Những 'ngọn lửa' giữ bản, giữ làng
Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong cộng đồng, thời gian qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Điểm sáng ở cơ sở
Với uy tín, kinh nghiệm và sự gắn bó mật thiết với Nhân dân, họ trở thành cầu nối tin cậy đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với đồng bào các dân tộc.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm các vị chức sắc, người có uy tín trong cộng đồng người Chăm ở xã Hồng Thái.
Về xã Hồng Thái (tỉnh Lâm Đồng), bà con người Chăm nơi đây luôn nhắc đến Sư cả Xích Dự – Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà Ni (tỉnh Bình Thuận cũ) với sự kính trọng. Không chỉ là người tu hành mẫu mực, ông còn là người tiên phong trong công tác dân vận ở cơ sở. Những năm qua, ông Xích Dự đã cùng bà con triển khai nhiều mô hình thiết thực như “Tủ sách pháp luật”, “Chức sắc bảo vệ môi trường”, “Chức sắc tôn giáo giữ gìn an ninh trật tự”…
“Muốn bà con tin và làm theo, trước tiên mình phải làm gương. Việc nhỏ cũng phải làm, từ dọn vệ sinh, sửa đường, đến cùng bà con giải thích pháp luật. Chỉ khi mình gần dân, sát dân thì mới hiểu họ cần gì, nghĩ gì để mà vận động hiệu quả,” – ông Xích Dự chia sẻ.
Nhờ sự gương mẫu đó, ông đã vận động người dân hiến đất, góp tiền, góp công để làm bê tông hóa các con đường trong thôn, chỉnh trang khu mai táng, và tham gia tích cực vào công tác bảo vệ môi trường. Không chỉ giữ gìn nếp sống đẹp, mô hình của ông còn giúp địa phương giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới.
Còn tại xã Phan Sơn (tỉnh Lâm Đồng), ông K’Bé – người K’Ho, dù đã hơn 60 tuổi, vẫn đều đặn đến từng nhà dân để nắm tình hình, nhất là những lúc phát sinh bức xúc, hiểu nhầm liên quan đến chính sách. Ông kể: “Có thời điểm nhiều hộ dân thắc mắc, sao trước được hỗ trợ nhà, nay không. Có người bức xúc vì không còn thẻ bảo hiểm y tế khi chương trình kết thúc. Tôi phải đến từng nhà, giải thích để bà con hiểu đây là chính sách theo giai đoạn, không phải ai cũng được mãi mãi. Nếu không nói rõ, họ dễ nghĩ sai về chính quyền”.
Từng sống và gắn bó lâu dài tại địa phương, ông K’Bé không chỉ là người vận động, mà còn là cầu nối giữa người dân và chính quyền. Ông thường xuyên tập hợp các ý kiến, kiến nghị của bà con để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, đồng thời, vận động bà con áp dụng khoa học vào sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ để thoát nghèo bền vững. “Người có uy tín phải biết đứng giữa, giữ hòa khí, hướng bà con đến điều đúng. Tôi coi việc bảo vệ uy tín Đảng, Nhà nước trước bà con là trách nhiệm lớn nhất của mình” – ông K’Bé khẳng định.
Không chỉ riêng ông Xích Dự hay ông K’Bé, mà có hàng trăm người có uy tín, già làng, trưởng bản trên địa bàn tỉnh đang hàng ngày đồng hành cùng chính quyền, là điểm tựa tinh thần vững chắc của cộng đồng. Từ những đóng góp âm thầm đó, đội ngũ người có uy tín đã và đang giúp lan tỏa nhiều phong trào hiệu quả như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Camera an ninh”, “Khu dân cư không có ma túy”, “Dòng họ tự quản”… Những mô hình ấy không chỉ góp phần giữ gìn trật tự xã hội mà còn nuôi dưỡng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc ngay trong từng thôn, xóm.

Nghệ nhân truyền dạy nghệ thuật dân gian của người K’Ho.
Cần sự quan tâm đồng bộ, lâu dài
Theo đánh giá của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, thời gian qua, đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, các vị chức sắc trong các Hội đồng tôn giáo đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc kết nối giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào DTTS, đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa mới tại cơ sở. Không chỉ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lực lượng này còn là điểm tựa tinh thần cho cộng đồng, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong cưới xin, tang lễ, lễ hội…

Đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, các vị chức sắc trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc kết nối giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào DTTS.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này, hàng năm các cơ quan, ban ngành của tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách dân tộc, tôn giáo. Qua đó, người có uy tín không chỉ hiểu rõ mà còn chủ động vận động gia đình, dòng họ, cộng đồng cùng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình an ninh trật tự ở vùng DTTS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Một số đối tượng xấu, phần tử cơ hội, bất đồng chính kiến vẫn tìm cách lợi dụng những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tôn giáo, môi trường… để kích động, lôi kéo người dân, nhất là những đối tượng gặp khó khăn về kinh tế, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thất nghiệp, tệ nạn xã hội… Đây là những thách thức đặt ra yêu cầu phải phát huy mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân.
Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cho biết, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả vai trò người có uy tín. Trong đó, thường xuyên tổ chức thăm gặp, động viên, kịp thời nắm bắt tâm tư, đề xuất, khó khăn trong quá trình hoạt động của người có uy tín tại cơ sở. Song song đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác nắm tình hình, dự báo, phát hiện sớm các vấn đề nổi cộm, tham mưu xử lý dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng”. Đáng chú ý và quan trọng đó là cần đa dạng hóa các hình thức hoạt động hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo, vùng có nguy cơ phát sinh đơn thư, khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, đào tạo lực lượng kế cận và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng chức sắc, già làng, trưởng bản, người có uy tín để lực lượng này thật sự là “cầu nối chính trị” của cấp ủy, chính quyền trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình mới.