Những câu chuyện truyền cảm hứng từ cuộc thi viết 'Gia đình học tập'

Câu chuyện của các tác giả và nhân vật trong các tác phẩm đạt giải tại cuộc thi viết 'Gia đình học tập' không chỉ tôn vinh tinh thần hiếu học mà còn lan tỏa giá trị tri thức, sự gắn kết và ý chí vươn lên trong mỗi gia đình Việt Nam.

Ngày 2/7, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết "Gia đình học tập", vinh danh những cá nhân, tập thể có bài viết xuất sắc về đề tài này.

Các tác giả, nhân vật đại diện cho các gia đình học tập được tôn vinh trong tác phẩm đạt giải cuộc thi viết "Gia đình học tập" giao lưu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi.

Các tác giả, nhân vật đại diện cho các gia đình học tập được tôn vinh trong tác phẩm đạt giải cuộc thi viết "Gia đình học tập" giao lưu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi.

Chia sẻ trong phần giao lưu tại lễ trao giải, tác giả Uông Ngọc - người đạt giải Nhất cuộc thi viết "Gia đình học tập" với tác phẩm "Từ bữa cơm độn sắn ở Mường Khến đến gia đình học tập toàn thạc sĩ, tiến sĩ" cho biết bài viết mang lại giải thưởng cho chị xuất phát từ câu chuyện của gia đình bà Bùi Thị Phúc - một phụ nữ dân tộc Mường ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Đây là một gia đình đặc biệt mà tác giả rất ấn tượng khi biết đến thông qua buổi gặp giữa Chủ tịch nước với các đại biểu là người cao tuổi toàn quốc có thành tích xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

"Trong các đại biểu tham dự buổi gặp mặt, tôi ấn tượng nhất với bà Phúc vì bà là người xứ Mường, Tân Lạc và đặc biệt trong rất nhiều thành tích của những đại biểu tham dự ngày hôm đó thì gia đình bà Phúc là gia đình đầu tiên được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình vinh danh là gia đình tiến sĩ, thạc sĩ của tỉnh. Đây là gia đình lấy học tập làm nền tảng, làm truyền thống và theo đuổi sự học nhiều đời nay" - tác giả cho biết.

Tác giả Uông Ngọc chia sẻ lý do thực hiện bài viết về gia đình bà Bùi Thị Phúc. Ảnh: TA

Tác giả Uông Ngọc chia sẻ lý do thực hiện bài viết về gia đình bà Bùi Thị Phúc. Ảnh: TA

Từ những ấn tượng sâu sắc trước hành trình học tập, nghị lực vươn lên và tinh thần truyền cảm hứng mạnh mẽ của bà Phúc cùng các thành viên trong gia đình, tác giả Uông Ngọc tự nhủ sẽ có một dịp nào viết lại câu chuyện đặc biệt này. Và chính câu chuyện đầy cảm hứng ấy đã giúp tác giả Uông Ngọc xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi viết "Gia đình học tập", góp phần lan tỏa hình ảnh một mái ấm hiếu học, giàu nghị lực vươn lên và là minh chứng sống động cho giá trị của tri thức trong mỗi gia đình Việt Nam.

Là con gái của bà Bùi Thị Phúc - nhân vật chính trong bài viết đoạt giải Nhất Cuộc thi viết "Gia đình học tập", chị Quách Thị Phương Đoan chia sẻ: "Nhận được giấy mời tham dự lễ trao giải, cả gia đình tôi rất vui mừng. Khi đến buổi lễ, tôi mới biết bài viết về gia đình tôi đạt giải Nhất cuộc thi, niềm vui và tự hào trong tôi như được nhân đôi. Tôi cũng đã gọi điện thông báo tin vui này với các thành viên trong gia đình".

Chị Đoan cho biết, bố mẹ chị đều là giáo viên. Trong hoàn cảnh khó khăn những năm 1978-1979, khi nhiều thầy cô phải rời bục giảng để chuyển sang công việc khác do thu nhập quá thấp, bố mẹ chị vẫn quyết tâm bám nghề và giữ vững lý tưởng giáo dục.

Chị Quách Thị Phương Đoan - con gái bà Bùi Thị Phúc - nhân vật trong bài viết đạt giải Nhất cuộc thi. Ảnh: TA

Chị Quách Thị Phương Đoan - con gái bà Bùi Thị Phúc - nhân vật trong bài viết đạt giải Nhất cuộc thi. Ảnh: TA

"Bố mẹ đã rất nỗ lực để nuôi dạy ba chị em tôi khôn lớn. Dù kinh tế eo hẹp, đến khi chị em tôi học thạc sĩ, tiến sĩ, bố mẹ vẫn cố gắng vay mượn, bán nhiều tài sản để chúng tôi có được ngày hôm nay" - chị Đoan nhớ lại.

Chị Đoan cũng bày tỏ niềm vui và sự cảm kích khi tác giả Uông Ngọc đã thể hiện trọn vẹn những tâm tư, cũng như chặng đường gian khó mà gia đình chị Đoan trải qua.

Thay mặt gia đình, chị Quách Thị Phương Đoan cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới Hội Khuyến học Việt Nam và Tạp chí Công dân và Khuyến học đã tổ chức một cuộc thi hết sức ý nghĩa, góp phần tôn vinh và lan tỏa giá trị của tinh thần học tập trong mỗi gia đình.

