Những cuộc bầu cử lớn trong năm 2024

Hơn 50 quốc gia, chiếm đến một nửa dân số hành tinh, sẽ tổ chức bầu cử trong năm nay. Từ Mỹ, Nga, Ấn Độ đến El Salvador và Nam Phi, các cuộc tranh cử tổng thống.

Những sự kiện này chắc chắn sẽ gây ra những biến động lớn đối với nền nhân quyền, kinh tế, mối quan hệ quốc tế và triển vọng hòa bình trong một thế giới đầy biến động. Dưới đây là một số cuộc bầu cử đáng chú ý trong năm 2024.

Bầu cử Tổng thống tại Mỹ

Vào ngày 5/11, hàng triệu người dân Mỹ sẽ bầu ra tổng thống thứ 60 của nước này. Đây hứa hẹn sẽ là cuộc so tài gay cấn giữa các ứng cử viên hàng đầu cho cuộc đua vào Nhà Trắng, đặc biệt là cuộc so kè giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.

Hiện tại, ông Trump đang chiếm ưu thế khi dẫn trước ông Biden 6 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò đối với 1.250 người trưởng thành trên toàn nước Mỹ do Reuters/Ipsos thực hiện. Trước đó, cựu tổng thống này cũng đã giành chiến thắng quan trọng trong cuộc đua đề cử ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa tại bang Iowa.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AFP

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AFP

Ngược lại, ông Biden lại đang gặp nhiều bất lợi khi nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Đảng Dân chủ đã quá lớn tuổi để tiếp tục lãnh đạo đất nước. Mặc dù ông Trump cũng đã 77 tuổi và vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức pháp lý, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ do xu hướng từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington và ưu tiên củng cố lợi ích của Mỹ.

Cuộc đua quyền lực tại Ấn Độ

900 triệu cử tri Ấn Độ sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 4 và 5 để bầu Quốc hội, qua đó quyết định đảng nào sẽ thành lập chính phủ. Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) của mình đang nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Sự nghiệp và thành công của vị chính trị gia này dựa trên sự ủng hộ của hơn một tỷ người theo đạo Hindu tại Ấn Độ. Hiện tại, đối thủ chính trong cuộc bầu cử tới của ông Modi là một liên minh gồm 28 đảng, được gọi là Liên minh Hòa nhập Phát triển Quốc gia Ấn Độ (INDIA).

Mặc dù phải nhận nhiều chỉ trích từ chính sách giám sát khắt khe, hay hạn chế quyền tự do ngôn luận, Thủ tướng đương nhiệm này vẫn được đông đảo công chúng ca ngợi do kiểm soát được nạn tham nhũng và nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế.

Lần đầu tiên Mexico sẽ có nữ tổng thống?

Mexico có khả năng sẽ chào đón nữ tổng thống đầu tiên trong cuộc bầu cử được cho là lớn nhất từ trước đến nay của nước này. Bà Claudia Sheinbaum - cựu Thị trưởng TP Mexico, là gương mặt mới đầy tiềm năng của Đảng Monera và luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây với số phiếu vượt trội.

Bà cam kết sẽ giải quyết triệt để xu hướng bạo lực băng đảng ngày càng gia tăng tại quốc gia Bắc Mỹ này cũng như đưa ra nhiều chính sách để phát triển Mexico trở thành đất nước hùng cường. Đây cũng là lần đầu tiên tất cả 32 bang tại Mexico đồng thời tổ chức bầu cử, với việc các ứng cử viên sẽ tranh cử cho 20.000 vị trí, gồm: Tổng thống, đại biểu quốc hội, thống đốc và các cơ quan địa phương.

Bầu cử Nghị viện châu Âu

Cứ 5 năm/lần, người dân Liên minh châu Âu (EU) tham gia bầu cử để chọn ra đại diện của mình trong Nghị viện châu Âu (EP) – một trong những cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới. Đây là cuộc bầu cử với quy mô xuyên quốc gia khi diễn ra trên tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) sẽ quyết các luật mới điều chỉnh các khía cạnh khác nhau của đời sống tại EU, từ chăm sóc sức khỏe đến việc làm.

Các cuộc bầu cử sẽ diễn ra từ ngày 6 - 9/6 và mỗi quốc gia sẽ tiến hành bầu cử vào những ngày khác nhau. Chẳng hạn, Hà Lan tiến hành bầu cử vào thứ Năm, trong khi Pháp tổ chức bầu cử vào Chủ nhật.
Cuộc bầu cử này đến trong thời điểm biến đổi khí hậu, vấn đề nhập cư, an ninh và quốc phòng đang là những mối quan tâm chung tại nhiều quốc gia trong EU và hầu hết người dân đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

Bầu cử tại Nga

Ngày 8/12/2023, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ tái ứng cử vào năm 2024 sau khi Hội đồng Liên bang Nga ấn định thời gian tổ chức cuộc bầu cử.

Vào năm 2020, Nga đã sửa đổi hiến pháp để cho phép ông Putin trên lý thuyết có thể nắm quyền đến năm 2036. Nhiệm kỳ hiện tại của ông Putin dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 7/5/2024. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, ông Putin sẽ giữ chức tổng thống Nga đến năm 2030 và được quyền tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy ông Putin nhận được sự ủng hộ từ khoảng 80% người dân Nga và hầu như không có ứng cử viên nào đủ sức cản đường ông đắc cử.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-cuoc-bau-cu-lon-trong-nam-2024.html
Zalo