Nhớ về quá khứ để trân quý hơn giá trị của hòa bình!
Hôm nay, vùng đất Điện Biên, Tây Bắc chiến trường năm xưa, rực rỡ cờ hoa, hân hoan trong không khí tưng bừng của đại lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trước đó, trên khắp dải đất hình chữ S, tinh thần Điện Biên Phủ đã thấm đẫm, lan tỏa trong mỗi người dân Việt. Nhắc nhớ lại bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ, là để mỗi người trong chúng ta, thêm trân quý hơn giá trị vô giá của hòa bình.
1.Trong chuỗi sự kiện tâm điểm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ có Cầu truyền hình đặc biệt "Dưới lá cờ quyết thắng" diễn ra tối 5/5 do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam VTV thực hiện. Tạo xúc cảm nhiều nhất tại chương trình là những câu chuyện rất đỗi cảm động từ cuộc gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử của chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra cách đây tròn 70 năm. Trong đó, có câu chuyện về người bố liệt sỹ Điện Biên của của hai chị em bà Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Kim.
Trong đêm giao lưu, bà Oanh kể chị em bà không nhớ dáng hình bố ra sao, chỉ biết qua lời kể của bà nội, của mẹ rằng bố là "người không cao, da đen đen nhưng duyên, mà hay hát", rằng bố đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi đánh bộc phá, 12 người cùng đội thì 11 người hy sinh. .
Theo bà Oanh, hai chị em bà lớn lên chỉ biết có thế nhưng trong đầu lúc nào cũng nghĩ tới bố- liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật (thuộc tiểu đoàn 166 - Trung đoàn 209 - Đại đoàn 312). Lớn lên, hai chị em cùng gia đình nhiều lần lên Điện Biên tìm mộ bố nhưng không được. "Bố ơi, con tìm lại mà không thấy bố ở chỗ nào bố ơi, không biết bố có đây không bố ơi…"- trong phóng sự phát trong đêm 5/5, có tiếng khóc nấc của người con gái đã ngoài 70 tuổi.
Cũng trong chương trình cầu truyền hình đặc biệt đêm 5/5 vừa qua, hai chị em bà Oanh, bà Kim đã không kìm được xúc động khi được đón nhận tấm chân dung của người bố liệt sĩ - được tạo bởi phương pháp tổng hợp hình ảnh của ông bà và các con.
Có lẽ, nếu không có hòa bình, không có sự phát triển về khoa học kỹ thuật của đất nước như hôm nay, thì giấc mơ được nhìn lại được gương mặt cha của hai người con liệt sĩ sẽ khó trở thành sự thực.
2. Cuối tháng 4/2024 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp Đảng bộ Đảng Cộng sản Pháp tại thành phố Saint Pierre des Corps ở miền trung nước Pháp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ và tri ân những người bạn Pháp đã hết lòng đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam.
Mở đầu các hoạt động kỷ niệm là lễ tưởng nhớ bà Raymonde Dien, nữ chiến sĩ cộng sản Pháp đã hết lòng đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam, người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam.
Buổi lễ diễn ra ở cuối phố 23/2/1950, cạnh nhà ga xe lửa Saint-Pierre-des-Corps, nơi cách đây 74 năm, bà Raymonde Dien khi đó mới chỉ là một nữ đảng viên 21 tuổi nhưng đã có hành động anh dũng là nằm trên đường ray để chặn đoàn tàu chở đầy vũ khí chở vũ khí sang Đông Dương để phản đối cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam.
Như lời nhấn mạnh của Đại sứ Việt Nam tại Pháp, hành động của bà Raymonde Dien đã trở thành “biểu tượng lịch sử, truyền cảm hứng cho một phong trào toàn cầu chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam".
Và trên thực tế, những người dân Pháp yêu hòa bình, sẵn sàng đấu tranh và hành động vì chính nghĩa, vì hòa bình như bà Raymonde Dien, thời điểm ấy, đã không hề là thiểu số. Những nỗ lực hết lòng của những người cộng sản Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Pháp và trên toàn thế giới dành cho nhân dân Việt Nam đã góp phần giúp chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa của thực dân Pháp.
3. Từ câu chuyện tìm lại gương mặt người bố liệt sĩ của hai chị em Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Kim; từ hành động anh dũng của người phụ nữ Pháp Raymonde Dien và những nỗ lực hết lòng vì Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh xưa của bạn bè quốc tế… mới thấy với là ai, dù là người Á hay người Âu, thì vẫn luôn chung một khát vọng hòa bình.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu mốc lớn. Đã có hàng loạt sự kiện được tổ chức trong và ngoài nước, để nhắc nhớ về dấu mốc lớn ấy. Nhắc nhớ về quá khứ không chỉ để biết về những ngày tháng đã qua cha ông ta đã sống, bảo vệ Tổ quốc như thế nào, mà hơn thế, còn là để tri ân những người đã hy sinh máu xương vì nền độc lập, và đặc biệt, để trân quý hơn giá trị của nền hòa bình vô giá ngày hôm nay đồng thời nỗ lực hơn nữa cho hành trình chung tay xây dựng đất nước.
Bởi vậy, không chỉ là chỉ đến các dấu mốc kỷ niệm, mà những sự nhắc nhớ, tri ân thiết nghĩ nên được tiến hành thường xuyên, cụ thể, hiệu quả. Đơn cử những hành trình về nguồn, về với những vùng đất Điện Biên được nhiều tỉnh, thành Đoàn trên toàn quốc tổ chức thời gian qua, sẽ không phải chỉ trong những dịp đại lễ, mà có lẽ nên là một phần hoạt động đoàn đội thường kỳ, như một trong nhiều cách giáo dục về giá trị hòa bình cho người trẻ.
Có như thế, tinh thần bất diệt của những chiến thắng năm xưa mới được thấm nhầm và lan tỏa trọn vẹn. Như nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong bài Diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Điện Biên sáng nay (7/5): Những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, những khó khăn được tháo gỡ, những thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng với tất cả sự quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ, nhiệt huyết, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau….Toàn thể chúng ta, với tất cả trách nhiệm, lý trí và nghị lực, hãy sống, làm việc, cống hiến hết sức mình; hãy nỗ lực vươn lên bằng trí tuệ, niềm tin, lòng yêu nước nồng nàn trong từng nhịp đập của mỗi trái tim; hãy góp sức, nỗ lực nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho xã hội, cho cộng đồng, cho gia đình và bản thân; hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng hùng cường, thịnh vượng.