Những cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi
Phát huy phẩm chất 'Bộ đội cụ Hồ', sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, nhiều cựu chiến binh lại tiếp tục xung kích trên 'mặt trận mới', không ngừng nỗ lực, vượt khó vươn lên và trở thành tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi.

Trang trại kinh tế tổng hợp của cựu chiến binh Quách Văn Thiệp, xã Gia Tường (người mặc áo trắng) cho lợi nhuận cao.
Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của cựu chiến binh Quách Văn Thiệp, ở thôn Hiền Quan 1, xã Gia Tường vào những ngày sau khi xã Gia Tường vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã Gia Tường, Gia Thủy và Đức Long. Trong câu chuyện phấn khởi, kỳ vọng vào bộ máy hành chính mới, cựu chiến binh Quách Văn Thiệp cũng kể cho chúng tôi nghe về quá trình vượt khó vươn lên, phát triển kinh tế, làm giàu của gia đình ông tại địa phương.
Cựu chiến binh Quách Văn Thiệp chia sẻ: “Năm 1981, sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, tôi trở về quê hương, bắt tay vào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình. Nhận thấy lợi thế địa phương với diện tích đất nông nghiệp lớn, tôi đã mạnh dạn đấu thầu gần 3 hecta đất trồng lúa kém hiệu quả để cải tạo thành ao nuôi cá và xây dựng chuồng trại nuôi lợn, vịt đẻ trứng.
Những năm đầu mới bắt tay vào sản xuất, ông Thiệp gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nhưng với phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, ông Thiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau nhiều năm, mô hình của gia đình ông đã đi vào ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ông có của ăn của để và hỗ trợ đồng đội.

Ông Thiệp thường xuyên trao đổi, hỗ trợ kinh nghiệm cho đồng đội và các hộ nuôi.
Chuồng trại nuôi lợn được ông Thiệp thiết kế khoa học, hiện đại với hệ thống máng thức ăn, uống nước tự động, hệ thống quạt làm mát, quạt hút mùi, đệm lót sinh học... Mỗi năm, trang trại của gia đình cung cấp cho thị trường khoảng 500 con lợn giống, hàng triệu quả trứng vịt và 7 tấn cá các loại, thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Thiệp còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, con giống miễn phí cho đồng đội, nhất là những đồng đội có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
“Là thương binh hạng 2, với tỷ lệ thương tật 64% mỗi khi trái gió trở trời khiến cơ thể đau nhức khó chịu nhưng tôi chưa bao giờ nản lòng hay cho phép mình được nghỉ ngơi. Còn sức khỏe tôi còn cố gắng hết mình. Đặc biệt hiện nay, khi xã Đức Long đã sáp nhập với xã Gia Tường, Gia Thủy, mỗi người dân đều có trách nhiệm xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn”, cựu chiến binh Quách Văn Thiệp cho hay.
Cũng giống như cựu chiến binh Quách Văn Thiệp, sau khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Phạm Văn Càn, thôn 5, xã Khánh Trung luôn nỗ lực học và làm theo lời dạy của Bác, đặc biệt là quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình. Ông đã đầu tư nuôi ong lấy mật và sản xuất mắm cáy truyền thống, hàng năm cung cấp ra thị trường vài trăm lít mật và gần 1.000 lít mắm cáy, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Cựu chiến binh Phạm Văn Càn chia sẻ: “Để sản phẩm thơm ngon, chất lượng, mọi khâu trong quy trình sản xuất từ chọn nguyên liệu cáy, muối, tới chế biến và ủ mắm đều phải đảm bảo sạch sẽ, tỉ mỉ. Đến nay, sản phẩm mắm cáy của gia đình đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần giúp tôi tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Cựu chiến binh Phạm Văn Càn (người mặc áo xanh than) với sản phẩm mắm cáy đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Bà Đinh Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Khánh Trung đánh giá: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Phạm Văn Càn còn là người luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương như đóng góp tiền mặt, ngày công trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương; đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Ông cũng thường xuyên đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để các hội viên học tập và noi theo".
Với bản lĩnh của người lính đã được tôi rèn, thử thách qua chiến trường, trở về đời thường nhiều cựu chiến binh vẫn hăng hái, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh. Họ chính là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh trong bối cảnh, không gian mới.