Nhiều người có cơ hội hồi sinh nhờ bảo hiểm y tế

Hướng tới tháng cao điểm thực hiện bảo hiểm y tế năm 2024 và Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7), cùng nhìn lại để thấy rõ hơn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) cùng các cơ quan chức năng TP Hà Nội luôn chú trọng bảo đảm quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh Ảnh: BVCC

Triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh Ảnh: BVCC

Trong cuộc sống, mỗi người cần có điểm tựa an sinh nhất định vào thời điểm không may bị ốm đau, bệnh tật và những năm tháng tuổi già. Tham gia BHYT với mức đóng có hạn, nhưng mức hưởng không giới hạn về số tiền, độ tuổi là cách để mỗi người trang bị tấm thẻ an sinh cho bản thân. Thế nên, các cơ quan chức năng TP Hà Nội đặt mục tiêu đưa đại đa số người dân vào hệ thống BHYT, hướng tới bao phủ BHYT toàn dân.

Kết quả đến nay, Hà Nội có hơn 8 triệu người tham gia chính sách, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 94,3% dân số. Quyền lợi của người tham gia được các bên quan tâm thực hiện. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng TP Hà Nội bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho hơn 6 triệu lượt người.

Phía sau mỗi bệnh nhân BHYT là những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, chia sẻ, thậm chí nhiều người có cơ hội hồi sinh, kéo dài sự sống nhờ Quỹ BHYT chi trả phần lớn viện phí với số tiền vài tỷ đồng mỗi năm...

Không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT sinh sống, học tập, làm việc tại Thủ đô, các cơ quan chức năng TP Hà Nội còn chi trả viện phí cho bệnh nhân chuyển tuyến từ nơi khác đến. Đây là nhóm bệnh nhân mắc những bệnh nặng, điều trị nội trú dài ngày, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao với mức chi lớn. Khi không may mắc trọng bệnh, người tham gia BHYT và gia đình họ có cơ hội vơi nỗi đau, giảm gánh nặng.

Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT Ảnh: Hà Hiền

Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT Ảnh: Hà Hiền

Do đó, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT. Bởi với đặc thù là nơi tập trung đông dân cư, lại có nhiều cơ sở y tế tuyến Trung ương nên khám, chữa bệnh BHYT tại Hà Nội cao hơn so với các địa phương khác. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, số tiền chi khám, chữa bệnh BHYT của TP hơn 11.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023. Thực tế này đặt ra yêu cầu, các cơ quan chức năng TP Hà Nội phải vừa bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, vừa duy trì sự phát triển an toàn, ổn định của nguồn quỹ.

Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ, ngành BHXH và ngành Y tế Thủ đô phối hợp triển khai hiệu quả Luật BHYT; vận hành mạng lưới khám, chữa bệnh BHYT với 700 cơ sở, thông suốt từ tuyến xã, phường, thị trấn đến tuyến Trung ương, bảo đảm người dân có thể đi khám, chữa bệnh ở nơi thuận lợi nhất. Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội, BHXH TP tham mưu UBND TP ban hành một số văn bản chỉ đạo ngành Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT, thực hiện chi khám, chữa bệnh BHYT theo dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài ra, UBND TP tổ chức nhiều buổi làm việc với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thống nhất giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm soát chi khám, chữa bệnh BHYT; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách này.

Hướng tới tháng cao điểm thực hiện BHYT năm 2024, các cơ quan chức năng TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm lan tỏa thông điệp: “Sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”. Thông qua nhiều giải pháp được triển khai, tin rằng, người dân tham gia BHYT ngày càng được thụ hưởng nhiều quyền lợi.

Linh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhieu-nguoi-co-co-hoi-hoi-sinh-nho-bao-hiem-y-te-386350.html
Zalo