Những nẻo đường đi đến metro số 1

Metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) sẽ được vận hành thương mại trong tháng 12 tới. Người dân đang háo hức tham gia phương tiện giao thông công cộng hiện đại này. Việc đi đến các nhà ga, gửi xe cá nhân, làm thế nào để tiếp cận thuận tiện nhất ga metro… là những vấn đề người dân hết sức quan tâm.

Gấp rút hoàn thiện bến bãi giữ xe cá nhân

Anh Huỳnh Minh Thắng, ngụ phường Phước Long, TP Thủ Đức, chia sẻ cảm xúc khi hay tin tuyến metro số 1 sắp được khai thác phục vụ người dân: “Tuyến metro số 1 vận hành sẽ tiết kiệm thời gian cho người dân, sinh viên di chuyển từ ngoại ô vào nội thành thành phố và ngược lại. Nhờ đó, giảm áp lực giao thông cho tuyến đường vào khung giờ cao điểm. Tôi băn khoăn là từ nhà ra ga Bình Thái phải đi 2 tuyến xe buýt, còn nếu đi xe máy phải chạy lòng vòng tìm chỗ gửi xe. Nếu vậy thì bất tiện quá”!

Cùng chung tâm trạng, ông Trần Quang Hiền, ngụ quận 10, cho biết: Nhà tôi ở quận 10, nhưng làm việc ở Bến xe miền Đông mới, quãng đường khoảng 30km, đi xe máy khoảng 45 phút, hôm kẹt xe mất khoảng 1 tiếng 20 phút mới đến nơi. Khi có metro, từ quận 10, tôi di chuyển bằng xe máy ra ga Trung tâm Bến Thành, gửi xe ở bãi xe công viên 23-9 lên metro khoảng 20 phút đến ga metro ngay trước Bến xe miền Đông mới. Tốc độ tàu chạy tương đối nhanh, tôi nghĩ metro sẽ đáp ứng nhu cầu công việc cho tất cả mọi người, nhất là những người làm việc văn phòng. Điều tôi lo lắng là giá tiền giữ xe ở khu trung tâm khá cao, ảnh hưởng đến thu nhập.

 Người dân tham quan và trải nghiệm máy bán vé tuyến metro số 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người dân tham quan và trải nghiệm máy bán vé tuyến metro số 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Việc tiếp cận metro, thông tin từ Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1), đơn vị tổ chức vận hành metro cho biết, khách đi ga Bến Thành sẽ gửi xe ở bãi công viên 23-9 với sức chứa 1.000 xe 2 bánh và 70 ô tô. Về các nhà ga khác, ông Lê Minh Triết, Giám đốc HURC1, cho biết, MAUR cùng các đơn vị đang khẩn trương gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối tại các bãi đậu xe cá nhân, đường bộ hành, điểm dừng cho tuyến xe buýt gom tại các vị trí lân cận các nhà ga.

Theo đó, ga Văn Thánh đang xây dựng bãi đậu xe buýt, diện tích khoảng 1.596m² dưới gầm cầu đường sắt và xây dựng 1 bãi đậu xe cá nhân khoảng 770m² dưới gầm cầu vượt bên cạnh khu vực đón/trả khách dành cho xe buýt, taxi. Ga Thảo Điền hoàn thiện những khâu cuối cùng bãi đậu xe cá nhân khoảng 1.000m2 trên dải đất ven xa lộ Hà Nội và lối đi bộ kết nối đến chân cầu bộ hành.

Bãi đậu xe cá nhân tại ga Rạch Chiếc với diện tích khoảng 1.500m² sẽ nằm trên dải đất ven xa lộ Hà Nội và xây dựng lối đi bộ đến chân cầu bộ hành. Bãi xe ga Phước Long diện tích 1.000m², bãi xe buýt ga Bình Thái khoảng 3.000m² và bãi đậu xe cá nhân 1.000m² cũng đang được hoàn tất.

Song song đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM hoàn thiện 67 nhà chờ xe buýt, 196 trụ dừng xe buýt, đường bộ hành tại 11 vị trí lân cận các nhà ga trên cao và dọc 2 bên các tuyến đường thuộc mạng lưới tuyến xe buýt kết nối với các nhà ga tuyến metro số 1. Ngoài ra, một số nhà ga có kết nối với các chung cư dọc tuyến metro cũng được thi công hoàn tất từ lâu.

Chỉ có metro “chạy chay”?

