Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Ninh

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ phát triển, tăng thu ngân sách địa phương, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ đó bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.

Người dân và du khách thích thú với lễ hội thả diều tại Quảng trường 30/10, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh tư liệu

Người dân và du khách thích thú với lễ hội thả diều tại Quảng trường 30/10, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh tư liệu

Nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh 6 tháng ước tăng 9,02%. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 7,68%, đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 23,05%, cao hơn 10,3% so với cùng kỳ.

Thu hút FDI dự kiến đạt trên 51% kế hoạch năm. Quảng Ninh tiếp tục là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 10,4 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 140% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, song Quảng Ninh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức cao.

Phấn đấu đạt 100% kế hoạch giải ngân năm 2024

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Ninh

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Ninh

Trong công tác chi ngân sách, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung tối đa công tác giải ngân, quyết toán các dự án hoàn thành để phấn đấu đến ngày 30/9/2024 đạt tối thiểu 80% và đến ngày 31/12 hoàn thành 100% kế hoạch vốn. Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Để tạo lập nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững, tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nổi bật là quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”; chuyển từ mô hình tăng trưởng thâm dụng tài nguyên sang thâm dụng vốn và công nghệ; từ việc khai thác nguồn lực đất đai sang khai thác những nguồn lực có tính chất bền vững và dựa trên đổi mới sáng tạo. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đang tích cực xây dựng, hoàn thiện đề án “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030” dựa trên những tiềm năng, lợi thế đã được nhận diện, với 6 hệ giá trị cốt lõi đã được chỉ ra “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Trong đó tập trung thúc đẩy sự phát triển 9 lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh, bao gồm: Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chuyển đổi năng lượng (liên quan đến việc chuyển dịch của lĩnh vực công nghiệp sản xuất điện); phát triển và chuyển đổi ngành công nghiệp khai khoáng; phát triển ngành dịch vụ du lịch; phát triển ngành dịch vụ thương mại; phát triển ngành dịch vụ logistics; phát triển ngành dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển kinh tế biển.

Phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu thu ngân sách 2024

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh ước thực hiện 6 tháng đạt trên 30.700 tỷ đồng, bằng 58% dự toán trung ương giao, bằng 55% dự toán tỉnh giao, tăng 5% so với kịch bản 6 tháng và tăng 6% so với cùng kỳ. Các khoản thu tính vào GRDP là trên 14.500 tỷ đồng, bằng 60% kịch bản đầu năm, tăng 10% so với cùng kỳ.

Thành công trong phát triển từ “nâu” sang “xanh”

Ngày 9/5, tại Thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vinh danh là tỉnh dẫn đầu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên, Quảng Ninh đứng đầu bộ chỉ số danh giá này sau 1 năm chính thức VCCI tổ chức công bố. Trên cơ sở kiên trì thực hiện những định hướng đã xác định, Quảng Ninh đã gặt hái đượcnhững kết quả nổi bật trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giữ vữngsự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội với đà tăng trưởng GRDP cao, ổn định trên hai con số trong 9 năm liên tiếp; tổng thu ngân sách nhànước tăng bình quân gần 10%/năm, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tỉnh Quảng Ninh vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo vùng và là cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Cụ thể, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 6 tháng đạt 9.400 tỷ đồng, bằng 76% dự toán trung ương giao, tăng 19% kịch bản 6 tháng và tăng 21% cùng kỳ; thu nội địa ước thực hiện 6 tháng đạt trên 21.300 tỷ đồng, bằng 52% dự toán trung ương giao, bằng 50% dự toán tỉnh giao, bằng 100% kịch bản 6 tháng.

Đối với tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 6 tháng đạt trên 11.700 tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 6 tháng đạt 5.400 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch vốn, bằng 151% cùng kỳ.

Chặng đường còn lại của năm 2024, Quảng Ninh phải đối mặt với thách thức xen lẫn thời cơ. Để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách, kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gỡ điểm nghẽn trong việc kết nối đồng bộ vào các tuyến, hành lang phát triển, hợp tác xuyên biên giới, thúc đẩy mạnh mẽ hơn kết nối các trục, tuyến hành lang giao thông: Lạng Sơn - Bắc Giang - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh…

Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt mục tiêu tăng trưởng; các ngành công nghiệp như: Than, Điện tiếp tục triển khai giải pháp tăng năng suất; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, thu hút FDI. Bên cạnh đó, tăng cường kích cầu, làm mới các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách đến Quảng Ninh. Cùng với đó, các địa phương tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tỷ lệ đã đặt ra của năm 2024.

Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong thu hút lao động

Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có khoảng 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với trên 500.000 lao động. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, giai đoạn từ 2024-2025, nhu cầu nhân lực của Quảng Ninh tiếp tục tăng mạnh, dự báo là trên 28.000 người, giai đoạn 2026-2030 cần tuyển thêm khoảng 76.000 lao động. Tương ứng mỗi năm tỉnh Quảng Ninh cần thêm gần 14.900 lao động.

Để từng bước giải quyết vấn đề lao động trên, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các hoạt động kết nối, giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Quảng Ninh với các tỉnh, thành phía Bắc và đầu tư hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến hiện đại. Bên cạnh đó, ngay từ những tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp thông qua hội thảo nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc miền núi trên địa bàn, ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp...

Thế An - Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-diem-sang-trong-buc-tranh-kinh-te-tinh-quang-ninh-153317.html
Zalo