Nhộn nhịp thị trường phục vụ 'tiễn ông Công, ông Táo về trời'

Những ngày này, nhu cầu mua sắm các vật phẩm 'tiễn ông Táo về trời' của người dân tăng cao. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán đồ lễ trên địa bàn tỉnh, nhiều mặt hàng phục vụ ngày lễ được chuẩn bị cận thận, kỹ càng, đa dạng chủng loại và giá cả hợp lý.

Cá chép đỏ được bán đa dạng các kích cỡ khác nhau tại các chợ truyền thống.

Cá chép đỏ được bán đa dạng các kích cỡ khác nhau tại các chợ truyền thống.

Ngày lễ ông Công, ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp và thường được tiến hành trước 12 giờ trưa với mong muốn các Táo phù hộ cho một năm mới no ấm, gặp nhiều may mắn. Song năm nay, ngày lễ diễn ra vào thứ Sáu, nên ngay từ đầu tuần, nhiều người đã chuẩn bị lễ vật và mâm cúng để tiễn Táo quân sớm hơn.

Cá chép là “phương tiện” duy nhất để đưa Táo Quân về trời, bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép đỏ. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, tại chợ Minh Phương, nhiều tiểu thương bán cá truyền thống đã kinh doanh thêm mặt hàng cá chép đỏ để phục vụ khách hàng và kiếm thêm thu nhập. Bà Nguyễn Thị Vinh – Tiểu thương bán cá cho biết: Bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp, tôi đã nhập 40kg cá từ làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, huyện Cẩm Khê về bán với các kích cỡ khác nhau. Năm nay, cá có mẫu mã đẹp, cá khỏe và giá nhập cũng ổn định. Cá sau khi nhập, tôi chia thành từng chậu khác nhau để người mua dễ lựa chọn. Để cá được khỏe, chắc mình, bơi tốt tôi phải chạy máy tạo oxy liên tục cả ngày và đêm.

Mỗi túi gồm có ba cá chép đỏ dao động từ 25.000 – 60.000 đồng/túi.

Mỗi túi gồm có ba cá chép đỏ dao động từ 25.000 – 60.000 đồng/túi.

Khảo sát về giá cá chép đỏ năm nay, nhiều tiểu thương cho biết: Giá cá năm nay không tăng thậm chí còn “mềm” hơn so với những năm trước do nguồn cung khá dồi dào. Năm nay, cá nhỏ có giá từ 8.000 - 20.000 đồng/con, cá to từ 30.000- 40.000 đồng/con. Tuy nhiên, lượng khách mua cá có kích cỡ lớn không nhiều. Cùng với việc không tăng giá cả, các tiểu thương cũng hướng dẫn khách hàng chọn lựa những con cá tươi màu, bơi khỏe, lưng không bị đốm để đảm bảo cả về thẩm mỹ và “sức khỏe” tốt để cá có thể sống đến lúc phóng sinh.

Vài năm trở lại đây, ngoài cá chép đỏ truyền thống, các loại cá chép được tạo hình bằng xôi, rau câu, bột bánh dịp Tết ông Công, ông Táo cũng được ưa chuộng vì thiết thực và đẹp mắt. Ngay từ giữa tháng Chạp, các loại cá chép này bắt đầu nhộn nhịp trên mạng xã hội để cho khách hàng tham khảo và đặt sớm. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Chủ cửa hàng Chè Hạnh, đường Châu Phong, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì cho biết: Năm nay là năm thứ Sáu, cửa hàng nhận làm đồ lễ cúng ông Công, ông Táo từ thực phẩm với các loại bánh trôi cá chép, bánh thạch cá chép, bánh bao cá chép...Các sản phẩm cá chép được làm thủ công, đúc khuôn với nhiều màu sắc đẹp mắt với giá dao động từ 60.000 – 100.000 đồng/bộ/ba con. Chỉ tính riêng sáng ngày 23 tháng Chạp năm nay, cửa hàng có gần 100 khách hàng đặt mua cá chép bánh bao để dâng lễ. Nhiều khách hàng đã đặt kèm thêm dịch vụ giao hàng tận nhà để đảm bảo thời gian làm lễ.

Cá chép đỏ được làm từ bột bánh cũng được nhiều khách hàng đặt làm vật phẩm trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo.

Cá chép đỏ được làm từ bột bánh cũng được nhiều khách hàng đặt làm vật phẩm trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo.

Thời điểm này, các mặt hàng hoa tươi, trái cây, thực phẩm... sức mua cũng bắt đầu tăng hơn do nhiều gia đình làm mâm cỗ cũng Tết.

Lễ cúng ông Công, ông Táo là một nghi thức văn hóa truyền thống của người Việt trải qua bao thế hệ đến nay vẫn giữ nguyên vẹn được nét cổ truyền riêng với mong muốn chia tay mọi vất vả, muộn phiền của năm cũ, sẵn sàng tâm thế bước vào một năm mới với mọi điều tốt đẹp.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/nhon-nhip-thi-truong-phuc-vu-tien-ong-cong-ong-tao-ve-troi/206554.htm
Zalo