Những kẻ lú lẫn
Theo chủ nghĩa Mác-Lênin, lịch sử xã hội loài người tất yếu sẽ trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội chủ yếu, từ thấp lên cao, đó là: Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cuối cùng là cộng sản chủ nghĩa. Thế nhưng, các thế lực thù địch chống phá Việt Nam thì không nghĩ như vậy. Chúng hằng ngày, hằng giờ vẫn ra sức xuyên tạc con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Chúng luôn nghĩ ra vô vàn biến thể nhằm phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bài viết “Những phong trào kháng chiến cộng sản khác ở Đông Nam Á ra sao?” nhằm hưởng ứng cho cái gọi là phong trào “tưởng nhớ những ngày tháng tư đen tối” do Việt Tân phát động hằng năm, tổ chức khủng bố này đã thống kê những phong trào kháng chiến cộng sản ở các nước Đông Nam Á. Trong bài viết này, chúng đã thống kê các phong trào cộng sản từ Thái Lan, Malaysia, Philippines cho tới Indonesia giai đoạn 1965-1990 đều bị thất bại. Các phong trào cộng sản ở 4 nước Đông Nam Á này thất bại, theo chúng lý do đều dính líu tới Cộng sản Việt Nam. Chính việc Cộng sản Việt Nam đập tan chế độ ngụy quân, ngụy quyền đã làm cho một số thành phần phải chạy tị nạn sang các nước này. Điều đó làm nhân dân 4 nước Đông Nam Á không ủng hộ và qua đó làm phong trào cộng sản tiêu tan. Khả năng tác giả có nhầm lẫn nên cuối bài viết kết luận: “các nước Đông Nam Á và Nam Hàn đã có những biện pháp vô cùng mạnh mẽ để triệt tiêu, loại trừ Đảng búa liềm ra khỏi đời sống của họ”. Tại sao lại có Nam Hàn ở đây? Đây gọi là “treo đầu dê, bán thịt chó” hay “đầu voi đuôi chuột”.
Qua đó có thể thấy, những cộng tác viên đắc lực của Việt Tân đã trải qua 48 mùa xuân đau khổ, uất ức dẫn đến trầm cảm và lú lẫn. Đó là lú lẫn thể hiện bằng chữ, qua nhìn nhận thực tế chúng ta đều thấy được. Nhưng lú lẫn trong hàm ý của bài viết thì khả năng chính tác giả cũng không cảm nhận được. Nó lú ở chỗ người đọc sẽ chất vấn lại một loạt câu hỏi mà tác giả sẽ không dám trả lời. Tại sao lại cứ phải so sánh với 4 nước Đông Nam Á mà giai đoạn đó đang là đồng minh của Mỹ? Tại sao không so sánh với Mỹ, Pháp, Ý, Anh… luôn cho đỡ mất công? Tại sao đến bây giờ Đảng Cộng sản ở các nước này vẫn còn tồn tại?
Trong các bài viết của Việt Tân, VOA tiếng Việt, BBC, RFA… hay Hội anh em dân chủ, Thanh niên Công giáo, Tiếng dân, vô vàn luận điệu được tung ra như: “Chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với Việt Nam. Đảng không còn đủ khả năng để độc quyền lãnh đạo đất nước, đã hết vai trò lịch sử. Chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn không có bình đẳng, an sinh và phúc lợi”. Cùng những luận điệu này, chúng kêu gọi lật đổ Đảng Cộng sản, tung ra những học thuyết về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập sẽ tốt hơn chế độ một đảng lãnh đạo. Khi thì chúng cho rằng, vì Đảng độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam nên đất nước không thể dân chủ, phát triển như một số quốc gia ở phương Tây và Mỹ. Khi thì chúng đổ lỗi cho những khó khăn, thách thức trên hành trình đi lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam tiếp tục phải đối diện, khắc phục là do Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường sai lầm, lạc hậu. Chúng còn độc miệng cho rằng chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ từ cuối thế kỷ trước mà Việt Nam vẫn cố bấu víu, tiếp tục đi theo.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam hình thành, phát triển đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng tạo nên những kỳ tích sáng ngời. Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối đúng đắn đã lãnh đạo phong trào cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ việc tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo tiến hành sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng sau hơn 36 năm. Không thể có một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và ngày càng phát triển bền vững như ngày nay nếu không có Đảng dẫn đường, lãnh đạo. Không thể nào bôi đen, vấy bẩn hay phủ nhận những gì mà Đảng Cộng sản đã nỗ lực phấn đấu vì một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Phong trào cách mạng Việt Nam từng ghi nhận có sự tham gia của Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, các đảng nêu trên đã phải tự rút lui do không đảm đương được vai trò, sứ mệnh lịch sử. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ, đi theo góp sức và làm nên những thành tựu của sự nghiệp cách mạng hơn suốt 9 thập niên qua.
Hiện nay, trong khuôn khổ cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP), cơ chế đa phương lớn nhất ở quy mô toàn cầu của lực lượng cộng sản, công nhân quốc tế, các hoạt động của Đảng ta trong khuôn khổ IMCWP luôn được các đảng đánh giá cao. Đặc biệt là những đóng góp, chia sẻ của Đảng ta vào sự nghiệp phát triển hệ thống lý luận và mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, với lợi thế là tập hợp lực lượng các đảng cầm quyền, tham chính có vai trò trên chính trường khu vực. Đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm qua luôn được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường trực Cơ chế điều phối hoạt động các đảng chính trị trong khu vực không phân biệt hệ tư tưởng (ICAPP). Quan hệ đối ngoại của Đảng ta tại ICAPP đều hướng tới các chủ đề có vị thế trong quá trình ra quyết sách tại các nước trong khu vực.
Đảng Cộng sản Việt Nam hiện có quan hệ với gần 250 chính đảng trên thế giới của hơn 100 quốc gia. Chúng ta không chỉ quan hệ với Đảng Cộng sản, Đảng Công nhân, Đảng Cánh tả, các phong trào tiến bộ trên thế giới mà còn có những đột phá trong quan hệ với các đảng cầm quyền, các đảng lớn của nhiều nước là đối tác chiến lược. Điều đó đã tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại, tạo nên những thời cơ cho đất nước phát triển. Vậy nên, các chính đảng trên thế giới, không chỉ Đảng Cộng sản, Đảng Công nhân quốc tế mà ngay cả những đảng cầm quyền khác biệt về thể chế chính trị cũng đánh giá rất tốt về đường lối đổi mới và mô hình phát triển chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.
Niềm tin về Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tồn tại trong mỗi người dân nước ta. Niềm tin đó có đủ cơ sở khoa học, thực tiễn lịch sử để sắt son vào Đảng, vào những thành quả của sự nghiệp cách mạng mà cả dân tộc đã, đang và sẽ tiếp tục đạt được. Niềm tin đó xuất phát từ thực tế nhân dân luôn là trung tâm trong mọi quyết sách của Đảng; hạnh phúc của nhân dân chính là đích đến của chủ nghĩa xã hội. Điều này làm nên sức mạnh của Đảng; làm nên vai trò không thể phủ nhận của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những chiêu bài xuyên tạc, phủ nhận của những kẻ lú lẫn nêu trên dù có nhiều như thế nào cũng hoàn toàn vô giá trị.