Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước tăng vào các tháng cuối năm 2025

Đây là dự báo của đại diện Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) khi đề cập đến thị trường xi măng các tháng cuối năm 2025. Hiện VICEM nắm hơn 27% thị phần xi măng trong nước.

Cuối năm 2025, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước tăng, xuất khẩu giảm

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai mục tiêu, nhiệm vụ quý III/2025 của VICEM vào chiều 3/7, đại diện VICEM nhận định: Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước sẽ tăng trong các tháng cuối năm 2025.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng: "Bộ Xây dựng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để VICEM hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025".

Lý do, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông và xây dựng; nguồn cung bất động sản được kỳ vọng hồi phục khi các biện pháp tháo gỡ pháp lý bắt đầu tác động vào thị trường…

Tuy nhiên, do mùa mưa bão dự báo đến sớm ở miền Bắc và miền Trung, dự báo ảnh hưởng đến tiến độ thi công, làm giảm nhu cầu tiêu thụ xi măng theo vùng.

Cũng theo đại diện VICEM, các tháng cuối năm, thị trường xi măng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như mất cân đối về cung - cầu; cạnh tranh về giá bán ngày càng gay gắt; xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời, từ xi măng giá cao sang xi măng giá thấp, dẫn đến làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh…

Về thị trường xuất khẩu, VICEM dự báo nhu cầu nhập khẩu xi măng giảm do nước nhập khẩu bước vào mùa mưa bão. Sản lượng xuất khẩu xi măng từ Việt Nam bị ảnh hưởng khi Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) ra quyết định áp thuế đối ứng và thuế chống bán phá giá (dự kiến trong tháng 7/2025)...

Giá clinker xuất khẩu tháng 7 - 8/2025 có xu hướng giảm so với tháng 6/2025, bởi áp lực cạnh tranh do dư thừa clinker từ các nguồn cung…

Nguồn cung vượt xa cầu

Trước đó, đề cập đến thị trường các tháng đầu năm, đại diện VICEM cho rằng, ngành xi măng Việt Nam tiếp tục đối mặt với tình trạng nguồn cung vượt xa so với nhu cầu.

VICEM đảo chiều sang lãi, sau 2 năm liên tiếp lỗ.

Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước năm 2025 tăng trưởng 6 - 8,9% so với năm 2024, đạt khoảng 70,5 - 72,5 triệu tấn. Tuy nhiên, cả nước hiện có 92 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất thiết kế đạt 122,34 triệu tấn/năm, tức vượt xa nhu cầu thị trường.

Dư thừa nguồn cung xi măng, dẫn đến các công ty sản xuất xi măng cạnh tranh gay gắt, giảm giá bán, tăng chính sách bán hàng, đưa ra nhiều nhãn hiệu xi măng mới với giá bán thấp để gia tăng sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị phần…

Đặc biệt, từ tháng 5/2025, tình trạng vật liệu xây dựng nói chung như: Cát, đá, đất san lấp, gạch... thiếu hụt nghiêm trọng, giá tăng cao, khiến chi phí xây dựng tăng, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chi phí của nhiều dự án trọng điểm. Thậm chí, nhiều công trình xây dựng tạm dừng để chờ giá vật liệu giảm, gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ xi măng.

Nghịch lý hơn nữa là trong khi giá bán xi măng có xu hướng ngày càng giảm thì giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn duy trì ở mức cao. Giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% (từ ngày 10/5/2025), tác động làm tăng chi phí sản xuất xi măng, clinker, giảm hiệu quả của công ty xi măng.

Một trong những "điểm sáng" trên thị trường xi măng là xuất khẩu clinker bắt đầu có hiệu quả, sau khi tăng được giá bán và hưởng chính sách giảm thuế xuất khẩu từ 10% xuống còn 5% (từ ngày 19/5/2025, theo Nghi định số 108/2025/ND-CP).

Giá clinker xuất khẩu tháng 5 và 6/2025 ở mức từ 35 - 37 USD/tấn, tăng 7 - 8 USD/tấn so với giá tháng 1/2025.

