Những người chuyên trách bảo vệ rừng
Sau khi được kiện toàn lại, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé hiện có 53 người. Đây là lực lượng được coi là nòng cốt, chủ đạo trong công tác quản lý, bảo vệ hơn 46.730ha đất rừng thuộc Khu Dự trữ.

Tổ chuyên trách bảo vệ rừng đặc dụng số 4 tuần tra, kiểm tra rừng.
Đầu tháng 6 vừa qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng, Tổ Chuyên trách bảo vệ rừng đặc dụng số 4 đã phát hiện 8 người dân trú tại bản Huổi Chạ 1, xã Nậm Vì nay là xã Mường Nhé đang có ý định vào trong lâm phần rừng đặc dụng. Mục đích của những người dân này là vào rừng để tìm 6 con trâu, bò do họ chăn thả tại khu vực giáp ranh biên giới Việt – Lào.
Để người dân hiểu rằng, hành vi chăn thả gia súc trong rừng đặc dụng là sai quy định của pháp luật, các thành viên Tổ chuyên trách bảo vệ rừng đặc dụng số 4 đã giải thích, tuyên truyền cặn kẽ các quy định; tạo điều kiện để người dân vào rừng tìm, dắt trâu, bò ra khỏi lâm phần rừng đặc dụng. Tổ công tác cũng yêu cầu những người dân trên ký vào bản cam kết không tái chăn thả gia súc trong lâm phần rừng đặc dụng.

Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé hiện tại có 205 tuyến tuần tra được thiết lập.
Anh Giàng A Thái, Tổ trưởng Tổ Chuyên trách bảo vệ rừng đặc dụng số 4 chia sẻ: Tổ được giao quản lý, bảo vệ hơn 9.723ha rừng và đất rừng đặc dụng. Diện tích được giao quản lý lớn, trải dài, hệ thống sông suối dày đặc, nhiều lối mòn ra vào rừng nên công việc của các thành viên trong tổ khá vất vả. Ngoài tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng khai thác lâm sản, chăn thả gia súc trái phép, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Chính sự hiện diện thường trực trên diện rộng của các thành viên trong tổ đã góp phần đáng kể vào việc bảo vệ tài nguyên rừng.
Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé là một trong những khu rừng đặc dụng lớn của cả nước và là khu rừng đặc dụng quan trọng của tỉnh Điện Biên. Nơi đây còn bảo toàn nhiều cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, là nơi quan trọng lưu giữ nguồn gen của nhiều loài động vật và thực vật quý hiếm với 976 loài thực vật, trong đó có 33 loài đặc hữu, 128 loài quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN; 458 loài động vật hoang dã, trong đó có 97 loài có giá trị bảo tồn cao.
Xác định nhiệm vụ bảo vệ rừng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái nhất là đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé, Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên thiên Mường Nhé đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, việc thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này là một trong những giải pháp then chốt.

Cán bộ Ban quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé thả cá thể Gà tiền mặt vàng về môi trường tự nhiên.
Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị hiện có 53 người (viên chức 24 người, hợp đồng lao động 29 người), tổ chức thành 7 tổ, mỗi tổ được giao quản lý theo từng khu vực cụ thể. Với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng, thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, kịp thời báo cáo về tình hình bảo vệ rừng được giao… đây là lực lượng nòng cốt, chủ đạo trong công tác quản lý, bảo vệ hơn 46.730ha đất rừng thuộc Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé.
Bên cạnh đó, khi phát hiện hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trong phạm vi diện tích được giao, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với cán bộ, cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử lý theo quy định.
Cùng với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, trong giai đoạn 2020 - 2025, Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé đã phát hiện và tham mưu xử lý 31 vụ vi phạm; ngăn chặn 651 lượt người vào rừng trái phép; thu giữ và bàn giao 10 khẩu súng kíp, 4 khẩu súng cồn, 3.954 viên vật liệu nổ cho cơ quan chức năng xử lý. So với giai đoạn 2015 - 2020 đã giảm 91% khối lượng gỗ thiệt hại, giảm 12,11% diện tích rừng bị tác động.

Tuyến đường tuần tra rừng của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chủ yếu là đường mòn, dốc lớn đi theo khe suối.
Dù là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, xong quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Hiện tại, 205 tuyến tuần tra được thiết lập tại Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé chủ yếu là đường mòn, dốc lớn đi theo khe suối. Mỗi tuyến tuần tra thường phải đi bộ từ 1 - 4 ngày đường. Ngoài những lý do về điều kiện địa hình, chế độ đãi ngộ đối với lực lượng này cũng chưa thật sự được quan tâm.
Nói về vấn đề này, Ông Diệp Văn Chính thông tin thêm: Nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng dù được đánh giá là nặng nhọc, độc hại nhưng chưa được cấp có thẩm quyền công nhận trong quyết định danh mục các công việc nặng nhọc độc hại. Bên cạnh đó, quyền hạn của lực lượng ít (chỉ lập biên bản ban đầu) trong khi yêu cầu nhiệm vụ cần báo cáo kịp thời và bảo vệ hiện trường vi phạm, như vậy đối với những nơi không có sóng điện thoại, địa hình hiểm trở việc đưa người và tang vật về trụ sở càng trở nên khó khăn hơn khi thẩm quyền không cho phép... Do đó, cần có sự sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đãi ngộ, quyền hạn cho lực lượng chuyên trách một cách phù hợp và kịp thời. Có như vậy hoạt động của lực lượng này mới thực sự phát huy hiệu quả.