Những con số ấn tượng về phát triển kinh tế số tại TP HCM

TP HCM là địa phương có tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân cao nhất cả nước

UBND TP HCM vừa có báo cáo về kết quả thực hiện Đề án "Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Theo UBND TP HCM, việc triển khai đề án đã đi đúng hướng, phù hợp với tiến độ xây dựng khung khổ pháp lý và quản lý từ Trung ương và đạt được một số kết quả ban đầu. Các doanh nghiệp, tổ chức ngày càng quan tâm tìm hiểu để nghiên cứu áp dụng kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Các doanh nghiệp tìm hiểu những sản phẩm công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ... của TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các doanh nghiệp tìm hiểu những sản phẩm công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ... của TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thực hiện đề án, kinh số số có nhiều kết quả nổi bật. Theo ước lượng của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số thành phố năm 2022 chiếm 18,86% GRDP và xếp thứ 7 cả nước. Đến năm 2023, TP HCM có tỉ trọng kinh tế số trong GRDP 21,5%, tăng 28% so với năm 2022 và thuộc nhóm 9 địa phương có tỉ trọng kinh tế số cao trên 20%.

Trong đó, về kinh tế số ICT, TP HCM là địa phương có tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân cao nhất cả nước với tỉ lệ đạt 3,1. Kinh tế số ngành, lĩnh vực, thành phố cũng nhiều ưu thế, thuộc nhóm 3 địa phương có tỉ trọng doanh thu thương mại điện tử/tổng doanh thu bán lẻ cao nhất.

Kết quả ước tính của Tổng cục Thống kê, tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của TP HCM các năm 2020-2023 lần lượt là 12,62% năm 2020, 13,84% năm 2021, 13,51% năm 2022 và năm 2023 là 14,65% (xếp thứ 7 cả nước).

Định hướng thời gian tới, UBND TP HCM cho biết trong "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", với khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, Việt Nam cũng không nằm ngoài các xu thế phát triển của thế giới, xem đây là cơ hội chuyển đổi mang tính chiến lược, bước nhảy trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, phát triển kinh tế số là chìa khóa đưa đất nước thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" và hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

TP HCM đứng thứ 2 về chỉ số đổi mới sáng tạo

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố ngày càng lớn mạnh, đang tiến gần đến Top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu, xếp hạng 6 ở khu vực Đông Nam Á và được xếp hạng thứ 2 về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố; thu hút 44% lượng vốn đầu tư và 60% số thương vụ của cả nước.

Thành phố hiện có trên 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp, chiếm tỉ lệ khoảng 50% so với cả nước, trong đó số doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm hơn 65%, nông nghiệp chiếm 20% và các lĩnh vực còn lại chiếm 15%.

Hằng năm có khoảng 500 sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với gần 100 trường đại học, cao đẳng và trung cấp tham gia.

Số lượng tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố tăng gấp 1,87 lần sau 5 năm từ 24 tổ chức năm 2017 lên 45 tổ chức năm 2023. Số lượng Quỹ đầu tư cũng tăng gấp 2 lần từ gần 50 quỹ vào năm 2017, đến năm 2023 có gần 200 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại thành phố.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-con-so-an-tuong-ve-phat-trien-kinh-te-so-tai-tp-hcm-196241211184705466.htm
Zalo