện nay đang “thay áo mới” từng ngày trên con đường xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện những cá nhân sản xuất giỏi, trong đó có đóng góp của tín dụng chính sách và những người làm tín dụng ở bìa rừng Cát Tiên.