Nhiều ca nhập viện nguy kịch do ngộ độc rượu pha methanol và rượu thuốc
Ngày 31-1, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịp tết vừa qua, trung tâm đã cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc rượu rất nguy kịch, trong đó có không ít ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol và ngộ độc rượu ngâm.
Mới đây nhất là 3 trường hợp ở Thái Bình, bị ngộ độc nặng sau bữa tiệc gặp mặt đầu xuân, được đưa tới cấp cứu trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn.
Đặc biệt, trong số này có bệnh nhân M. (49 tuổi) dù đã được cho thở máy nội khí quản, lọc máu, sử dụng thuốc giải độc nhưng hiện vẫn hôn mê. Xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân M. uống có tới 58,6% là chất methanol, là rượu pha cồn công nghiệp.
Các bác sĩ cũng vừa cấp cứu bệnh nhân T. (ở Lào Cai), nhập viện trong tình trạng người tím tái, chảy máu mũi và ho ra máu.
Theo người nhà bệnh nhân, những ngày tết vừa qua, bệnh nhân T. uống nhiều loại rượu ngâm khác nhau và thường xuyên ho ra máu, tím tái chân tay. Gia đình đưa bệnh nhân đi khám gần nhà, được chẩn đoán viêm mũi dị ứng nên mua thuốc chống dị ứng và bổ não cho uống nhưng bệnh vẫn không giảm.
Tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ phải làm xét nghiệm chuyên sâu mới phát hiện bệnh nhân T. bị ngộ độc rượu.
Thống kê của Trung tâm Chống độc, dịp Tết 2023 vừa qua, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 30 trường hợp ngộ độc, trong đó có một số trường hợp ngộ độc rượu cấp tính, hàm lượng rượu trong máu cao gấp nhiều lần cho phép.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, với rượu tinh khiết không ngâm, người khỏe mạnh khi uống quá nhiều cũng có thể gây nguy kịch sức khỏe. Do đó, người dân không nên lạm dụng các loại dược liệu, động vật để ngâm rượu, cũng như không nên uống nhiều các loại rượu ngâm xem như là “thuốc bổ”.
Còn đối với rượu pha cồn công nghiệp methanol, ngộ độc thường diễn biến chậm nên nhiều giờ sau, thậm chí 2 ngày sau, người uống mới có biểu hiện nên việc điều trị rất khó khăn.
“Tốt nhất là gười dân nên hạn chế sử dụng bia, rượu”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên đề nghị.