Như Xuân: Lễ hội Đình Thi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lễ hội Đình Thi vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Đình Thi của đồng bào dân Thổ Như Xuân.

Lễ hội Đình Thi của đồng bào dân Thổ Như Xuân.

Theo sử sách ghi lại, sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1416-1427) giành thắng lợi, danh tướng Lê Phúc Thành được phong đất lộc điền ở làng Sẹt. Tại đây, ông tập hợp, chiêu mộ dân binh và những người trong vùng về cùng khai mở điền thổ, biến rừng cây rậm rạp và đầm lầy hoang vu thành xóm làng trù phú, mang lại cuộc sống no ấm cho dân làng. Sau khi ông mất, con cháu dòng họ Lê và Nhân dân trong huyện tôn thờ ông làm Thành hoàng làng.

Đình Thi được xây dựng năm 1495, thờ Dương Cảnh Bạch y Thượng đẳng tối linh thần và tướng quân Lê Phúc Thành. Năm 1949, đình xuống cấp, đến năm 1990 mới được trùng tu và tôn tạo lại. Năm 1995, Đình Thi được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Nhân vật được thờ trong đền gồm tướng quân Lê Phúc Thành và thờ 4 người con trai của ông.

Hiện Đình Thi còn lưu giữ được hai sắc phong thời Nguyễn do Vua Khải Định và Bảo Đại ban vào năm 1922 và 1934. Trước đây, lễ hội Đình Thi thường có tục tế trâu, rước kiệu và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian mang đậm sắc thái văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ, nhưng do điều kiện khách quan, một thời gian dài nhiều giá trị của lễ hội bị mai một. Từ năm 1990, cùng với việc phục dựng đình, lễ hội Đình Thi cũng được khôi phục, ngoài những nghi thức tế lễ, đồ vật dâng cúng, một số trò chơi, trò diễn cũng được sưu tầm và phục dựng lại. Năm 2024, di tích được tỉnh đầu tư tôn tạo và xây dựng thêm một số hạng mục công trình mới.

Lễ hội Đình Thi được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Đình Thi được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Đình Thi được tổ chức vào các ngày từ 14 đến 16/3 âm lịch hằng năm tại thôn Trung Thành, xã Yên Lễ (nay là thị trấn Yên Cát), nhằm tôn vinh, tưởng nhớ Tướng quân Lê Phúc Thành. Đây là dịp để Nhân dân và du khách tôn vinh, tưởng nhớ công đức của Tướng quân Lê Phúc Thành. Thông qua hoạt động của Lễ hội cũng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, là dịp để quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, hình ảnh đất và người Như Xuân đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Tại Quyết định, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể vừa được công bố trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Đỗ Nguyệt - Dương Bích (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhu-xuan-le-hoi-dinh-thi-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-34472.htm
Zalo