Là nhân vật trong tác phẩm đạt giải Nhì cuộc thi và cũng là thành viên Hội đồng Chung khảo, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết: "Tôi đã tham gia Hội đồng Chung khảo chấm giải hai cuộc thi do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức. Qua từng cuộc thi, tôi ngày nhận thấy rằng việc khuyến học không còn là phong trào mà đã trở thành chiến lược, là quốc sách của đất nước".

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng bày tỏ niềm vui đặc biệt khi bài viết về gia đình ông được trao giải Nhì.

Chia sẻ về truyền thống học tập của gia đình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho hay, gia đình ông có bề dày và truyền thống học tập lâu đời, được hun đúc qua nhiều thế hệ.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ tại phần giao lưu của buổi lễ. Ảnh: TA

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ tại phần giao lưu của buổi lễ. Ảnh: TA

"Ba tôi bắt đầu hành trình học tập từ thời kháng chiến chống Pháp. Ông từng nói một câu mà cả gia đình chúng tôi luôn khắc ghi: "Phải cố gắng học tập để thay đổi cuộc đời và đóng góp cho đất nước". Chính lời căn dặn ấy đã trở thành kim chỉ nam, hun đúc nên truyền thống học tập trong gia đình và nhờ đó, các thành viên trong nhà đều nỗ lực học tập không ngừng, trở thành gia đình học tập. Đến nay, tất cả đều đã tốt nghiệp đại học, người trở thành tiến sĩ, người là phó giáo sư", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói.

Chia sẻ tại phần giao lưu trong buổi lễ trao giải, tác giả Đinh Thị Thúy - người đạt giải Nhì cuộc thi viết "Gia đình học tập" với tác phẩm "Gia đình học tập và yêu thương - nền tảng cho nhân cách và sự phát triển bền vững" cho biết: "Tôi rất bất ngờ và hạnh phúc khi bài viết của mình được trao giải Nhì. Điều mong muốn nhất của tôi khi tham gia cuộc thi là những thông điệp trong bài viết của mình có thể lan tỏa và truyền cảm hứng tích cực trong xã hội".

Mặc dù đang giữ chức vụ cao tại một công ty công nghệ có tiếng nhưng chị Thúy cho biết bản thân xuất thân từ một vùng quê nghèo. Tinh thần học tập bền bỉ của chị được truyền động lực từ chính bố mẹ - những người đã sớm xác định rằng, đầu tư cho con cái học hành là con đường duy nhất để thoát nghèo.

Tác giả Đinh Thị Thúy chia sẻ tại phần giao lưu. Ảnh: TA

Tác giả Đinh Thị Thúy chia sẻ tại phần giao lưu. Ảnh: TA

"Nhờ sự hy sinh, lam lũ, quyết tâm của bố mẹ, cả 3 anh em tôi đều học đại học và có công việc ổn định", chị Thúy nói.

Chị Thúy chia sẻ, với chị, học tập không chỉ gói gọn trong sách vở, mà còn đến từ việc quan sát và thấu hiểu những người xung quanh, trước hết là các thành viên trong gia đình, và rộng hơn là từ những thành viên tại nơi làm việc.

Về việc học tập trong gia đình, chị Thúy cho tâm niệm rằng, cha mẹ phải là tấm gương đầu tiên để con noi theo. Việc học và đồng hành cùng con không nên đặt nặng thành tích mà quan trọng là giúp con học một cách toàn diện nhất có thể. Chị Thúy luôn khuyến khích các con ưu tiên học ngoại ngữ và trên hết là học cách sống tử tế, biết yêu thương và cư xử đúng mực với mọi người trong cuộc sống.

Chị Thúy bật mí rằng sở dĩ bản thân mình theo học chuyên ngành tài chính kế toán nhưng lại làm quản lý trong một doanh nghiệp kinh doanh công nghệ cũng có những lý do thú vị. Sự học không bao giờ cùng, vừa làm, vừa học, đồng nghiệp cũng là thầy. Và quan trọng hơn cả là môi trường làm việc ở mỗi cơ quan hiện nay cũng là một trường học lớn.

Đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi viết "Gia đình học tập", chị Thúy cho hay: "Mỗi gia đình chính là nền tảng của xã hội, việc lan tỏa tinh thần học tập, yêu thương và sẻ chia từ mỗi mái ấm là điều vô cùng ý nghĩa và cần thiết trong cuộc sống hiện đại. Chị Thúy nhấn mạnh tình yêu thương trong gia đình là động lực lớn lao.

Chính tôi cũng đến cuộc thi này cùng ông xã và các con - những người đồng hành cùng tôi trong việc xây dựng lên một gia đình học tập.

Tôi hy vọng những thông điệp trong bài viết của mình sẽ góp phần nhỏ bé vào việc làm nên giá trị chung và lan tỏa thêm thông điệp tích cực mà cuộc thi hướng đến" - chị Thúy chia sẻ.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-cau-chuyen-truyen-cam-hung-tu-cuoc-thi-viet-gia-dinh-hoc-tap-179250702155209819.htm
Zalo