Những hành vi quảng cáo thực phẩm bị cấm
Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động quảng cáo và kinh doanh thực phẩm.
Siết quản lý quảng cáo thực phẩm trên nền tảng số
Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), trong đó bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động quảng cáo và kinh doanh thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử.
Theo dự thảo, hành vi quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng sẽ bị nghiêm cấm. Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh, trang phục, tên gọi, danh nghĩa của đơn vị y tế, nhân viên y tế hoặc ý kiến người bệnh, bài viết của cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm cũng bị cấm.

Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) bổ sung một số hành vi nghiêm cấm khi thực hiện quảng cáo, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Ảnh minh họa
Đặc biệt, người có ảnh hưởng tham gia quảng bá thực phẩm chức năng, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi sẽ phải công khai mối quan hệ tài trợ. Những trường hợp không công khai sẽ bị xem là vi phạm nếu không thuộc các đối tượng được phép quảng cáo theo Điều 7 Luật Quảng cáo hiện hành.
Dự thảo cũng nghiêm cấm hành vi tiết lộ thông tin cá nhân người mua hoặc không cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Tăng chế tài xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm
Về xử lý vi phạm, dự thảo quy định rõ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả theo quy định.
Trường hợp người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm quy định về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ và tính chất hành vi. Nếu gây thiệt hại, người vi phạm phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt hành chính. Mức tiền phạt tối đa là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Trong trường hợp giá trị thực phẩm vi phạm vượt mức phạt cao nhất theo quy định, mức phạt có thể lên tới 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.
Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) áp dụng cho tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động thực phẩm tại Việt Nam. Nội dung góp ý đang được Bộ Y tế tiếp nhận để hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét.