Nhiều 'lỗ hổng' trong quản lý hoạt động thương mại điện tử

Ngày 29-11, tại Hà Nội, Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và Luật pháp (STLA) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề 'Giao dịch thương mại điện tử - pháp lý và thực tiễn'.

Phát biểu tại tọa đàm, LS Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng quản lý STLA cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm gần đây đã có sự bùng nổ mạnh mẽ và tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức mua sắm, kinh doanh và giao dịch trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, TMĐT đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Các nền tảng TMĐT đã kết nối hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp, mở ra cơ hội mới nhưng cũng kéo theo không ít thách thức.

Mặc dù TMĐT đang phát triển rất nhanh chóng nhưng sự phát triển đó không phải là không có những vấn đề cần giải quyết. Trong đó, các vấn đề pháp lý luôn là một thách thức lớn, khi hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn một số khoảng trống và bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới.

Trong khi đó, theo ông Kiều Công Thược, Chủ tịch HĐQT VNFUND, nhiều thách thức từ TMĐT đang đặt ra đối với cơ quan quản lý. Đơn cử, đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân, các sàn TMĐT thu thập một lượng lớn dữ liệu người dùng, bao gồm thông tin thanh toán và lịch sử giao dịch. Tuy nhiên, nhiều sàn chưa có hệ thống bảo mật đạt chuẩn, dẫn đến nguy cơ rò rỉ dữ liệu.

Hay như quy định về thuế, đến nay thuế giá trị gia tăng dù đã có quy định cụ thể nhưng chế tài và áp dụng vẫn chưa đồng bộ, nhiều người bán trên các sàn TMĐT là cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ, không đăng ký thuế đầy đủ. Cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc thu thuế từ các giao dịch này, gây nên tranh cãi về trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc thu thuế từ người bán.

Một thách thức khác đặt ra đối với các cơ quan quản lý đó là việc giải quyết khi có tranh chấp hợp đồng xảy ra giữa các bên. Với mô hình TMĐT, thường có ba bên tham gia là sàn TMĐT, người bán và người mua, nhưng khi xảy ra tranh chấp về sản phẩm, rất khó để xác định ai là người chịu trách nhiệm chính.

Theo pháp luật Việt Nam, các sàn TMĐT có trách nhiệm kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm của người bán. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm cụ thể của các sàn này còn mơ hồ, đặc biệt trong trường hợp hàng giả và hàng kém chất lượng.

Theo Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, nguyên Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, giải pháp đặt ra lúc này là cần hoàn thiện khung pháp lý, cập nhật và bổ sung các quy định về trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc kiểm tra, giám sát nội dung và nguồn gốc sản phẩm; sớm ban hành các quy định cụ thể về quản lý giao dịch xuyên biên giới, đặc biệt là các nền tảng quốc tế hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để phát hiện sớm các hành vi gian lận trên sàn TMĐT, tiến tới xây dựng hệ thống cảnh báo tự động về các giao dịch bất thường hoặc các sản phẩm có nguy cơ là hàng giả.

LƯU THỦY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-lo-hong-trong-quan-ly-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-post770685.html
Zalo