Nhiều nước Phương Tây bắt đầu sơ tán nhân viên đại sứ quán khỏi Haiti
Hoa Kỳ và các cơ quan ngoại giao Phương Tây khác đã bắt đầu sơ tán nhân viên khỏi Haiti, khi bạo lực băng đảng ở thủ đô Port-au-Prince của quốc gia Caribe này tiếp tục gia tăng.
Quân đội Hoa Kỳ hôm 10/3 cho biết, họ đã tiến hành một chiến dịch vận chuyển những nhân viên từ đại sứ quán Hoa Kỳ và tăng cường an ninh cho phái đoàn ngoại giao của họ ở thủ đô.
Port-au-Prince đã chứng kiến một làn sóng các cuộc tấn công băng đảng phối hợp chặt chẽ nhằm vào cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan nhà nước, có nguy cơ lật đổ chính phủ và buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã sắp xếp sơ tán qua đêm do “bạo lực băng đảng gia tăng ở khu vực lân cận gần khu đại sứ quán Hoa Kỳ và gần sân bay”, đại sứ quán cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X vào đầu ngày 10/3.
Bộ Tư lệnh miền nam Hoa Kỳ nói, động thái này phù hợp với “thông lệ tiêu chuẩn về tăng cường an ninh cho đại sứ quán trên toàn thế giới”. Không có người Haiti nào trên máy bay quân sự rời đi.
“Đại sứ quán của chúng tôi vẫn tập trung vào việc thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ người dân Haiti”, Bộ Tư lệnh miền nam Hoa Kỳ thông tin trong một tuyên bố hôm 10/3; đồng thời nói rằng việc sơ tán giúp “cho phép các hoạt động của phái đoàn đại sứ quán của chúng tôi tiếp tục”.
Theo người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia, Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt hoạt động này và vẫn “quan ngại sâu sắc” về tình hình.
Theo hai nguồn tin nắm rõ tình hình, các cơ quan đại diện của Đức và Liên minh châu Âu tại Port-au-Prince cũng đã sơ tán các nhân viên ngoại giao, bao gồm cả đại sứ của họ.
Theo nguồn tin, trong số các hành khách trên chuyến bay sơ tán hôm 10/3 có đại sứ Đức Peter Sauer và đại sứ Liên minh châu Âu Stefano Gatto trong một hoạt động do EU dẫn đầu, kéo dài nhiều ngày lập kế hoạch và phối hợp chuyên sâu ở cả hai bên biên giới Dominica-Haiti.
Sân bay quốc tế Haiti bị đóng cửa do mất an ninh và bến cảng container chính do Caribbean Port Services điều hành đã bị tấn công và cướp phá vào ngày 8/3.
Nguồn tin cho biết, không phận Cộng hòa Dominica bị đóng cửa với Haiti, tuy nhiên chính quyền Dominica đã đưa ra một ngoại lệ hiếm hoi là cho phép một trực thăng thương mại nhỏ bay từ lãnh thổ của họ đến Port-au-Prince và quay trở lại, thực hiện ít nhất hai chuyến đi nhanh chóng liên tiếp.
Chuyến đi đã sử dụng đường băng hạ cánh bằng đất tại một căn cứ quân sự ở phía biên giới Dominica, thay vì các bãi đáp trực thăng ở xa hơn Santo Domingo.
Khi những người khác đang tìm cách rời Haiti biết được kế hoạch này, những người tổ chức chuyến đi đã phải từ chối một số yêu cầu tham gia các chuyến bay do kích thước nhỏ của máy bay. Nguồn tin cho biết tổng cộng có khoảng chục người đã được chuyển ra khỏi Haiti.
Quyết định rời đi được thúc đẩy bởi sự leo thang bạo lực ở Port-au-Prince trong những ngày gần đây, với nguồn tin cho biết thông tin tình báo đáng tin cậy đã xuất hiện cho thấy các băng đảng - cho đến nay vẫn tấn công các cơ quan chính phủ và cảnh sát Haiti - có thể tiến về Petionville, một khu vực đồi núi nơi có nhiều khách sạn sang trọng và đại sứ quán.
Việc hàng nghìn tù nhân trốn thoát khỏi nhà tù quốc gia Haiti khiến chính phủ Haiti phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào chủ nhật tuần trước cũng là một yếu tố gây lo ngại cho các phái đoàn ngoại giao phương Tây.
Nguồn tin nhấn mạnh rằng nhiều cơ quan ngoại giao ở Port-au-Prince không có được sức mạnh phòng thủ quân sự.
Ngoài khả năng nguy hiểm, làm việc trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay đã trở nên không thể duy trì được, khi các cửa hàng hết lương thực và chỉ có điện và liên lạc không liên tục.
Một nguồn tin khác am hiểu về hoạt động này nói với CNN rằng, đã có ít nhất 12 chuyến bay sơ tán bằng trực thăng tới Port-au-Prince trong 3 ngày qua, tất cả đều phục vụ cho việc sơ tán nhân viên ngoại giao và nhân đạo. Những chuyến bay đó là chuyến bay thuê bao thương mại, không phải chuyến bay quân sự.