Một hình ảnh quen thuộc tại các tuyến metro ở các nước tiên tiến là nhà ga sẽ gắn liền với các trung tâm thương mại, sôi động nhộn nhịp, sáng đèn cả ngày lẫn đêm. Vậy tại các nhà ga metro số 1 này sẽ như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo MAUR cho biết, hiện tại, các nhà ga metro số 1 chủ yếu được thiết kế để phục vụ vận chuyển hành khách, chỉ có một số ga kết hợp với các trung tâm thương mại và khu vực dịch vụ như một phần của quy hoạch tổng thể của thành phố. Tuy nhiên, xây dựng các nhà ga metro kết hợp với trung tâm thương mại “hoành tráng, nhiều tầng âm và nhiều tầng nổi” như mô hình các thành phố lớn khác như Singapore hay Seoul sẽ thực hiện khi hội đủ điều kiện.

“Hiện các nhà ga dọc tuyến metro số 1 chưa được xây dựng với mô hình trung tâm thương mại quy mô lớn vì TPHCM đang tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống metro cơ bản, các kế hoạch phát triển trung tâm thương mại sẽ được triển khai sau khi các tuyến metro đi vào hoạt động ổn định”, ông Phan Công Bằng, Trưởng Ban MAUR, cho biết.

 Người dân trải nghiệm vận hành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên ngày 14-11. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người dân trải nghiệm vận hành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên ngày 14-11. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo quy hoạch phát triển giao thông công cộng và đô thị của TPHCM, trong tương lai, các nhà ga metro sẽ được tích hợp với công trình thương mại, văn phòng, khu dân cư trong các giai đoạn phát triển tiếp theo. Cụ thể, một số ga trên tuyến metro số 1, nhất là ga Trung tâm Bến Thành, được kỳ vọng sẽ kết hợp với các không gian thương mại, văn phòng và khu dân cư.

Dự kiến, Trung tâm Thương mại ngầm Bến Thành được xây dựng dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc đường Lê Lợi với vốn đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng. Trung tâm này kết nối với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà lân cận...

Ga ngầm Bến Thành là đầu mối của các tuyến metro tại TPHCM. Khi trung tâm thương mại ngầm được xây dựng, các tuyến metro được hoàn thành, người dân khi bước xuống các ga tàu điện là đến được khu mua sắm.

Giá vé tuyến metro số 1

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa ký quyết định ban hành giá vé dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến metro số 1. Theo đó, giá vé theo lượt từ 7.000-20.000 đồng tùy quãng đường nếu thanh toán bằng tiền mặt; từ 6.000-19.000 đồng nếu thanh toán không dùng tiền mặt.

Giá vé theo ngày: 40.000 đồng/người/vé/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trong ngày). Giá vé 3 ngày là 90.000 đồng/người/vé/3 ngày (không giới hạn số lượt đi lại trong 3 ngày).

Giá vé tháng: hành khách phổ thông là 300.000 đồng/người/vé/tháng (không giới hạn số lượt đi lại trong tháng). Học sinh, sinh viên là 150.000 đồng/người/vé/tháng (không giới hạn số lượt đi lại trong tháng). Giá vé trên đã bao gồm bảo hiểm thân thể hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện trên tuyến metro số 1.

Các trường hợp miễn, giảm giá vé dành cho các đối tượng chính sách như người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi (trên 60 tuổi) và trẻ em dưới 6 tuổi (đi cùng người lớn) sẽ được miễn phí hoàn toàn khi sử dụng metro số 1. Ước tính, chi phí hỗ trợ cho nhóm đối tượng này khoảng 10,7 tỷ đồng mỗi năm.

Trong giai đoạn đầu (6 tháng) tàu hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ hàng ngày với 200 chuyến. Vào giờ cao điểm, tàu sẽ chạy mỗi 8 phút với 9 đoàn tàu. Trong các khung giờ còn lại, tàu sẽ chạy mỗi 12 phút với 6 đoàn tàu.

Giai đoạn 2 sẽ được triển khai sau khi hoàn thành giai đoạn 1. Tàu sẽ hoạt động từ 5 giờ đến 23 giờ 30 hàng ngày với tổng số 276 chuyến từ thứ hai đến thứ sáu. Vào giờ cao điểm, tàu chạy 5 phút/chuyến, giờ bình thường và thấp điểm lần lượt là 10 và 15 phút. Cuối tuần và ngày lễ, số chuyến sẽ giảm xuống còn 226, với tần suất chuyến tàu được điều chỉnh tương ứng.

Tuyến metro số 1 có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 3 toa xe với chiều dài đoàn xe là 61,5m. Hiện tại, toàn bộ 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã được tập kết về depot Long Bình. Mỗi đoàn tàu có thể chở 930 khách, gồm 147 khách ngồi và 783 khách đứng.

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-neo-duong-di-den-metro-so-1-post769467.html
Zalo