Những đối tượng này sẽ bị truy thu, truy đóng BHXH bắt buộc từ 1/7/2025, ai cũng cần biết
Nghị định 158/2025/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ 1/7, quy định rõ các trường hợp phải truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Ảnh minh họa.
Những trường hợp truy thu, truy đóng BHXH bắt buộc bao gồm:
Người lao động được điều chỉnh tăng tiền lương làm tăng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc mà thời gian thực hiện hồi tố trở về trước;
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thực hiện truy đóng sau khi về nước;
Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương đóng sau thời hạn đóng BHXH chậm nhất quy định tại điểm b khoản 4 Điều 33 của Luật BHXH.
Việc truy thu, truy đóng BHXH bắt buộc đối với các trường hợp nêu trên được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 33 và Điều 34 của Luật BHXH.
Nghị định cũng xác định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng đầy đủ số tiền chậm đóng hoặc trốn đóng. Đồng thời, người sử dụng lao động phải nộp khoản tiền lãi phát sinh, tính bằng 0,03% mỗi ngày, dựa trên số tiền và số ngày chậm đóng vào quỹ BHXH và quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.
Trường hợp người sử dụng lao động chưa đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc thì cơ quan bảo hiểm sẽ giải quyết chế độ BHXH trên cơ sở thời gian thực tế đã đóng cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ. Với những người lao động thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng, cơ quan bảo hiểm sẽ xác nhận thời gian tham gia BHXH tính đến thời điểm đã hoàn thành nghĩa vụ đóng.
Sau khi người sử dụng lao động hoàn tất nghĩa vụ tài chính còn thiếu, cơ quan bảo hiểm sẽ xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH và điều chỉnh lại mức hưởng chế độ tương ứng theo quy định.
Thông tin trên Dân trí, Luật BHXH 2024 (số 41/2024/QH15) quy định nguyên tắc chung về căn cứ đóng, còn Nghị định 158/2025/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết cho từng nhóm người lao động. Cả hai văn bản đều hiệu lực từ ngày 1/7 và thay thế, bổ sung nhiều quy định hiện hành về tiền lương đóng BHXH bắt buộc.
Điểm đ, khoản 1 Điều 31 Luật BHXH ấn định: tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu (Chính phủ sẽ công bố hằng năm) và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu. Điều này đặt khung cho tất cả nhóm lao động và thay thế khái niệm "mức lương tối thiểu vùng" từng được sử dụng trước đây.
Nhóm 1: Người lao động theo hợp đồng
Tiền lương dùng để đóng BHXH là tổng thu nhập cố định hằng tháng ghi trong hợp đồng, bao gồm: lương theo công việc hoặc chức danh; phụ cấp lương; các khoản bổ sung cố định được trả đều đặn.
Nếu hợp đồng trả lương theo giờ, ngày hoặc tuần, người sử dụng lao động phải quy đổi về tiền lương tháng (lương giờ × tổng giờ, lương ngày × số ngày, lương tuần × số tuần trong tháng) rồi lấy số tiền này làm căn cứ đóng BHXH.
Nhóm 2: Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang
Khoản tiền dùng để đóng BHXH là lương ngạch, bậc hoặc quân hàm cộng với phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên (nếu có). Mức lương này vẫn tuân theo bảng lương Nhà nước ban hành và phải nằm trong ngưỡng tối thiểu - tối đa (trần - sàn) quy định.
Nhóm 3: Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố
Căn cứ đóng BHXH của nhóm này là phụ cấp hằng tháng mà họ nhận được từ ngân sách địa phương. Nghị định 158/2025 nêu rõ: nếu phụ cấp thực lĩnh thấp hơn "mức tham chiếu" (mức lương tối thiểu dùng làm sàn đóng BHXH) thì cơ quan BHXH sẽ lấy chính mức tham chiếu đó làm căn cứ đóng, giúp bảo đảm quyền lợi an sinh cho đội ngũ bán chuyên trách ở cơ sở.
Ngoài ra, khi người không chuyên trách nghỉ làm và không hưởng phụ cấp từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, cả người lao động và ngân sách chủ quản không phải nộp BHXH cho tháng đó.
Nhóm 4: Người quản lý, kiểm soát viên, thành viên HĐQT… hưởng lương
Đối tượng: gồm Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước hoặc phần vốn doanh nghiệp, cùng các chức danh quản lý khác của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi được trả lương.
Căn cứ đóng BHXH: toàn bộ tiền lương được hưởng theo quy định pháp luật đối với chức danh quản lý đó (tương tự lương của người lao động do doanh nghiệp quyết định), bao gồm mức lương chức danh, phụ cấp và khoản bổ sung cố định trả thường xuyên. Mức lương này phải nằm trong khung chung tương tự nhóm 1.
Trường hợp cùng lúc giữ nhiều chức danh quản lý tại nhiều doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, người lao động chỉ tham gia BHXH bắt buộc tại đơn vị đầu tiên mà họ tham gia quản lý, điều hành.
Nếu người quản lý không hưởng lương thì họ chuyển sang nhóm 5.
Nhóm 5: Chủ hộ kinh doanh, người quản lý không hưởng lương, lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Các trường hợp tại điểm g, h, m, n (ví dụ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; vợ/chồng đi công tác nhiệm kỳ ở cơ quan đại diện Việt Nam; chủ hộ kinh doanh; người quản lý không hưởng lương) được tự chọn tiền lương đóng BHXH trong giới hạn: thấp nhất bằng mức tham chiếu, cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu. Sau ít nhất 12 tháng, họ có thể thay đổi mức đóng một lần.