Những chất hủy hoại môi trường có trong thiết bị ở mỗi gia đình
Ga lạnh trong các thiết bị làm lạnh đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sống, gây nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu - là nguyên nhân của những thảm họa thiên nhiên thảm khốc.
Việt Nam phải giảm 11,2 triệu tấn khí gây hiệu ứng nhà kính
Hội thảo "Phổ biến Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát" vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ở Hà Nội.
Thống kê mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn carbon thông qua hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Đây là nỗ lực của Việt Nam sau 30 năm tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone.
Theo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính, đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục loại trừ 11,2 triệu tấn CO2tđ (các loại khí tạo ra hiệu ứng khí nhà kính không chỉ có khí carbon dioxide) từ hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết năm 2024 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Ngay sau khi tham gia công ước và nghị định thư năm 1994, Việt Nam đã ban hành Chương trình quốc gia loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone (năm 1995) và thành lập Văn phòng Chương trình quốc gia để điều phối, triển khai các hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát từ năm 1996.
Từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn carbon thông qua hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát như CFC, Halon (hóa chất của bình chữa cháy); chất HCFC (chất làm suy giảm tầng ozone trong sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ôtô, thiết bị dập cháy) và HFC (các chất hydrofluorocarbon)...
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, hiện nay đã có nhiều công nghệ thay thế sử dụng các môi chất lạnh thân thiện với môi trường. Do vậy thời gian tới cần tăng cường công tác tái đào tạo các cán bộ kỹ thuật trong thực hành tốt kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí, đặc biệt là giảm tỷ lệ rò rỉ môi chất lạnh ra môi trường.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng khuyến nghị xây dựng kế hoạch chi tiêt về kiểm soát, loại trừ môi chất lạnh theo từng lĩnh vực theo tiếp cận vòng đời, ngưỡng chỉ số gây nóng lên toàn cầu; đặc biệt là thúc đẩy thị trường trao đổi tín chỉ các bon trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí, song hành với việc hoàn thiện phương pháp (tiêu chuẩn, quy chuẩn…) tính lượng phát thải khí nhà kính theo vòng đời thiết bị.
Vì sao ga lạnh là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường?
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết, ga lạnh (được dùng trong giới thợ) chính là môi chất lạnh. Môi chất lạnh là chất môi giới sử dụng trong chu trình nhiệt động ngược chiều (máy lạnh và bơm nhiệt) để hấp thu nhiệt của môi trường cần làm lạnh và thải ra môi trường có nhiệt độ cao hơn. Đại đa số chúng là các chất dễ bay hơi, sôi ở nhiệt độ thấp, áp suất thấp để hấp thụ nhiệt trong buồng lạnh và ngưng ở nhiệt độ cao để thải nhiệt ra môi trường xung quanh.
Ga lạnh đã liên tục thay đổi trong suốt quá trình phát triển kỹ thuật lạnh trong thời gian khoảng 200 năm qua nên sự thay đổi và phát triển của nó luôn gắn liền với sự phát triển của kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí.
Ga lạnh có thể phân ra 4 thế hệ môi chất lạnh gồm: Thế hệ ga lạnh thứ nhất hay còn gọi là ga lạnh tự nhiên tồn tại từ năm 1830 cho đến 1930. Bất kể chất lỏng dễ bay hơi nào làm việc được trong chu trình đều được coi là ga lạnh. Đây chủ yếu là các ga lạnh tự nhiên như ether, rượu, cồn các loại, amoniac NH3, propan, Butan, SO2, CO2, H2O, CCl4… Loại ga này dễ cháy nổ và độc hại, dẫn đến nhiều vụ tai nạn.
Thế hệ ga lạnh thứ 2 từ 1931 -1990 gọi là CFC. CFC là viết tắt các ga Clo-Flo-Cacbon gốc là CH4, C2H6. Loại ga này an toàn, không độc hại, không cháy nổ. Năm 1950, người ta phát hiện tầng Ozone mỏng dần. Năm 1974 hai nhà khoa học Molina và Rowland phát hiện các CFC, HCFC phá hủy tầng Ozone. Đến 1987, Nghị định thư Montreal cấm CFC vì chúng phá hủy tầng Ozone (có ODP rất cao).
Thế hệ ga lạnh thứ 3 là HFC (1990 - 2010). HFC là Hydro-Flo-Cacbon, không chứa Clo. Đây là các hợp chất (không chứa Clo) nên không phá hủy tầng ozone. HFC đầu tiên được coi là "cứu tinh" của nhân loại, nhưng đến năm 1990 người ta phát hiện hiện tượng nóng lên toàn cầu, băng vĩnh cửu tan ở Nam và Bắc Cực, nước biển dâng, bão tố hoành hành, biến đổi khí hậu. Người ta nhận thấy HFC là thủ phạm. Năm 1997, Nghị định thư Kyoto hạn chế và loại trừ HFC.
Thế hệ ga lạnh thứ 4 đang được phổ biến hiện nay là HFO. HFO là Hydro-Flo-Olefin (Dẫn xuất từ Propen C3H6 (chưa no) chứa 3-4 nguyên tử Flo). Gas lạnh này có ODP = 0 hoặc rất thấp, GDP thấp, có hiệu suất năng lượng COP cao. Thực chất đây là ga lạnh thế hệ 1 được nghiên cứu sử dụng trở lại.
"Ga lạnh đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sống, gây nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu - là nguyên nhân của những thảm họa thiên nhiên thảm khốc. Do vậy cần có chính sách khuyến khích ứng dụng ga lạnh mới, thân thiện môi trường. Cần tuân thủ việc thu hồi, tái sinh, tái chế, tiêu hủy ga lạnh theo tiêu chuẩn ISO 817 để bảo vệ môi trường.
Cần thu hồi, tái chế và tiêu hủy ga lạnh không thân thiện môi trường một cách hợp lý, chúng ta bảo vệ môi trường sống của chúng ta nhằm bảo vệ tầng ozone, ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, giảm thiểu biến đổi khí hậu", GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho hay.
Ước tính mỗi năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ trên dưới 2 triệu máy điều hòa, có tốc độ phát triển lớn nhất về tiêu thụ trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến quy mô đạt 2,9 tỷ USD năm 2025. Trong giai đoạn 2020 – 2021, ngành điều hòa của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên tốc độ tăng trưởng có giảm đi, đến nay vẫn còn khó khăn do tình hình kinh tế chưa khởi sắc. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là thị trường có tốc độ phát triển lớn nhất về tiêu thụ điều hòa trong khu vực Đông Nam Á.
Theo chuyên gia, việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần sự hợp tác từ cả cộng đồng quốc tế và cấp chính phủ, địa phương. Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, và phát triển nông nghiệp bền vững.