Nhiều dư địa phát triển cây dược liệu quý

Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện A Lưới không chỉ mang lại sinh kế, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), mà còn có ý nghĩa trong việc bảo tồn nguồn gen dược liệu có nguy cơ bị tuyệt chủng trong các tán rừng tự nhiên.

Cây sâm Bố Chính được trồng ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới

Cây sâm Bố Chính được trồng ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới

Nhiều dư địa

Huyện A Lưới là địa phương có địa hình rộng lớn, khí hậu đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển phong phú các loại cây dược liệu. Thời gian qua, đồng bào các DTTS ở A Lưới cũng đã phát huy lợi thế này bằng việc trồng các loại cây dược liệu như sâm Bố Chính, cà gai leo, gừng gió, thiên niên kiện...

Hiện nay, cây dược liệu đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như hiệu quả về kinh tế, có thể cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác, giúp bà con đồng bào các DTTS ở A Lưới tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, để sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) các địa phương cần tận dụng tiềm năng tài nguyên bản địa kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để hình thành các sản phẩm dược liệu chủ lực. Đồng thời, có định hướng phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu gắn với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo thành ngành kinh tế “kết hợp” dựa trên nền tảng “trục văn hóa - cảnh quan - thảo dược”.

Tuy nhiên, hiện việc trồng cây dược liệu trên địa bàn A Lưới vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ trong các hộ dân. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong bảo tồn nguồn gen bản địa, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên khả năng cạnh tranh trên thị trường vẫn còn hạn chế.

Thực hiện kế hoạch phát triển vùng trồng dược liệu giai đoạn 2021 - 2025, huyện A Lưới đã quy hoạch hơn 300ha vùng trồng dược liệu ở các xã A Roàng, Quảng Nhâm, Hồng Bắc. Mô hình này gắn với phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững (dự án 3) trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.

Tích cực triển khai

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, địa phương đang tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển cây dược liệu trên địa bàn và xây dựng cơ sở chế biến, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất cũng như hướng dẫn các xã vận động người dân tham gia thực hiện DA.

Theo đó, UBND huyện đã phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) và các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan DA dược liệu quý, tiến hành khảo sát địa điểm dự kiến triển khai thực hiện DA trên địa bàn huyện với tổng diện tích 305ha, tại 3 xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc và A Roàng. Địa điểm dự kiến xây dựng nhà xưởng sơ, chế biến dược liệu với diện tích 5ha tại thôn Kleng A Bung, xã Quảng Nhâm. Theo đó, UBND huyện A Lưới đang đẩy nhanh tiến độ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực dự kiến xây dựng nhà máy của Công ty TNHH SXTM La San. Đồng thời, chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với UBND xã Quảng Nhâm tiến hành công khai bản đồ chi tiết diện tích đất khu vực dự kiến xây dựng nhà máy của công ty tại thôn Kleng A Bung, xã Quảng Nhâm để các hộ dân liên quan xác nhận thông tin chủ đất và hướng dẫn các hộ dân làm thủ tục cấp GCNQSDĐ.

Huyện cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị “Lựa chọn loài dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện A Lưới”; tập huấn khởi sự kinh doanh thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MT cho cán bộ cấp huyện, xã, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn; tổ chức chuỗi sự kiện thúc đẩy khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền triển khai hướng dẫn, đào tạo, tập huấn quy trình kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong nhân giống, trồng cũng như các công đoạn sơ chế, chế biến dược liệu. UBND huyện đã tổ chức ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH SXTM La San và đang hoàn thiện dự thảo hợp đồng chi tiết. Theo đó, Chi nhánh Công ty TNHH SXTM La San A Lưới đã ký hợp đồng liên kết với 381 hộ/173,62ha đã đăng ký, tham gia thực hiện DA cây dược liệu, trong đó: Xã A Roàng 297 hộ/106ha đã ký hợp đồng liên kết tham gia mô hình trồng dưới tán rừng; xã Quảng Nhâm 59 hộ/53,5ha đã ký hợp đồng liên kết tham gia mô hình công nghiệp và tiểu điền; xã Hồng Bắc 25 hộ/13ha đã ký hợp đồng liên kết tham gia mô hình tiểu điền. Hiện nay, Công ty TNHH SXTM La San đã trồng xong mô hình thí điểm cây gấc tại hộ gia đình ông Nguyễn Hải Teo, xã Quảng Nhâm với diện tích 3ha.

DA Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện A Lưới với kinh phí thực hiện khoảng 224 tỷ đồng từ ngồn vốn sự nghiệp CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MT giai đoạn 2021 - 2030, vốn của chủ trì liên kết và các thành viên tham gia liên kết, vốn tín dụng ưu đãi và các nguồn vốn hợp pháp khác. Huyện A Lưới đề xuất Bộ Y tế, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền hỗ trợ, hướng dẫn UBND huyện A Lưới triển khai, thực hiện DA dược liệu quý về phát triển vùng trồng...

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nhieu-du-dia-phat-trien-cay-duoc-lieu-quy-148646.html
Zalo