Nhóm cán bộ bảo kê ra sao cho 'ông trùm' khai thác khoáng sản ở Bình Thuận?
Nhóm cán bộ xã đã thiếu trách nhiệm để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn trị giá hơn 3,1 tỉ đồng.
Viện KSND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành cáo trạng truy tố “ông trùm” khai thác khoáng sản trái phép Nguyễn Hữu Chính và năm đồng phạm trong đó có nhóm cán bộ Nhà nước gồm: Nguyễn Ngọc Châu, nguyên phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hàm Tân (Bình Thuận); nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ và Trần Viết Quý, nguyên công chức địa chính xã Sơn Mỹ bị truy tố về 2 tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Riêng bị can Hoàng Tuy, nguyên phó chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhóm bị can này đã có hành vi bảo kê như thế nào cho hành vi khai thác khoáng sản trái phép của Nguyễn Hữu Chính và các đồng phạm?
Theo Cơ quan điều tra, ngày 14-6-2023, Tổ công tác kiểm tra khoáng sản của UBND xã Sơn Mỹ gồm Nguyễn Ngọc Châu, Trần Viết Quý và Hoàng Tuy phát hiện Phan Đình Trọng Huy (31 tuổi, ngụ xã Sơn Mỹ) và 3 người khác đang khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực thôn 1, xã Sơn Mỹ.
Khi phát hiện Tổ công tác thì tất cả bỏ chạy chỉ còn Huy ở lại hiện trường cùng xe máy cày của Huy, kéo theo rơ mooc có khoảng 2m3 cát.
Tổ công tác đã đưa phương tiện về tạm giữ tại UBND xã Sơn Mỹ giao lại cho Trần Viết Quý tham mưu lập hồ sơ trình Nguyễn Ngọc Châu xử lý theo quy định.
Đến sáng hôm sau, Phan Đình Trọng Huy liên hệ với Quý trình bày vào năm 2022, Huy đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản trái phép và đề nghị Quý bỏ qua để không bị khởi tố hình sự bằng cách thay đổi tên người vi phạm là Phan Đình Trọng Duy (28 tuổi, em ruột của Phan Đình Trọng Huy) để lập hồ sơ xử phạt.
Do có mối quan hệ quen biết nên Quý xin ý kiến của Nguyễn Ngọc Châu và được Châu đồng ý. Sau đó, Quý lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính Phan Đình Trọng Duy. Trong hồ sơ xử phạt đối với các biên bản đã ghi tên Phan Đình Trọng Huy thì Quý chỉnh sửa đổi tên “Huy” thành “Duy” và trình cho Châu ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Sau đó, Quý thông báo cho Phan Đình Trọng Huy biết và yêu cầu Phan Đình Trọng Duy đến UBND xã Sơn Mỹ để ký thủ tục và nộp phạt, nhận lại phương tiện vi phạm.
Phan Đình Trọng Duy đến UBND xã Sơn Mỹ gặp Trần Viết Quý để ký nhận vào các biên bản vi phạm hành chính và nộp phạt 2.000.000 đồng, ký nhận lại phương tiện là xe máy cày có kéo theo rơ mooc.
Nguyễn Ngọc Châu và Trần Viết Quý đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái công vụ, chỉnh sửa tên người vi phạm nhằm mục đích giúp cho Phan Đình Trọng Huy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trả lại phương tiện vi phạm là chiếc xe máy cày có giá trị hơn 110 triệu đồng mà theo quy định của pháp luật phải bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ UBND xã Sơn Mỹ không làm đúng nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực phụ trách. Cụ thể: Trần Viết Quý là Công chức địa chính, khoáng sản của UBND xã Sơn Mỹ được phân công tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn nhưng Quý đã không tham mưu cho Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ thực hiện có hiệu quả các phương án bảo vệ khoáng sản, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép với số lượng đặc biệt lớn (do Nguyễn Hữu Chính, Võ Hoàng Lâm, Dương Bá Thiên Vương... thực hiện). Trần Viết Quý không làm hết trách nhiệm trong công tác tham mưu xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản; để bỏ lọt đối tượng bị xử lý hình sự…
Hoàng Tuy là Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ, phụ trách lĩnh vực kinh tế - khoáng sản đã không chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc cấp dưới làm hết trách nhiệm, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây ra thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên khoáng sản trong địa bàn quản lý.
Nguyễn Ngọc Châu là Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ từ ngày 13-7-2021 đến ngày 2-1-2024, trực tiếp điều hành công việc chung, đã thiếu trách nhiệm để cấp dưới không thực hiện nhiệm vụ được phân công, để xảy ra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, gây ra hậu quả thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn quản lý.
Trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, không chỉ đạo, không kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều sai phạm, bỏ lọt đối tượng bị xử lý hình sự. Từ những hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến việc để Nguyễn Hữu Chính và các đồng phạm khai thác khoáng sản trái phép khối lượng 12.943 m3 cát thủy tinh sau đó vận chuyển đến bãi tập kết ở huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, gây thiệt hại tài nguyên khoáng sản trị giá hơn 3,1 tỉ đồng…