Nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa
Nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới khi tâm lý tiêu dùng dần phục hồi, song song với mức tăng trưởng kinh tế cao.

Các hệ thống bán lẻ đưa ra nhiều giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Anh Lê.
Mở rộng quy mô bán lẻ, phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng ngày càng cấp thiết tại thời điểm hiện nay, khi hoạt động sáp nhập địa giới hành chính vừa được triển khai. Kèm với đó là các thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe, chịu áp lực của vòng xoáy thuế quan. Chưa kể mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay đặt mục tiêu vượt 8%, thì thị trường nội địa là điểm tựa để hỗ trợ tăng trưởng.
Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6/2025, ước đạt 570,2 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số này không chỉ phản ánh sức mua đang phục hồi tích cực sau đại dịch, mà còn cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chất lượng và cạnh tranh đa dạng hơn.
Ngày 16/7, Trung tâm thương mại Go! Hưng Yên đã chính thức được khai trương sớm hơn 5 tháng so với tiến độ đăng ký và được chấp thuận. Nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên cả nước, Go! bố trí một khu vực quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi địa phương một sản phẩm) đến từ khắp các địa phương trên cả nước; trong đó, có nhiều sản phẩm có thương hiệu như: Long nhãn, tương bần, hạt sen sấy giòn, mật ong...
Ngoài Go! Hưng Yên, dự kiến Central Retail tiếp tục khai trương Trung tâm thương mại Go! Yên Bái trong quý III năm nay. Hay như AEON cũng có kế hoạch tăng điểm bán hàng lên 100 cho tới năm 2030.
Các DN bán lẻ nội địa cũng không đứng ngoài cuộc. Saigon Co.op dự kiến mở hơn 150 điểm bán mới trong năm nay, nâng tổng số lên gần 1.000 điểm trên toàn quốc. Còn Bách Hóa Xanh đã đạt 2.180 cửa hàng cuối tháng 5, mở trung bình 2 - 3 điểm mỗi ngày trong 5 tháng đầu năm. WinCommerce, dự kiến nâng lên hơn 4.500 cửa hàng vào cuối năm, trong đó 70% tại nông thôn...
Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2025. Thị trường bán lẻ nội địa còn nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực.
Giới chuyên gia khẳng định, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục có sức hút với dân số 100 triệu dân, trong đó, tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Vì vậy, chính sách phù hợp kích cầu tiêu dùng nội địa có ý nghĩa quan trọng. Không chỉ thúc đẩy tiêu dùng mà còn là động lực tăng trưởng sản xuất trong nước, góp phần cho tăng trưởng kinh doanh của DN.