Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn xuống cấp nghiêm trọng
Trong những năm qua, huyện Bình Sơn đã có những bước tiến đáng kể trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Những con đường bê tông mới được xây dựng đã mang lại diện mạo khởi sắc cho các làng quê, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của địa phương. Tuy nhiên, sau khi đạt chuẩn NTM, nhiều tuyến đường lại rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì và phát triển các tiêu chí NTM.
Khổ vì đường xuống cấp
Hàng loạt tuyến giao thông nông thôn liên thôn, liên xóm, giao thông nội đồng ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới sau thời gian được đầu tư và đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đơn cử như tuyến đường liên thôn qua thôn An Thành, xã Bình Tân Phú. Được xây dựng từ nhiều năm trước, con đường này từng là niềm tự hào của người dân địa phương vì giúp thay đổi bộ mặt nông thôn thì nay đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, ổ gà và ổ voi. Việc di chuyển trên con đường này không chỉ khó khăn mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Bà Nguyễn Thị Mai, người dân ở thôn An Thành, chia sẻ, đường này được xây dựng từ lâu, được bà con cùng đóng góp công sức để làm. Nhưng bây giờ nhìn lại đường đã xuống cấp quá nhiều, mặt đường đầy ổ gà, ổ voi bà con đi lại rất nguy hiểm nhất là trẻ em với người già. "Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa", bà Mai bộc bạch.
Tuyến đường qua thôn Châu Thuận Tây, xã Bình Châu cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đặc biệt vào mùa mưa, con đường này lại trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Anh Đỗ Tưởng, cư dân địa phương, chia sẻ, mùa nắng thì còn đỡ, nhưng khi mưa lớn nước ngập đường không thoát kịp, có khi còn tràn vào nhà dân. Mặt đường thì chỗ cao, chỗ thấp bà con phải tự mang đất đổ lấp tạm. Trẻ con đi học qua đây trượt té liên tục, rất nguy hiểm.
Không chỉ riêng Bình Tân Phú hay Bình Châu mà nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở các xã nông thôn mới trên địa bàn huyện Bình Sơn cũng cùng chung số phận.
Khi xây dựng nông thôn mới, các tuyến giao thông nông thôn được nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp thêm tiền, ngày công để thực hiện. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng trong thời gian dài nhưng thiếu sự đầu tư sửa chữa và duy tu, bảo dưỡng nên các tuyến đường này nhanh chóng xuống cấp làm cản trở việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân.
Hạ tầng giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự thành công của chương trình NTM. Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp ở các tuyến đường không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện mạo nông thôn mới.
Bao giờ sửa lại?
Các tuyến đường liên thôn, liên xóm, đường nội đồng được xây dựng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống cho người dân ở các xã nông thôn mới nhưng việc khắc phục, sửa chữa hư hỏng lại đang gặp rất nhiều khó khăn do các xã thiếu kinh phí thực hiện. Toàn huyện Bình Sơn hiện có 21 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đều có chung thực trạng này.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú Nguyễn Văn Phúc cho biết, chính quyền địa phương rất hiểu nỗi khổ của người dân và luôn cố gắng tìm kiếm nguồn lực để sửa chữa các tuyến đường. Tuy nhiên, ngân sách của địa phương hiện tại rất hạn chế nên không đủ lực để thực hiện. Xã đã tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ các chương trình đầu tư của nhà nước và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng nhưng việc sửa chữa đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn và một kế hoạch dài hạn nên chưa thể xử lý các tuyến giao thông hư hỏng trong một sớm một chiều.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền thừa nhận thực tế về hạ tầng giao thông nông thôn ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới đang bị hư hỏng, xuống cấp. “Hạ tầng tại các xã nông thôn mới hiện cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, một số tuyến đường xây dựng từ rất lâu, trong quá trình khai thác không được duy tu, sửa chữa nên ngày một hư hỏng nặng thêm. Các tuyến đường giao thông nông thôn này trước đây chủ yếu là nhà nước và nhân dân cùng làm nên không đảm bảo được các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật. Huyện nhận thấy rõ những khó khăn này nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên rất khó để có thể khắc phục ngay đối với các tuyến giao thông nông thôn đang bị hư hỏng, xuống cấp”, ông Hiền lý giải.
Cũng theo ông Hiền, trong giai đoạn mới, khi các xã đang nỗ lực xây dựng để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao thì tiêu chí về giao thông cũng cao hơn so với trước nên huyện cũng đang định hướng để có giải pháp sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn.
“Định hướng thứ nhất là tiếp tục huy động các nguồn lực trong dân để Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhân dân cùng đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để sửa chữa, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn hiện hữu. Hướng thứ 2 mang tính dài hơi hơn là rà soát, lên kế hoạch đầu tư lại các tuyến giao thông này từ nguồn vốn đầu tư công nhưng cái khó vẫn là nguồn vốn. Huyện sẽ tính toán để có giải pháp phù hợp nhất nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đồng bộ, đáp ứng tiêu chí giao thông đối với nông thôn mới nâng cao, đồng thời phục vụ tốt nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Hiền thông tin thêm.