Tuy nhiên, xuất khẩu xi măng, clinker cũng gặp khó khăn do các quốc gia nhập khẩu xi măng, clinker gia tăng hoặc bổ sung biện pháp phòng vệ thương mại. Giá xi măng xuất khẩu duy trì ở mức thấp do áp lực cạnh tranh với nguồn cung dư thừa của các quốc gia như: Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker toàn xã hội (bao gồm xuất khẩu) đạt 53,79 triệu tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Thị trường trong nước, nhu cầu xi măng 6 tháng đầu năm 2025 đạt 36,89 triệu tấn, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, VICEM đạt 10,11 triệu tấn, tăng 18,7% so với cùng kỳ; khối liên doanh đạt 6,38 triệu tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ; thành phần khác đạt 20,10 triệu tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Hiện VICEM nắm hơn 27% thị phần xi măng trong nước.

VICEM đảo chiều sang lãi trong năm 2025

Một điểm sáng khác là VICEM đã đảo chiều từ lỗ trong 2 năm liên tiếp là 2023 - 2024 sang lãi trong các tháng đầu năm.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2025, thị phần xi măng trong nước của VICEM đạt 27,41%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2024. Thị phần khối liên doanh đạt 17,3%, giảm nhẹ thị phần so với năm 2024. Các thành phần khác đạt 55,3%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu xi măng toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2025 đạt 10,05 triệu tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2024; Xuất khẩu clinker toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2025 đạt 6,85 triệu tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2025 của các đơn vị sản xuất xi măng là 12.121 tỷ đồng, đạt 47,9% kế hoạch năm 2025 và tăng 3,9% (tăng 457 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2024.

Lợi nhuận trước thuế (chưa tính CLTGCK - khoản lãi/lỗ do chênh lệch tỷ giá) toàn VICEM thực hiện 6 tháng đầu năm 2025 là 34,1 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2024, 1ỗ 810,6 tỷ đồng).

Trong đó, Công ty mẹ - VICEM lãi 192,7 tỷ đồng, tăng 320,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024 (lỗ 127,6 tỷ đồng); Các công ty sản xuất xi măng lỗ 166,1 tỷ đồng, giảm lỗ 512,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024.

VICEM đầu tư chiều sâu để nâng công suất, giảm tiêu hao, bảo vệ môi trường

Ghi nhận những nỗ lực của của VICEM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho rằng, những kết quả đạt được của VICEM trong 6 tháng đầu năm thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó, tinh thần đổi mới rất rõ nét của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động VICEM.

Xuất khẩu clinker bắt đầu có hiệu quả sau khi tăng được giá bán và hưởng chính sách giảm thuế xuất khẩu từ 10% xuống còn 5%.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, VICEM có trách nhiệm không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà còn góp phần ổn định thị trường, dẫn dắt ngành và bảo toàn vốn Nhà nước. 6 tháng cuối năm, khối lượng công việc rất lớn, Thứ trưởng đề nghị VICEM tập trung hoàn thành tốt kế hoạch năm 2025.

Theo đó, VICEM tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Xây dựng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi khâu, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cơ cấu lại VICEM giai đoạn 2021 - 2025, song song với việc xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2026 - 2030…

VICEM rà soát và thúc đẩy các dự án đầu tư trọng điểm, nhất là các dự án tận dụng nhiệt khí thải; các dự án khai thác nguyên liệu, đảm bảo ổn định đầu vào; các dự án đầu tư chiều sâu để nâng công suất, giảm tiêu hao, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục điều chỉnh, triển khai Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM đúng quy định và tiến độ cam kết.

"VICEM tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, giảm khâu trung gian, tăng năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động, từ sản xuất, quản trị đến tiêu thụ, theo đúng tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Từng bước xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch, tạo nền tảng cho VICEM chuyển đổi số toàn diện", Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Đối với thị trường xi măng, Thứ trưởng đề nghị VICEM chủ động, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa trong điều hành, linh hoạt ứng phó với thị trường, bảo đảm hiệu quả và bền vững.

"Bộ Xây dựng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để VICEM hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và khẳng định vị thế của doanh nghiệp Nhà nước chủ lực trong ngành vật liệu xây dựng", Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng khẳng định.

Minh Hằng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nhu-cau-tieu-thu-xi-mang-trong-nuoc-tang-vao-cac-thang-cuoi-nam-2025-192250704135452255.htm
Zalo