Nhật ký trong khu cách ly

Hơn 300 công dân đã kết thúc cách ly y tế tại Cơ sở cách ly y tế tập trung - Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Trường Đại học Hùng Vương trong tháng 5 vừa qua, nhưng những câu chuyện về tình người, tình quân - dân nơi đây sẽ còn được kể mãi.

Đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại Cơ sở cách ly, nơi tập trung hơn 300 người thực hiện cách ly y tế với đủ lứa tuổi: Từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ, thậm chí là trẻ sơ sinh.

Sáng sớm, căn phòng của anh T đã đầy ánh nắng. Những chiếc khăn treo khắp các khung cửa. Căn phòng nhỏ có 4 giường thì 2 vợ chồng anh nằm chung 1 giường tầng. Bế trên tay đứa bé mới chỉ hơn 30 ngày tuổi, vợ chồng anh T. cho biết đã thực hiện cách ly được hơn một tuần. Anh bảo thời tiết nắng nóng, chỉ có thể dùng quạt, con anh khó chịu, khóc mãi. “Thương nhất là khi con phải lấy dịch xét nghiệm, mặc dù các bác sĩ lấy rất nhanh nhưng con vẫn khóc nghẹn lại, tôi thương lắm nhưng không biết làm sao”. Vừa nói anh vừa lấy khăn lau mồ hôi trên khuôn mặt đứa trẻ còn đỏ hỏn, đang ăn sữa mẹ.

Có chồng là bệnh nhân mắc COVID-19, chị P.T.T.L và 2 đứa con nhỏ trở thành F1, phải cách ly tập trung. Chị L từng bảo: Mắc bệnh là điều không mong muốn và bản thân chồng chị hay chị đều không biết. Ngay khi công ty chồng chị gọi điện về thông báo, gia đình chị đã tự cách ly tại nhà cho đến khi có quyết định đi cách ly tập trung.

May mắn lớn nhất là cả chị và hai con đều không mắc bệnh.

Anh T hay chị L đều cho rằng trong 21 ngày cách ly, nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ ở đây, chắc chắn rào cản về tâm lý sẽ khiến họ mệt mỏi về tinh thần. Đỉnh điểm như lúc mẹ, con trai và em trai BN3116 khẳng định dương tính với SARS-CoV-2, chúng tôi thật sự lo lắng vì đang cùng khu cách ly. “May mà nhờ các y, bác sĩ và các chiến sĩ động viên hàng ngày là quy trình thực hiện phòng dịch rất nghiêm, nên vợ chồng tôi cảm thấy bớt lo lắng bởi con còn bé quá, sức đề kháng không thể như người lớn!”, anh T tâm sự.

Khác với sự lo lắng của nhiều người khác, chị T.P khiến nhiều người “nể phục” vì thái độ lạc quan của mình. Là một HLV Yoga, chị biến mọi góc nhỏ trong phòng, ngoài ban công nơi không có người - thành nơi dạy yoga online của mình. Không chỉ vậy, chị còn dạy cho một bệnh nhân đang mắc bệnh K tập thở theo giáo trình dạy yoga để nâng cao sức khỏe.

Ở đây, vất vả nhất phải kể đến bộ phận phục vụ. Khi mọi người còn đang ngon giấc thì 3 giờ sáng, các chiến sĩ đã bắt đầu công việc cho đến tận 22 giờ đêm. Hơn 50 chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh được điều động để phục vụ hơn 300 đối tượng, thậm chí là cả những người trở về từ viện K đã có bệnh nền nặng. Do đó, ngoài việc thay đổi thực đơn đa dạng thường xuyên, còn có những suất ăn riêng như: cháo, bún… để “đổi bữa” cho người già, trẻ nhỏ.

Tôi còn nhớ như in câu chuyện về Trung úy Đ.Q.V. Anh nhận nhiệm vụ tại Cơ sở cách ly chỉ sau một ngày con anh nhập viện. Đứa trẻ sinh non mới 32 tuần tuổi bị viêm đường hô hấp, anh nén nỗi đau nhận nhiệm vụ, xa con. Hơn 10 ngày sau, khi con anh chuyển biến nặng, cơ quan mới biết chuyện và cho anh nghỉ. Anh về đưa con đi Hà Nội chạy chữa thì chỉ 4 ngày sau, con anh qua đời. Anh chỉ kịp nhìn mặt con lần cuối.

Đây là đứa con lọt lòng đầu tiên của vợ chồng anh, đứa trước mất khi chưa kịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Khi đồng nghiệp hỏi tại sao anh không từ chối nhiệm vụ? Có thể chuyển cho người khác được cơ mà. Anh bảo rằng: Khi Tổ Quốc cần, lẽ nào tôi lại thoái thác!.

Cuộc chiến với COVID-19 khốc liệt như thế. Có những vất vả có thể nhìn thấy được bằng mắt, nhưng có những nỗi đau, sự hi sinh thầm lặng thì chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim.

Thật khó có thể diễn tả hết được những cung bậc cảm xúc mà các trường hợp cách ly sau khi trở về nhà dành tặng các chiến sĩ bộ đội. Chứng kiến tận mắt, chúng ta càng cảm phục tinh thần dấn thân, cống hiến hết sức mình của đội ngũ quân nhân. Tháng 6 này, cơ sở tiếp tục đón thêm 200 công dân trở về từ Bắc Giang thực hiện cách ly y tế tập trung, và câu chuyện về tình quân - dân nơi đây, sẽ còn được viết tiếp.

Bảo Khánh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202106/nhat-ky-trong-khu-cach-ly-177818
Zalo