Nhiều vó cá đặt trên sông Sài Gòn

Các vó cá được ngư dân dựng lên bằng những cây trụ sắt ống tròn kết nối cây tre thọc sâu xuống đáy sông, sử dụng nhiều dây cáp hoặc dây thừng để chằng giữ trụ và lưới cá.

Ngày 13.4.2024, Báo Tây Ninh có đăng bài “Xuất hiện nhiều vó cá trên sông Sài Gòn”, nêu thực trạng trên sông Sài Gòn, đoạn từ bến đò Cây Khế đổ về hướng tiểu khu 59 rừng phòng hộ Dầu Tiếng (xã Tân Hòa, huyện Tân Châu) hiện có quá nhiều vó cá lấn chiếm không gian dòng sông. Mặc dù trước đó cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra tình trạng này, nhưng đến nay vó cá vẫn hiện hữu tràn lan trên đoạn sông dài nhiều ki-lô-mét.

Vó cá “nuốt chửng” sông Sài Gòn

Theo đó, các vó cá được ngư dân dựng lên bằng những cây trụ sắt ống tròn kết nối cây tre thọc sâu xuống đáy sông, sử dụng nhiều dây cáp hoặc dây thừng để chằng giữ trụ và lưới cá. Mỗi vó cá như vậy chiếm khá nhiều diện tích mặt nước sông. Không gian lòng sông càng bị thu hẹp khi các vó cá được đặt theo kiểu liên hoàn, kéo dài đến hàng trăm mét.

Đáng nói, xung quanh mỗi ngư cụ vó, ngư dân sử dụng các thân cây tre nối dài để chặn thành khung nhằm không cho lục bình và phương tiện đường thủy lưu thông vào khu vực đó.

Với tình hình vó cá đang “nuốt chửng” dòng sông kiểu như vậy đã gây cản trở dòng chảy tự nhiên của sông, cản trở phương tiện giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản hướng thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, phát sinh rác thải sinh hoạt từ trên chòi vó.

Ngư dân đặt vó hàng loạt thành dãy nối dài lấn chiếm không gian mặt nước sông Sài Gòn.

Ngư dân đặt vó hàng loạt thành dãy nối dài lấn chiếm không gian mặt nước sông Sài Gòn.

Liên quan đến tình hình vó cá nêu trên, trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Chi cục) phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan lập đoàn kiểm tra thực trạng sử dụng ngư cụ vó trên sông Sài Gòn, cụ thể là tại đoạn qua khu vực Suối Bà Chiêm và bến đò Cây Khế thuộc hồ Dầu Tiếng (địa bàn giáp ranh giữa huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước).

Thực hiện chỉ đạo trên của Sở, từ ngày 19.3 đến 20.3.2024, Chi cục phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam; Công an các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Châu, UBND xã Tân Hòa đến kiểm tra các khu vực đang đề cập, báo cáo kết quả kiểm tra về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Báo cáo số 253 ngày 26.3.2024 của Chi cục, tại thời điểm kiểm tra, khu vực Suối Bà Chiêm thuộc địa bàn 2 xã Tân Hòa và Tân Thành (huyện Tân Châu) có 53 cái vó đang hoạt động, các chủ vó đa số là người dân địa phương tại 2 xã này. Khi đoàn công tác đến kiểm tra, các chủ vó vắng mặt. Tại khu vực bến đò Cây Khế, đoàn kiểm tra ghi nhận có 85 cái vó đang hoạt động. Trong đó, 40 cái vó thuộc địa bàn huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước; 45 cái vó thuộc địa bàn huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Cận cảnh một kiểu dùng nhiều cây tre kết nối nhau để lập khung chắn phạm vi đặt vó.

Số vó nêu trên đều sử dụng dây cáp, dây thừng giăng chằng chịt, có tình trạng sử dụng vật liệu nổi như thân cây tre, dây thừng bao xung quanh phạm vi vó, gây cản trở hoạt động của các phương tiện đường thủy. Qua kiểm tra sơ bộ, các vó đều sử dụng lưới có kích thước mắt lưới tại bộ phận thu gom thủy sản nhỏ hơn quy định tại Phụ lục II Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản- được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18.1.2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số thông tư trong lĩnh vực thủy sản.

Theo Chi cục, do vó là ngư cụ truyền thống, không nằm trong danh mục ngư cụ cấm sử dụng theo quy định của pháp luật; trong hồ cũng chưa phân luồng, lạch, tuyến giao thông đường thủy. Cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân khi đặt vó phải bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện khác, không sử dụng vật liệu nổi như thân cây tre, dây thừng tạo khung bao xung quanh phạm vi vó. Kích thước mắt lưới vó tại bộ phận thu gom thủy sản phải đúng theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục kiểm tra

Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch số 936/KH-SNN ngày 18.3.2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024. Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực thủy sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; trong đó có việc kiểm tra kích thước mắt lưới vó tại bộ phận thu gom thủy sản.

Theo Kế hoạch số 936/KH-SNN ngày 18.3.2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp tại các thủy vực trên địa bàn tỉnh, trọng điểm là hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông. Công tác kiểm tra được chia làm 3 đợt (21 chuyến). Thời gian thực hiện từ quý I đến quý IV năm 2024, việc kiểm tra phải bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả.

Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân có hoạt động vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ để khai thác thủy sản trên các thủy vực thuộc địa bàn tỉnh, đặc biệt trên sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng. Nội dung kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng; chú trọng các loại hình sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, đăng, dớn (dến hoặc lú), ghe cào, ghe nhũi (te, xiệp), lồng xếp (lợp bát quái, lợp xếp, lờ dây hoặc 12 cửa ngục), ngư cụ kết hợp ánh sáng để khai thác thủy sản.

Đối với thực trạng vó trên sông Sài Gòn thuộc hồ Dầu Tiếng, Chi cục kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam phối hợp các cơ quan liên quan cử cán bộ tham gia kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trong hồ. Khi có người dân chuẩn bị đặt vó trên phạm vi quản lý, Công ty chủ động chỉ định vị trí phù hợp. Đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng vật liệu nổi để bao xung quanh phạm vi vó, sử dụng lưới vó có kích thước mắt lưới tại bộ phận thu gom thủy sản đúng theo quy định của pháp luật.

Ngư cụ cấm lồng xếp đang được ngư dân thả xuống sông Sài Gòn.

Ngư cụ cấm lồng xếp đang được ngư dân thả xuống sông Sài Gòn.

Chi cục kiến nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cử cán bộ tham gia kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản; tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo UBND các xã ven hồ, đặc biệt là các xã Tân Thành, Tân Hòa tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Công an các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra tình hình khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm; xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản. Trong các đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép những nội dung liên quan đến việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong hồ Dầu Tiếng nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, để người dân ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về vấn đề này, góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.

Thực tế, qua quan sát vào ngày 25.6.2024, đoạn từ khu vực bến đò Cây Khế đến Suối Bà Chiêm vẫn còn nhiều ngư cụ vó xuất hiện trên diện tích mặt nước sông Sài Gòn; vẫn còn tình trạng sử dụng các vật liệu nổi như thân cây tre, cây gỗ nhỏ hoặc dây thừng tạo khung khoanh vùng phạm vi đặt vó. Phương tiện đường thủy lưu thông đến những điểm này phải chạy vòng qua để tránh né phạm vi vó đã chiếm chỗ trên mặt sông. Bên cạnh đó, ngư cụ cấm là ghe nhũi, lồng xếp vẫn còn phổ biến trên sông Sài Gòn.

Minh Quốc

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhieu-vo-ca-dat-tren-song-sai-gon-a174825.html
Zalo