Những mùa trăng lặng lẽ

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Nhường năm nay 95 tuổi, mắt mẹ đã kém nhiều, mỗi bước đi đều phải chống gậy. Căn nhà đơn sơ của mẹ Nhường ở xã Phủ Thông, những ngày hè trở nên rộn rã bởi sự có mặt của các em nhỏ. Khi chúng tôi đến, mẹ Nhường ngồi ở hiên, yên lặng như đang nghĩ về điều gì đó đã xa lắm.

Bao mùa trăng đã trôi qua, mẹ Ngô Thị Nhường vẫn ngày ngày nhìn lên di ảnh thì thầm gọi tên con.

Bao mùa trăng đã trôi qua, mẹ Ngô Thị Nhường vẫn ngày ngày nhìn lên di ảnh thì thầm gọi tên con.

Mẹ Nhường quê gốc ở tỉnh Hưng Yên, mẹ có bảy người con, bốn con trai và 3 con gái. Đầu những năm 60, theo lời kêu gọi của Đảng, mẹ và chồng lên xã Phủ Thông để khai phá vùng kinh tế mới.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn ác liệt nhất, cũng là thời điểm các con đã trưởng thành, ba người con trai của mẹ lần lượt lên đường nhập ngũ.

Nhắc về những năm tháng cũ ấy, sau một khoảng lặng dài, mẹ Nhường cất giọng xa xăm: Cả ba thằng đi bộ đội, ai cũng còn trẻ măng. Thời ấy nghèo lắm, lúc nhập ngũ chẳng có gì ngoài bộ quần áo. Thằng nào lên đường cũng vẫy tay cười, rõ là tôi đã dặn đi dặn lại phải cẩn thận, chiến thắng thì về với gia đình. Thế mà chỉ có một thằng là nhớ…

Ngồi bên cạnh, ông Trần Văn Lân, con trai út của mẹ Nhường, tiếp lời: Bác cả Trần Văn Dũng nhập nhũ năm 1970, khi mới 19 tuổi. Tôi nhớ là bác Dũng có về thăm nhà được hai lần, viết cả thư về. Mẹ tôi không biết chữ, nhưng mỗi khi nhận được thư thì bà phấn khởi lắm, bảo rằng như thế là nó vẫn khỏe. Nhưng một chiều tháng 4 năm 1974, gia đình tôi nhận được tin bác Dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam. Chúng tôi ai cũng òa khóc, chỉ có mẹ là lặng đi.

Năm 1979, năm năm sau ngày tiễn biệt người con trai cả, mẹ Nhường lại nén chặt nỗi đau để tiễn người con trai thứ ba là anh Trần Văn Nhượng lên đường nhập ngũ. Nhưng chỉ một năm sau, vào 1980, mẹ lại một lần nữa cầm trên tay tờ giấy báo tử.

Anh Nhượng đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Dù chẳng thể đọc nổi dòng chữ trên giấy, nhưng trái tim người mẹ như chết lặng. Ông Lân nghẹn ngào: Lần ấy, mẹ tôi ngồi suốt đêm bên bếp lửa. Bà không khóc, hình như nước mắt đã chảy ngược vào tim.

Bữa cơm được tuổi trẻ địa phương tổ chức là nguồn động viên với Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Nhường.

Bữa cơm được tuổi trẻ địa phương tổ chức là nguồn động viên với Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Nhường.

Sau hai lần tiễn con rồi nhận lại giấy báo tử, mẹ Nhường gắng gượng nuôi những đứa con còn lại trưởng thành. Mẹ giấu nỗi đau vào sâu thẳm lòng mình, ít khi nhắc đến hai người con đã khuất. Với mẹ, các anh chỉ đang ở đâu đó rất xa, chưa về kịp bữa cơm chiều.

Từ ngày nhận giấy báo tử của hai người con, mẹ đã đi qua biết bao mùa trăng không trọn vẹn. Có những đêm vắng, chỉ tiếng lá rụng và tiếng gió thổi qua mái hiên, mẹ khe khẽ gọi: “Dũng ơi... Nhượng ơi...”.

Giờ đây, ở tuổi xưa nay hiếm, mẹ không còn nhớ được nhiều, nhưng mỗi lần ai nhắc đến tên con, ánh mắt mẹ lại chợt sáng lên, long lanh như có một vùng ký ức vừa kịp trở về. Mẹ bảo: “Chúng nó không về được nữa... Mẹ nhớ lắm... nhưng không oán trách điều gì, chỉ mong các con được yên giấc nơi xa”.

Hàng năm, vào dịp 27-7 hay những ngày lễ lớn, chính quyền địa phương, các đoàn thể, bà con lối xóm đều đến thăm mẹ. Khi là gói bánh, hộp sữa, bữa cơm sum họp và những cái nắm tay thật chặt. Với mẹ, đó là sự ấm áp, là niềm an ủi lớn nhất sau bao năm gồng gánh nỗi đau âm thầm.

Bích Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/nhung-mua-trang-lang-le-e24275c/
Zalo