NHNN lý giải vì sao ngân hàng có vốn trên 50.000 tỷ mới được xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng

Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 sẽ tiến tới xóa bỏ việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, sẽ cấp phép có điều kiện cho các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại sản xuất vàng miếng.

Ngân hàng có vốn trên 50.000 tỷ mới được xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng

Theo thông tin được công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hiện đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định và sẽ cố gắng đạt kế hoạch là hoàn thành để trình Chính phủ trước ngày 15/7 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Dự thảo mới này đã đề xuất bãi bỏ các nội dung về Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất vàng miếng đối với các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.

Cụ thể, doanh nghiệp được NHNN xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đủ 4 điều kiện sau:

Thứ nhất, có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

Thứ hai, có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên;

Thứ ba, không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các kiến nghị có thời hạn thực hiện tại kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

Thứ tư, có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.

Riêng đối với ngân hàng thương mại, điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu phải là 50.000 tỷ đồng.

Theo số liệu từ hồ sơ thẩm định, tính đến cuối quý I/2025, trên thị trường hiện có 38 doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Trong đó, chỉ có ba doanh nghiệp đầu ngành đáp ứng được điều kiện vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên là CTCP Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC); CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Tập đoàn DOJI.

Đối với ngân hàng có 7 ngân hàng thương mại đủ điều kiện có vốn điều lệ trên 50.000 tỷ gồm 4 "ông lớn" Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank và ba ngân hàng cổ phần là MB,VPBank, Techcombank.

Lý giải về nguyên nhân lựa chọn quy định mức vốn điều lệ tối thiểu là 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp; 50.000 tỷ đối với tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng, NHNN cho rằng việc xây dựng điều kiện cấp phép nhằm lựa chọn các tổ chức có đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng để thực hiện sản xuất vàng miếng.

Điều này thực hiện theo đúng kết luận của Tổng Bí thư về việc xóa bỏ thế độc quyền nhà nước về thương hiệu vàng miếng một cách có kiểm soát trên nguyên tắc nhà nước vẫn kiểm soát hoạt động sản xuất vàng miếng.

Theo NHNN, với quy định này, các doanh nghiệp không phân biệt loại hình sở hữu đều có thể được xem xét cấp phép. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại là loại hình doanh nghiệp đặc biệt và thường có quy mô vốn điều lệ cao hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Do đó, quy định điều kiện về vốn đối với ngân hàng thương mại cần phù hợp với đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này và không đặt trong tương quan với điều kiện về vốn đối với các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng.

Doanh nghiệp được cấp hạn mức xuất nhập khẩu vàng miếng hàng năm

Cũng theo dự thảo, NHNN cấp hạn mức hàng năm và giấy phép từng lần cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại để xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng.

Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, NHNN cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng theo quy định.

“Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, dự thảo nêu.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được NHNN xem xét cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm khi đáp ứng đủ các điều kiện.

Với doanh nghiệp FDI có Giấy phép khai thác vàng được NHNN xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được khi vàng nguyên liệu được khai thác ở trong nước.

Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, được cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng.

Cụ thể, tổ chức được cấp phép chỉ được phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu có hàm lượng từ 99,5% trở lên; phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng, hàm lượng của vàng miếng, vàng nguyên liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng, khối lượng, hàm lượng sản phẩm đã nhập khẩu đúng với tiêu chuẩn, khối lượng, hàm lượng đã công bố.

Doanh nghiệp, ngân hàng phải xây dựng và báo cáo NHNN quy định nội bộ về xuất khẩu, nhập khẩu, biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng. Đồng thời, xây dựng quy định nội bộ về việc bán vàng nguyên liệu đảm bảo công khai, minh bạch; công bố công khai thông tin về việc bán vàng nguyên liệu, quyền và nghĩa vụ của khách hàng; lưu trữ đầy đủ, chính xác dữ liệu về xuất khẩu, nhập khẩu, giao dịch mua bán vàng nguyên liệu;...

Việt Phương

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhnn-ly-giai-vi-sao-ngan-hang-co-von-tren-50000-ty-moi-duoc-xem-xet-cap-phep-san-xuat-vang-mieng.html
Zalo