Những điểm mới trong Luật Địa chất và khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua có gì đặc biệt?

Với 446/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,11%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.

Sáng 29/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 446/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.

Luật Địa chất và khoáng sản gồm 12 Chương, 111 Điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản với tỷ lệ 93,11%.

Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản với tỷ lệ 93,11%.

Những điểm mới trong Luật Luật Địa chất và khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua:

Quy định về điều tra cơ bản đại chất

Luật Địa chất và Khoáng sản đã quy định rõ nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị; điều tra điều kiện địa chất khác gồm: điều tra, lập bản đồ không gian địa chất, bản đồ không gian lòng đất; tài nguyên địa nhiệt; tài nguyên địa chất tái tạo; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra cơ bản địa chất.

Phân nhóm khoáng sản

Trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Việc phân nhóm khoáng sản như Luật sẽ cho phép xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản, khoáng sản đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.

Tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương

Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao nǎng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện. Bổ sung việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với: (i) phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất theo quy hoạch; điều tra địa chất về khoáng sản đối với khoáng sản nhóm III, nhóm IV và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương: (ii) quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; (iii) Cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên.

Các quy định về khoáng sản nhóm IV

Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 đã bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, khai thác khoáng sản nhóm IV. Luật đã quy định rõ khoáng sản nhóm IV bao gồm: khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).

Trường hợp đặc thù

Luật bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản). Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản không phải căn cứ phương án quản lý về địa chất, khoáng sản (là hợp phần trong phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn được tích hợp vào quy hoạch tỉnh). Ngoài ra, Luật đã có quy định Nhà nước tổ chức thực hiện đóng cửa mỏ trong một số trường hợp đặc biệt như chủ dự án bị phá sản hoặc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không có khả năng thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản.

Kinh tế tuần hoàn trong khai khoáng

Luật bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng

Trước kia, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, thì nay Luật Địa chất Khoáng sản 2024 quy định công nhận kết quả thăm dò khoáng sản. Quy định này mang tính chất tổng quát và đầy đủ hơn.

Khoáng sản quan trọng

Sử dụng ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; thực hiện đề án đóng cửa mỏ trong một số trường hợp đặc biệt như chủ dự án bị phá sản hoặc thực sự không đủ năng lực về mặt kinh tế.

Bổ sung quy định về thu hồi khoáng sản

Luật đã làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản là hoạt động kết hợp nhằm lấy được khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc các hoạt động khác theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận. Việc thu hồi khoáng sản được thực hiện theo cơ chế khác so với khai thác khoáng sản.

Tài chính khoáng sản

Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

Tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển

Luật đã quy định rõ, hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển phải tuân thủ quy định đối với khoáng sản nhóm II hoặc nhóm III bảo kiểm soát và giám sát bằng các phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại để bảo đảm kiểm soát được sự biến động trữ lượng khoáng sản; nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; nguy cơ sạt lở, mất ổn định lòng sông, bờ sông, bãi sông, bờ biển.

Các nội dung khác

Ngoài các nội dung nêu trên, Luật đã chỉnh lý các nội dung liên quan đến: Quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản sau khi kết quả thăm dò khoáng sản được công nhận; rà soát lại toàn diện quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân thăm dò, khai thác, khai thác tận thu, thu hồi khoáng sản; quy định về các trường hợp thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép thăm dò, khai thác, khai thác tận thu khoáng sản.

Trước đó, VIASEE đã có nhiều góp ý dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản

Vào cuối tháng 10/2023, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có góp ý vào dự thảo lần 2 luật Địa chất và Khoáng sản. Tạp chí Kinh tế Môi trường xin đăng tải toàn văn nội dung này.

Việc ra đời Luật mới “Địa chất và Khoáng sản” thay cho Luật Khoáng sản là một bước tiến vì khoáng sản là đối tượng chính của hoạt động địa chất. Trong phần góp ý này, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (thuộc Liên Hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam- VUSTA) không muốn nói về các ưu điểm của Luật đang được soạn thảo mà chỉ muốn góp ý về một số điểm chưa rõ hoặc chưa chính xác trong Dự thảo.

Về điều 3 – Giải thích từ ngữ

- Khoản 1 có ghi tài nguyên địa chất có ‘tài nguyên địa chất tái tạo’.

- Khoản 2 có định nghĩa tài nguyên địa chất tái tạo bao gồm; tài nguyên gió, sóng, thủy triều và bức xạ mặt trời. Theo chúng tôi, việc đưa ra khái niệm này vừa không đủ và không chính xác vì: các loại tài nguyên đó không trực tiếp sinh ra từ các quá trình địa chất của Trái đất, và thiếu vì nếu coi nó có liên quan đến quá trình địa chất, thì nhiều tài nguyên có liên quan trực tiếp hơn như sinh vật và nước lại không được tính. Hơn nữa các điều khoản khác của Luật này hầu như không đề cập hay liên quan đến các dạng tài nguyên này.

- Khoản 10 cũng cần điều chỉnh lại cho chính xác vì nhiều loại khoáng vật, khoáng chất hiện nay chưa xem là khoáng sản, nhưng trong tương lại sẽ là khoáng sản. Còn gọi tất cả khoáng vật, khoáng chất có ích (nhưng chỉ trong tương lai có công nghệ khả thi để biến nó thành có ích) thì lại quá ôm đồm. Theo chúng tôi, nên thêm vào cụm từ ‘vào thời điểm hiện tại’ vào sau cụm từ ‘khoáng chất có ích’ mới chính xác. Ai cũng nhớ nguyên tố U vào thời điểm bà Mary Curi tìm nguyên tố Ra không được xem là khoáng sản, còn bây giờ là khoáng sản quan trọng; hoặc các nguyên tố rất có giá trị trong nhiều loại đất đá nhưng chưa có công nghệ khai thác có hiệu quả thì vẫn không thể xem là khoáng sản được.

PGS.TS Lưu Đức Hải- Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Một số ý kiến khác cụ thể khác về tài chính trong khai thác khoáng sản:

- Cấp quyền khai thác khoáng sản nên căn cứ vào trữ lượng công nghiệp của mỏ khi đã có số liệu thăm dò và tính toán trữ lượng của cơ quan chức năng.

- Thuế tài nguyên khoáng sản không nên tính bằng sản lượng khoáng sản đầu ra nhân với giá tài nguyên và thuế suất; làm như vậy sẽ dẫn đến khai thác không triệt để khoáng sản (hàm lượng chưa cao hay vị trí khó khai thác dưới lòng đất) mà phải tính bằng trữ lượng công nghiệp đã được doanh nghiệp khai thác.

- Phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản phải tính trên cơ sở các chi phí ngăn ngừa tác động tiêu cực của hoạt động khai thác tới môi trường không khí, nước và đất cụ thể ! Không nên tính theo sản lượng khoáng sản khai thác của doanh nghiệp.

- Phí đóng cửa mỏ cũng cần căn cứ vào các chi phí cụ thể đã đặt ra trong đề án cải tạo và phục hồi môi trường mỏ của danh nghiệp khi cấp quyền khai thác khoáng sản và phê duyệt đề án khai thác mỏ.

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nhung-diem-moi-trong-luat-dia-chat-va-khoang-san-vua-duoc-quoc-hoi-thong-qua-95190.html
Zalo