Nhìn nhận cơ hội phát triển kinh tế của các địa phương trong không gian mới
Nỗ lực gỡ vướng hay thúc đẩy sự thuận lợi trong kinh doanh chắc chắn sẽ là một phần lời giải quan trọng cho bài toán phát triển kinh tế của chính quyền các địa phương, song phân bổ nguồn lực hiệu quả vẫn là lời giải trong dài hạn.

Cơ hội từ chính sách đang rất lớn khi hàng loạt quyết sách quan trọng, liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua. Trong ảnh: Sản xuất thấu kính chuyên dụng tại Nhà máy R Technical (Hòa Bình) Ảnh: Đức Thanh
Cơ hội từ chính sách
Các doanh nghiệp không nên bỏ qua thời cơ rất đặc biệt hiện tại. Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhấn mạnh khi nhận được đề nghị bóc tách cơ hội và thách thức của doanh nghiệp.
Giới kinh doanh có nhiều lý do để thấy băn khoăn vào lúc này, với những thay đổi rất lớn trong tổ chức chính quyền địa phương, sự bấp bênh từ thị trường bên ngoài và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi thời hạn tuân thủ nhiều hàng rào kỹ thuật liên quan đến phát triển xanh, bền vững của nhiều thị trường xuất khẩu đã đến.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, cơ hội từ chính sách đang rất lớn và cần được các doanh nghiệp nhận diện rõ. Hàng loạt quyết sách quan trọng, liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua.
“Điểm cần lưu ý là nhiều cơ chế, chính sách có hiệu lực ngay, doanh nghiệp sẽ được hưởng thụ ngay, như các giải pháp về giảm thuế giá trị gia tăng 2%, quy định khấu trừ chi phí bổ sung với hoạt động đầu tư đổi mới, sáng tạo; quy định về sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa với gói thầu dưới 20 tỷ đồng. Hay các luật mới được thông qua, như Luật Đường sắt, Luật Công nghiệp công nghệ số... đều với tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vị đại biểu Quốc hội cũng nhắc đến các nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; các chính sách đặc thù mà Quốc hội đã ban hành dành cho một số địa phương, mới nhất là Hải Phòng... Sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư mới và lớn, như các khu thương mại tự do, các dự án phát triển hạ tầng sẽ được triển khai khắp cả nước...
“Chúng ta phải nhìn nhận, các dự án này sẽ được triển khai với tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân - tinh thần của chính quyền phục vụ, đó là cắt giảm phiền hà, tăng sự bảo vệ, khơi thông nguồn lực. Hơn nữa, đây là lúc các chính quyền địa phương sẽ phải nỗ lực rất lớn, tranh thủ mọi nguồn lực để đạt được kế hoạch tăng trưởng được giao. Doanh nghiệp cần xác định thời cơ này để xác định cơ hội, cũng như đề xuất chính sách phù hợp”, ông Hiếu đề nghị.
Cũng phải nói thêm, trước đó, câu chuyện giữa vị đại biểu Quốc hội và doanh nghiệp có nhiều tranh luận khi doanh nghiệp có rất nhiều đề xuất hỗ trợ, song phần nhiều tản mạn, thiếu cơ sở và đặc biệt là thiếu tính liên kết với các mục tiêu tăng trưởng của ngành, địa phương...

Bài toán chiến lược
Những nỗ lực gỡ vướng hay thúc đẩy sự thuận lợi trong kinh doanh chắc chắn sẽ là một phần lời giải quan trọng cho bài toán tăng trưởng, phát triển mà chính quyền các địa phương đang gánh vác. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, phân bổ nguồn lực hiệu quả vẫn là lời giải dài hạn.
Lấy TP.HCM làm ví dụ. Đây là nơi có số doanh nghiệp đông đảo nhất cả nước, với khoảng 270.000 doanh nghiệp (theo niên giám thống kê năm 2023), cũng là địa phương có số doanh nghiệp/1.000 dân cao nhất cả nước (51 doanh nghiệp so với mức trung bình của cả nước là 10 doanh nghiệp/1.000 dân).
Trong số này, hơn 40% số doanh nghiệp, tức là gần 110.000 doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực thương mại bán buôn, bán lẻ; 30.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (chiếm khoảng 10%). Có gần 9%, tức là hơn 24.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chuyên môn khoa học, công nghệ và nghiên cứu phát triển.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, đầu tư xã hội cho lĩnh vực này quá thấp. “Mức độ tập trung của doanh nghiệp vào một số ít ngành nói trên cao hơn nhiều so với đóng góp của ngành đó vào GRDP của Thành phố. Điều đó có nghĩa, giá trị gia tăng trung bình mỗi doanh nghiệp trong ngành đó tạo ra thấp hơn mức bình quân chung của kinh tế TP.HCM”, ông Cung nói.
Vấn đề là, khi xét riêng đối với từng địa phương trước hợp nhất (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, TP.HCM), điều khá thú vị là gần 40% số doanh nghiệp ở cả 3 địa phương hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; một tỷ lệ khá cao hoạt động trong xây dựng (9-12%). Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp chế biến, chế tạo ở Bình Dương chiếm 28%, cao hơn khá nhiều so với TP.HCM (hơn 13%) và Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 15%). Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dịch vụ, như tài chính - ngân hàng, chuyên môn khoa học - công nghệ, nghiên cứu - phát triển, y tế, giáo dục... ở TP.HCM cao hơn khá nhiều so với ở 2 địa phương...
Đặt hiện trạng này vào định hướng phát triển của TP.HCM, cũng như thể chế, chính sách rất mới hiện tại, ông Cung cho rằng, TP.HCM có dư địa để có ngay lực lượng lớn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, cả về quy mô vốn và năng lực, để cung cấp cho toàn vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tất nhiên có cả khu vực công nghiệp, chế biến, chế tạo tập trung mạnh ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây...
Cái khó là việc thực thi hiệu quả các cơ chế ưu đãi thu hút nhà đầu tư chiến lược, chính sách dịch chuyển các dự án không phù hợp tại các địa bàn.
Chìa khóa có tên doanh nghiệp
Dù có thể có sự chưa nhuần nhuyễn trong giai đoạn đầu của chính quyền địa phương 2 cấp, song dường như đây không phải là lo ngại của doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp sẽ ủng hộ và chia sẻ thực tiễn này. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang mong được thấy rõ hiệu quả của cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương, để không còn tình trạng “lên tivi nhận hỗ trợ” như từng xảy ra”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thẳng thắn.
Đây là lý do các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp dành nhiều thời gian, nguồn lực tham gia phản biện chính sách. Đặc biệt, chưa bao giờ doanh nghiệp lại dành nhiều thời gian để nghiên cứu các nghị quyết của Bộ Chính trị như hiện tại.
Nhưng cũng chính thời điểm này, bà Thủy đề xuất, chính quyền 34 địa phương cần xác định rõ, doanh nghiệp là chìa khóa của bài toán phát triển. Vì nếu không động viên, không nuôi dưỡng doanh nghiệp, thì sẽ không thể có tăng trưởng 2 con số...