Những người khai canh vùng đất ven biển Nga An

Sau khi phò Tây Sơn đánh đuổi thù trong giặc ngoài, và tránh nạn tru di tam tộc, những người họ Nguyễn ở phía Bắc đã tìm đến đất xã Hồ Vương ngày nay và đổi sang họ Hà (họ mẹ). Sau này, họ di chuyển gần hơn về phía biển khai hoang, lấn biển, kiếm sống và đã lập nên vùng Ngoại thôn (hay còn gọi là thôn Thuần Hậu; thôn 5) của xã Nga An.

Ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm, con cháu trở về nhà thờ họ Hà Văn (xã Nga An) rước kiệu, dâng hương.

Ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm, con cháu trở về nhà thờ họ Hà Văn (xã Nga An) rước kiệu, dâng hương.

Lý lịch di tích họ Hà Văn có ghi, xưa kia xã Nga An vốn là vùng đất bãi bồi ven biển chưa được khai phá, hoang vu, lau sậy mọc thành rừng bãi rậm, có nhiều kênh rạch nên khi nước triều lên xuống, ở đây có rất nhiều loài tôm, cá... Lại thêm thời Tây Sơn (1788-1802) cùng với chính sách khuyến nông của vua Quang Trung tạo cơ hội cho những người nông dân lao động vùng đồng bằng Bắc bộ cũng như vùng Bắc Trung bộ rời quê hương cũ đến những vùng đất mới làm ăn. Tại huyện Nga Sơn cũ nói chung và Nga An nói riêng vào thời Tây Sơn các dòng họ ở đồng bằng Bắc bộ và vùng cao của Thanh Hóa lần lượt tràn xuống chiếm dải cồn cát ven biển để ở và khai thác.

Điều này sách “Le Thanh Hoa” của tác giả Charles Robequain cũng khẳng định, các tổng thuộc miền ven biển Nga Sơn cũ được cư dân các vùng đất khác đến khai hoang lấn biển vào những năm 50 của thế kỷ XIX. Ban đầu là các trại ấp sau này mới hình thành nên các làng xã.

Ở vùng đất này, ông Hà Văn Nho, Hà Văn Chế và Trịnh Ngọc Kiêm đã đứng ra chiêu mộ dân khai khẩn. Để khai khẩn vùng đất này, cư dân đã hợp sức lại với nhau đắp một con đê song song với bờ biển. Được con đê bảo vệ, người dân đã dựng nhà trên những doi đất cao và trồng khoai trên các thửa ruộng đó, đồng thời đánh cá để giải quyết đời sống sinh hoạt. Dần dần do nước biển lùi ra xa, chân đê ngày càng vững chãi, đất đai phía trong đê được chia đều cho các trại ấp, vì thế mà cư dân tụ về ngày càng đông hơn. Có thể nói gần 1 thế kỷ chinh phục thiên nhiên, cư dân các dòng họ ở vùng đất Tam Tổng đã chung lưng đấu cật xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tính đến đầu thế kỷ XX, nhiều xóm làng trù mật ở vùng đất ven biển này đã lần lượt ra đời. Công lao đó trước hết thuộc về những “quan mộ” “tiền khai canh” - những người đi tiên phong mở đất.

Nói rõ về vùng đất này, theo những ghi chép của Charles Robequain và lời kể của các vị cao niên ở làng Thuần Hậu và sách “Lịch sử Đảng bộ xã Nga An” (1947-2009) đã viết: Làng được một người họ Nguyễn quê ở Hà Tây (nay là Hà Nội), năm 1819 vì phò Tây Sơn nên đã bị nhà Nguyễn giết chết, vợ ông cùng con trai là Hà Văn Thanh phải lánh vào vùng đất Giáp Lục - Nga Giáp (nay thuộc xã Hồ Vương) để nương náu. Sau khi lập gia đình, vợ ông Thanh sinh được bốn người con trai, trong đó có Hà Văn Nho, Hà Văn Chế.

Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nhà thờ họ Hà Văn trên đất xã Nga An.

Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nhà thờ họ Hà Văn trên đất xã Nga An.

