Nhiều trẻ ở TP.HCM nhập viện vì bệnh viêm phổi
Thời tiết giao mùa, chuyển lạnh vào dịp cuối năm khiến nhiều trẻ em tại TP.HCM phải nhập viện vì các bệnh đường hô hấp như bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản...
Chị TNH (32 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) đã chăm con gái 19 tháng tuổi điều trị bệnh viêm phổi tại khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 được một tháng. Trước đó, con gái chị có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đi khám tại bệnh viện địa phương bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh viêm phổi.
Biến chứng viêm phổi hoại tử
"Sau 10 ngày điều trị, thấy con ho nhiều, ho kéo dài và sút cân, tôi quyết định đưa con vào TP.HCM khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Bác sĩ chẩn đoán con tôi bị bệnh viêm phổi diễn tiến nặng dẫn tới viêm phổi hoại tử, tràn dịch phổi, phải nằm phòng cấp cứu” - chị H kể.
Sau hơn 1 tháng điều trị tại đây, hiện sức khỏe con chị H đã ổn định, hết ho, sẽ sớm xuất viện.
Hai vợ chồng anh LDT (ngụ tỉnh Đồng Nai) cùng bồng hai con nhỏ sinh đôi mới được hơn 1 tháng đang chờ làm thủ tục nhập Bệnh viện Nhi đồng 2.
Anh T cho biết mấy hôm nay thời tiết thất thường, hai bé đều khó thở, khò khè, quấy khóc nên vợ chồng anh đưa 2 con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán 2 trẻ bị viêm phổi, phải nhập viện điều trị.
Chị PTN (ngụ tỉnh Bình Dương) cũng đang chờ gọi tên làm thủ tục nhập viện cho con trai 8 tuổi. Chị N cho hay, con chị mắc bệnh viêm phổi một tháng nay.
“Cứ cách 2-3 ngày tôi lại phải đưa con đi tái khám rồi lấy thuốc điều trị ngoại trú. Đến tuần rồi cháu sốt cao không hạ, đến khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2 thì bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị” - chị N chia sẻ.
Bệnh đường hô hấp tăng
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), ca bệnh đường hô hấp có xu hướng tăng. Tháng 9-2024, trẻ điều trị ngoại trú là hơn 42.600 ca, nội trú hơn 2.300 ca. Đến tháng 11, trẻ khám ngoại trú hơn 61.500 ca, nội trú gần 3.000 ca.
Từ ngày 1 đến ngày 12-12, nơi đây tiếp nhận khám gần 22.000 ca ngoại trú, điều trị nội trú gần 1.000 ca.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết khoa đang điều trị khoảng 170-200 trẻ. Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 trẻ nhập viện vì các bệnh liên quan đường hô hấp.
“Vào những tháng cuối năm, thời tiết tại TP và các tỉnh phía Nam bước vào giai đoạn giao mùa. Nhiệt độ hạ thấp hơn bình thường cùng thời tiết thay đổi khiến đường hô hấp của trẻ nhạy cảm hơn. Tỉ lệ mắc bệnh đường hô hấp trên và dưới tại thời điểm này vì thế cũng cao hơn so với những thời điểm khác trong năm” - bác sĩ Phong nói.
Theo bác sĩ Phong, khoa Hô hấp 1 tiếp nhận trẻ nhập viện điều trị thường trong tình trạng có biến chứng đường hô hấp như ho, khó thở do mắc bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen. Cạnh đó, khoa cũng đang điều trị cho một số trẻ có bệnh lý nền, sức đề kháng yếu hơn so với những trẻ khác.
“Trẻ có những triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp như sốt nhẹ, ho, sổ mũi nên được đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám sớm. Tại đây, bác sĩ sẽ có hướng xử lý kịp, thời tránh tình trạng trẻ trở nặng khi vào viện sẽ khó điều trị. Nếu đưa vào trễ có thể xảy ra một số biến chứng như viêm màng phổi” - bác sĩ Phong khuyến cáo.
Để phòng ngừa, bác sĩ Phong lưu ý phụ huynh nên cho con uống đủ nước theo yêu cầu, bổ sung thêm vitamin, trái cây. Cạnh đó, cần chú ý giữ ấm cho trẻ, vệ sinh nơi sinh sống, đồ chơi sạch sẽ. Trẻ khi ra ngoài nơi đông người cần đeo khẩu trang.
Viêm phổi nặng do virus: Không nên quá lo ngại!
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và một số bệnh viện chuyên khoa nhiễm, nhi trên địa bàn TP, thời gian qua đã liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp viêm phổi nhập viện. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) đã tiếp nhận và điều trị ca bệnh cúm A(H5) được chuyển từ tỉnh Long An.
Nhận định về bệnh viêm phổi nặng do virus (SVP), PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Nguyên Trưởng khoa Y tế Công cộng Trường Đại học Y dược TP.HCM, cho rằng đây không phải là virus mới, không nên quá lo ngại.
“Sở Y tế chưa công bố thông tin rõ ràng về loại virus gây bệnh nhưng có thể đây là một loại viêm phổi do virus có khả năng tiến triển nặng. Bệnh này không có nhiều khác biệt so với các bệnh lý viêm phổi khác, ngoài việc có một số trường hợp diễn biến nghiêm trọng hơn” - bác sĩ Dũng nói.
Bác sĩ Dũng cho rằng người dân có thể tự nhận biết mình có nằm trong nhóm nguy cơ cao hay không thông qua các yếu tố phổ biến của bệnh viêm phổi nặng.
Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng là người lớn tuổi (hệ miễn dịch suy yếu theo thời gian); người mắc bệnh lý hô hấp mạn tính như COPD (tăng nguy cơ suy hô hấp khi mắc viêm phổi); người có bệnh tim mạch (viêm phổi có thể kích hoạt các biến chứng về tim, dẫn đến suy tim).
Người mắc bệnh đái tháo đường (do hệ miễn dịch suy yếu, khiến việc phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng gặp khó khăn); người suy giảm miễn dịch (do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh tự miễn, ung thư...) hoặc có rối loạn dinh dưỡng. Bên cạnh đó, trẻ em cũng là nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh lý hô hấp nặng.
Tăng cường phòng chống bệnh viêm phổi
Trước diễn biến phức tạp do bệnh đường hô hấp có chiều hướng tăng, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn khẩn đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn TP khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế.
Cạnh đó, giao các cơ sở y tế tiếp tục phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên người và tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người.
Sở Y tế giao HCDC chủ trì, phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện các hoạt động giám sát trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn TP đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.