Những món ngon từ quả chuối
Chuối là loại trái cây bổ dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Không chỉ sử dụng khi chín, chuối xanh cũng được chế biến thành rất nhiều món ngon.
Lợi ích cho sức khỏe
Chuối là loại cây tương đối dễ tính, được trồng ở nhiều vùng. Ở nông thôn hầu như vườn nhà nào cũng có dăm ba gốc chuối. Tuy nhiên, nếu tính theo yếu tố kinh tế thì vùng trồng chuối lớn nhất Việt Nam là các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Bắc bộ.

Việt Nam cũng có nhiều giống chuối, từ chuối tiêu, chuối tây, chuối ngự, chuối sứ, chuối hột, chuối sáp, chuối chà bột, chuối cơm, chuối cẩm thạch, chuối tím cùng một số giống chuối nhập ngoại như: Laba, Dacca... Mỗi giống có đặc điểm riêng về hình dáng, hương vị và cách trồng. Theo các nghiên cứu khoa học, chuối chứa nhiều dưỡng chất cần thiết. Cụ thể, nó chứa chất xơ, giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Chuối cũng giàu Kali, một khoáng chất quan trọng giúp điều hòa huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chất xơ trong chuối giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, tạo cảm giác no lâu và có thể hỗ trợ giảm cân. Chuối cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin B6, vitamin C, magie và mangan giúp cơ thể hoạt động hiệu quả. Chuối có thể giúp cải thiện tâm trạng nhờ chứa tryptophan, một loại axit amin được chuyển đổi thành chất dẫn truyền thần kinh serotonin liên quan đến cảm giác hạnh phúc.

Ngoài ra, chuối được biết đến là thực phẩm cung cấp những dưỡng chất tuyệt vời trước, trong và sau quá trình luyện tập thể thao. Bên cạnh đó, loại quả này cũng là một trong những thực phẩm ăn nhẹ thuận tiện nhất. Chuối có thể được bổ sung vào bữa sáng cùng với sữa chua, yến mạch hay sinh tố, thích hợp cho những người ăn kiêng theo phương pháp eat clean. Thậm chí, với độ ngọt của chuối chín, người ta có thể sử dụng chúng thay vì dùng đường khi làm bánh hay nấu ăn, ví dụ như các loại bánh ăn kiêng như bánh chuối yến mạch hay bánh chuối sữa chua....
Chuối chế biến được bao nhiêu món?
Chuối là loại cây mà có thể sử dụng được tất thảy từ lá, thân, hoa, quả cho đến củ. Đến cả cành chuối tưởng như vứt đi thì nó vẫn cứ có ích, tức là có thể chẻ nhỏ, phơi héo thành một thứ lạt buộc vừa dẻo, vừa dai.

Nếu là chuối chín thì có thể xay sinh tố. Một ly sinh tố chuối (thường khi xay sinh tố người ta sử dụng chuối tây) kết hợp cùng với sữa chua hoặc có thêm các loại quả khác như thanh long hay hạt điều, hạt hạnh nhân là lựa chọn hoàn hảo cho những người ăn kiêng, cắt giảm tinh bột.

Ở Hà Nội có món ăn trứ danh là chuối và cốm. Chuối tiêu chọn quả đã lốm đốm “trứng cuốc” (cách gọi dân giã khi chuối chín, xuất hiện những đốm đen trên vỏ). Các đốm đen trên chuối không phải là dấu hiệu của việc bị hỏng mà là do sự chuyển hóa tinh bột thành đường. Chuối và cốm kết hợp với nhau trở thành đặc sản không thể không thử. Đó cũng là món ăn gây thương nhớ của biết bao thế hệ người Hà Nội xa xứ mỗi khi nhớ về Thủ đô.

Bánh chuối là món khoái khẩu của rất nhiều người. Món này thích hợp vào mùa đông. Chuối tây chín thường được ép dẹp rồi lăn qua bột và rán giòn. Tùy theo kinh nghiệm pha bột của từng hàng mà cho ra độ phồng nở của bánh, độ ngọt của chuối và độ béo của dầu, mỡ. Khi ăn có thể rắc thêm vừng.

Chuối được thái thành lát mỏng, tẩm vừng, sấy khô thành món ăn vặt như bim bim. Cũng có thể sấy khô cả quả để làm món chuối sấy. Mùa hè thì có thể làm kem chuối. Công thức khá đơn giản. Chuối để làm kem là chuối tây hoặc chuối sứ, chuối ngự... Quả chuối được thái thành từng lớp mỏng, dàn đều rồi đổ nguyên liệu gồm sữa đặc, kem béo, lạc, dừa… rồi để tủ đông chừng 5 - 7 tiếng là đã có món kem vừa béo, vừa ngọt, vừa mát.
Thân non của cây chuối có thể thái nhỏ rồi trộn với các loại rau thơm để ăn kèm bún ốc hay bún riêu. Hoa chuối cũng có thể thái nhỏ, ngâm nước muối cho bớt thâm rồi nấu với cá lăng, thả lẩu cá, nấu với lươn.

Chưa hết, củ chuối nếu dùng để om lươn rất ngon. Món này là đặc sản của một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh như Hưng Yên, Ninh Bình và cũng phổ biến ở Nghệ An. Khi kết hợp vị ngọt của lươn đồng, vị chua nhẹ và bùi của củ chuối sẽ tạo nên hương vị đặc trưng thơm ngon và hấp dẫn.
Nếu là chuối tiêu xanh thì có thể chế biến được rất nhiều món. Điển hình là món lươn om chuối đậu, ốc hoặc ếch om chuối đậu. Đây là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu và cho dù là món ăn dân giã, nhưng để nấu được ngon thì cũng rất cầu kỳ. Chuối xanh thái con chì và ngâm nước muối cho đỡ thâm rồi luộc sơ. Ốc, lươn hoặc ếch được làm sạch, xào cùng mẻ, nghệ, chuối, thịt ba chỉ. Đổ nước xâm xấp mặt chuối rồi cứ thế đun nhỏ lửa. Mẻ kết hợp với chuối cùng các nguyên liệu sẽ tạo nên thứ nước sánh bùi và béo. Khi chuối và các nguyên liệu chín mềm thì cho thêm rau thơm bao gồm hành hoa, tía tô, lá lốt, lá xương sông. Món này ăn với cơm hay bún đều tuyệt ngon.
Chuối xanh cũng có thể để om với xương lợn. Canh chuối nấu xương là một món dân dã, kết hợp vị ngọt của xương với vị chát nhẹ của chuối xanh, tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn. Ở nhiều vùng ở miền Bắc, trong quá trình nấu, chuối được đánh nhuyễn. Khi múc ra bát, trông hệt như bát bánh đúc, khi ăn phải dùng đũa xắn ra từng miếng, trông thì có vẻ không hấp dẫn nhưng nó là món ngon “bất bại” trong mâm cỗ.
Cũng với chuối xanh, có thể dùng để kho cá. Chủ yếu người ta dùng chuối để kho với cá quả, cá trắm, cá diếc. Khi ăn, các nguyên liệu trong nồi cá kho như giềng, nghệ, tương Bần và vị béo của thịt ba chỉ cùng cá quyện vào miếng chuối. Thành ra nhiều khi cá trong nồi còn nguyên nhưng chuối thì đã hết từ đời nào.