Lại nói về ông Nho và ông Chế, do được ăn học nên thông tuệ hơn người. Trong đó có ông Nho đã làm phụ giúp cho tri huyện. Ông thấy làng Giáp Lục đất chật người đông, người dân đói khổ, bèn bàn với người em là Hà Văn Chế đi tuần du vùng đất ven biển. Đến vùng đất xã Nga An, thấy ở đây một dải cồn cát hoang vu, cây cối rậm rạp, muông thú ẩn náu, chưa có vết chân người. Phía dưới cồn cát là một dải đất bồi có nước thủy triều lên xuống, khi thủy triều xuống lộ ra một bãi sú vẹt đầy tôm cá. Nhận thấy nơi đây có thể làm ăn được, hay ít nhất là không chết đói, 2 ông bèn đưa gia đình và vận động các cụ trong làng là cụ Mai Hữu Bốn, Mai Mục, Phạm Luồng, Mai Chấn Lương cùng gia đình đến định cư. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình từ nghèo đói đã thành thục với nghề biển, Nhân dân nhiều nơi đã cùng đến đây khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp.

Chính các ông Hà Văn Nho và Hà Văn Chế, Trịnh Ngọc Kiêm là những người biến vùng đất nghèo, hoang vu trở nên giàu có hơn, đông vui hơn.

Để ghi nhớ công ơn của những bậc tiền khai canh, sau khi 3 ông mất, dân làng đã lập đình để thờ phụng những người có công mở mang trang ấp. Triều đình đã phong sắc cho ông Hà Văn Nho và Trịnh Ngọc Kiêm làm Thuần chinh Dực bảo trung hung nho nhã trung đẳng thần; ông Hà Văn Chế được phong làm Tĩnh hậu Dực bảo Trung hung Hàm quang Lục địa Sáng phủ thượng đẳng thần.

Về nhà thờ họ Hà Văn ở Nga An, được trò chuyện với ông Hà Đức Sơn, hậu duệ đời thứ 5 của các cụ Hà Văn Nho, Hà Văn Chế đồng thời là thành viên ban quản lý di tích, chúng tôi càng thêm hiểu những đổi thay của một vùng đất, những trầm ngang của lịch sử, số phận của các di tích và càng thêm phục những người của dòng họ Hà Văn. Chính họ đã đồng tâm nhất trí mà “bày mưu” để giữ phần đất của tổ tiên, để các hiện vật không bị mất đi và vẫn “cất lời” lịch sử.

Nằm ngay dưới chân núi Thông, nơi có phủ Thông thờ Mẫu Liễu Hạnh, trong dãy Tam Điệp hùng vĩ, nhà thờ họ Hà Văn nhỏ nhắn như một nét chấm phá khiến cảnh sắc thêm xinh đẹp, nên thơ.

Giới thiệu thêm với chúng tôi một số hiện vật có giá trị, ông Hà Đức Sơn cho biết: Hiện chúng tôi chỉ còn một ngai thờ và bức bài vị cổ của cụ Hà Văn Chế. Còn, ngai thờ và bài vị của cụ Hà Văn Nho đã thất lạc khi thực dân Pháp đóng đồn và càn quét, dòng họ đã di chuyển đồ thờ, ngai thờ và bài vị này đến một vị trí khác. Vì tính chất bí mật mà đến nay con cháu vẫn chưa tìm lại được. Tuy nhiên, chỉ với bức bài vị còn lại trong di tích, đủ để lớp lớp hậu duệ chúng tôi biết được cụ Hà Văn Nho, Hà Văn Chế chính là những bậc Phúc thần, có phẩm hạnh được ngợi ca với những mỹ tự không nhiều người có được”.

Hằng năm vào ngày 23/3 âm lịch con cháu họ Hà Văn ở khắp nơi đều đổ về nhà thờ tham dự lễ Kỳ an. Chỉ tính riêng ở xã Nga An, dòng họ Hà hiện có hơn 100 suất đinh. Chính vì thế lễ kì an không chỉ là để mọi người cầu mong mọi sự yên ổn mà còn là dịp con cháu về thắp nén tâm hương lên tổ tiên.

Bài và ảnh: Chi Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-nguoi-khai-canh-vung-dat-ven-bien-nga-an-38006.htm
Zalo