Những 'lỗi' khiến người dân thường bị mất tiền với tội phạm lừa đảo qua mạng
Tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi với hàng trăm phương thức, thủ đoạn khiến người dân dễ 'dính' bẫy. Trước tình hình đó, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ ra những nguyên nhân và hướng dẫn cách phòng tránh.
Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
Ngày 14-11-2024, chị D.T.N. ở Hà Nội nhận được cuộc gọi từ số điện thoại “0819343248”. Người gọi tự xưng là nhân viên điện lực của EVN, thông báo gia đình chị chưa thanh toán tiền điện, đồng thời gửi mã QR và hướng dẫn chị N. quét mã thanh toán thông qua ứng dụng ngân hàng bằng thẻ tín dụng. May mắn khi định thực hiện thao tác chuyển tiền thì chị N bừng tỉnh, dừng lại.
Cũng trong ngày 14-11-2024, nhóm chị N.A.T trú tại quận Hai Bà Trưng chuyển tiền cho một đối tượng, giới thiệu làm trong Ban Tổ chức bán vé xem Chương trình "Anh Trai “Say Hi”. Nhưng sau khi chuyển tiền, đối tượng này đã không cung cấp được vé cho chị. Nghi ngờ bị lừa đảo, nhóm chị N đã đến cơ quan công an trình báo. Tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 50 triệu đồng.
Như thế để thấy sự tinh vi của tội phạm không gian mạng luôn luôn rình rập những người nhẹ dạ, cả tin và thiếu thông tin về xã hội. Bọn chúng thường lừa đảo theo “trend”; ví dụ như chuẩn bị đến ngày nộp tiền điện thoại, tiền điện sinh hoạt, thay đổi thông tin cá nhân, đặc biệt là lợi dụng sức hút của sự kiện “nóng” để lừa đảo bán vé, bán chương trình du lịch… Với muôn vàn kiểu lừa qua mạng, người dân thiếu cập nhật, thiếu cảnh giác sẽ dễ dàng trở thành “con mồi” mất tiền oan. Có thể thấy, trong các vụ án lừa đảo xảy ra thời gian qua trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước, nạn nhân chủ yếu là người già và phụ nữ. Đôi khi có cả nhóm nạn nhân là thanh, thiếu niên bởi sự tò mò và hám lợi nhuận.
Đáng nói, thủ đoạn tội phạm giả mạo nhân viên cơ quan thuế, cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát… liên hệ với các nạn nhân qua điện thoại, Zalo, Facebook… để mời nạn nhân lên cơ quan làm việc, xác nhận thông tin, kê khai thuế điện tử... Đây là thủ đoạn cũ nhưng vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân mất tiền oan.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo, đề nghị người dân cảnh giác. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển hết tiền của bị hại.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về xử lý, giải quyết một số tình huống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, CATP Hà Nội đã xây dựng, ban hành nhiều kế hoạch, triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao xuyên quốc gia trong tình hình mới.
Nguyên nhân, cách phòng tránh
Theo đó, các phòng nghiệp vụ và công an quận, huyện, thị xã đồng bộ các biện pháp chủ động phòng ngừa với các nội dung chính như phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.
Trong công tác phòng ngừa xã hội, lực lượng công an đã liên tục cập nhật các phương thức thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời tổ chức triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho quần chúng nhân dân về phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao thông qua nhiều hình thức.
Tổ chức các buổi hội nghị, phổ biến pháp luật phối hợp với các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bản quận để tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng cho cán bộ ngân hàng. Thông qua đó đề nghị cán bộ ngân hàng trực tiếp tuyên truyền, cảnh báo đến những người dân khi đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của phường và nhóm Zalo; thường xuyên đăng tải các bài viết, video về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao trên Fanpage Facebook “Tuổi trẻ Công an thành phố”. Đồng thời lực lượng công an cơ sở tuyên truyền trực tiếp tới người dân qua các buổi sinh hoạt, tiếp xúc nhân dân.
Cơ quan công an cũng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để hạn chế số nạn nhân bị “dính bẫy” lừa đảo qua mạng. Đó là còn nhiều quần chúng nhân dân mất cảnh giác, bị các đối tượng lợi dụng công nghệ cao thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Do sự nhẹ dạ, cả tin của người dân; một số người dân có lòng tham khi bị đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào một số hoạt động dễ kiếm tiền.
Hiểu biết của một bộ phận nhân dân về công nghệ thông tin, bảo mật thông tin cá nhân trong quá trình sử dụng các thiết bị điện tử, tài khoản ngân hàng, mạng xã hội... còn hạn chế; mất cảnh giác; chậm trễ khai báo, tố giác tội phạm dẫn đến các đối tượng có thời gian tiêu hủy tài liệu chứng cứ, rút hết tiền trong tài khoản không đảm bảo hiệu quả ngăn chặn tội phạm và thu hồi tài sản.
Các cơ quan, doanh nghiệp như ngân hàng, nhà mạng Internet, nhà mạng viễn thông còn hạn chế, việc cung cấp, công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra với các đơn vị cung cấp dịch vụ như thông tin, tài liệu phục vụ điều tra mất nhiều thời gian (do phải hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật...) dẫn tới chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng cũng như giữ, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Cùng với đó là hiện nay các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các công ty viễn thông chưa có giải pháp hiệu quả trong công tác phòng ngừa, quản lý đối với các tài khoản ngân hàng và SIM điện thoại, tài khoản ví điện tử... bị lợi dụng làm công cụ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Mặc dù đã có quy định về quản lý tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại nhưng hiệu quả phòng ngừa còn chưa cao, các chế tài chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng tài khoản ngân hàng không chính chủ, sim rác còn tràn lan, dễ dàng mua được với số lượng lớn (dây chính là công cụ, phương tiện bắt buộc phải có để các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật). Do vậy chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.