Nhật Bản: Tranh cãi về tăng học phí
Các trường đại học Nhật Bản 'rục rịch' tăng học phí đối với sinh viên trong nước...
Việc tăng học phí nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của lĩnh vực giáo dục và quốc gia trên trường quốc tế. Tuy nhiên, kế hoạch trên vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Chia sẻ với nhà trường
Tại cuộc họp của Hội đồng Giáo dục Trung ương Nhật Bản hồi tháng 5, Hiệu trưởng Trường Đại học Tư thục Keio, ông Kohei Itoh, đã đề nghị tăng học phí tiêu chuẩn của các trường đại học quốc gia từ 3.400 USD lên 9.600 USD. Ông đánh giá học phí của các trường công lập rẻ hơn so với các trường tư.
Ở thời điểm này, chi tiêu công của Nhật Bản cho giáo dục vẫn thấp hơn nhiều quốc gia phát triển. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi tiêu cho giáo dục đại học tại Nhật Bản bằng một nửa mức trung bình của 38 quốc gia thành viên, xếp thứ 3 từ dưới lên.
Theo lập luận của chuyên gia này, dân số 18 tuổi tại Nhật Bản sẽ giảm hơn 20% từ năm 2040 so với hiện nay nên nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng ít đi. Trong khi đó, đất nước cần trình độ công nghệ thông tin tiên tiến, kỹ năng ngôn ngữ để làm chủ thời đại trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Itoh lo ngại nếu lĩnh vực giáo dục đại học không được cải tổ, Nhật Bản sẽ giảm khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, các trường đại học cần thay đổi để tạo nên một nền giáo dục chất lượng cao. Và để làm được điều đó, họ sẽ cần rất nhiều tiền.
Quan điểm của ông Itoh là sinh viên nên chia sẻ một phần chi phí nhất định với các trường đại học trong bối cảnh lạm phát và trong tương lai là mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, với thu nhập trì trệ và giá cả tiếp tục leo thang, chi phí giáo dục đang là gánh nặng lớn với nhiều gia đình.
Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học phí trung bình hằng năm của các trường đại học quốc gia và đại học công lập tại Nhật Bản cao thứ 5 trong 35 quốc gia thành viên.
Anh đứng đầu danh sách với mức học phí hơn 12 nghìn USD, Mỹ hơn 9 nghìn USD, Hàn Quốc gần 5 nghìn USD, theo sau là Pháp với 230 USD. Ở một số quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển, giáo dục đại học là miễn phí.
Tuy mức học phí chưa phải đắt đỏ, 51% hộ gia đình Nhật Bản phải chịu gánh nặng giáo dục đại học, theo sau là khu vực công 36% và khu vực tư nhân 13%. Con số này cao hơn gần 30 điểm phần trăm so mức trung bình 22% của các quốc gia thành viên OECD.
Còn chi tiêu công của Nhật Bản cho giáo dục đại học là 0,5% GDP, mức thấp nhất trong số các quốc gia thành viên G7 (7 quốc gia có nền kinh tế phát triển tiêu biểu, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada).
Rào cản với sinh viên vùng khó
Trong bối cảnh trên, Đại học Tokyo, trường tốp đầu tại Nhật Bản, đang cân nhắc tăng học phí thêm 640 USD/năm so với tiêu chuẩn hiện nay. Cụ thể, chương trình đại học và thạc sĩ có chi phí là 3.410 USD còn chương trình tiến sĩ là 4.090 USD mỗi năm. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có kế hoạch cải thiện hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Hiện nay, sinh viên đến từ gia đình có thu nhập dưới 25 nghìn USD/năm đủ điều kiện được miễn hoàn toàn học phí. Nhưng theo kế hoạch mới, điều kiện thu nhập gia đình sẽ nâng lên thành 38 nghìn USD. Sinh viên đến từ gia đình có thu nhập dưới 57.250 USD sẽ được miễn một phần học phí, tùy thuộc vào chương trình học.
Nếu được thông qua, quy định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2025, 20 năm kể từ lần cuối cùng nhà trường thay đổi học phí. Trước thay đổi trên, sinh viên Đại học Tokyo đã tổ chức phản đối, kêu gọi nhà trường thay đổi kế hoạch.
Một sinh viên năm ba tại Đại học Tokyo, là trưởng nhóm hỗ trợ học sinh trung học nông thôn học lên đại học, đã tham gia phản đối. Nữ sinh nhận định việc Đại học Tokyo tăng học phí sẽ khiến sinh viên đến từ vùng nông thôn phải cân nhắc lại lựa chọn vì họ vốn đã gặp khó khăn về tài chính. Từ đó, trường đại học sẽ được cho là chỉ dành cho những người giàu có.
Lấy bản thân làm ví dụ, nữ sinh cho biết gia đình không đủ khả năng trả học phí đại học nên ngay từ năm nhất, cô đã đi làm thêm để trả tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt. Hiện tại, cô làm thêm 3 công việc bán thời gian bên cạnh việc học.
Song song, nữ sinh vẫn nhận được trợ cấp từ các doanh nghiệp dành cho sinh viên nghèo vượt khó. Tuy nhiên, lạm phát ngày một tăng nên ngay từ bây giờ, khi trường đại học chưa tăng học phí, cô đã phải thắt chặt chi tiêu. Thay vì mua sách giáo trình, nữ sinh tìm cách mượn của anh chị khóa trên.
Vì vậy, nếu thật sự tăng học phí, nhà trường cũng cần chuẩn bị một nguồn học bổng dồi dào dành cho sinh viên khó khăn. Ngoài ra, nhà trường cũng cần thông tin rõ ràng về việc tiền tăng học phí sẽ được sử dụng cho những mục đích nào và sinh viên sẽ được hưởng lợi ích gì từ nguồn tăng này.
Muốn giữ chân sinh viên
Trong khi một số trường còn cân nhắc, số khác chưa có ý định tăng học phí vì nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là lo ngại không thể “giữ chân” sinh viên.
Đại học Ehime là trường đại học duy nhất tại thành phố Matsuyama với khoảng 8 nghìn sinh viên theo học. 40% trong số đó là người địa phương. Theo trường đại học, trợ cấp chi phí hoạt động, chiếm một nửa ngân sách của trường, đã giảm khoảng 2,2 tỷ yên, tương đương 17% so với 20 năm trước. Hiện nay, trường đang đối mặt với khó khăn do chi phí tiện ích và lương nhân viên vì lạm phát.
Để giải quyết bài toán trên, nhà trường đã tăng thu nhập bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp địa phương. Ví dụ, đăng tin quảng cáo, tuyển dụng của các doanh nghiệp trong căng tin, thu phí từ các công ty liên doanh sử dụng công nghệ và cơ sở vật chất của trường.
Nhà trường cũng kêu gọi quyên góp từ 700 công ty trong thành phố nhưng vẫn không đủ để trang trải chi phí hoạt động. Dù vậy, ông Nishina Hiroshige - Hiệu trưởng Đại học Ehime cho biết nhà trường không có kế hoạch tăng học phí. “Nếu chúng tôi tăng học phí, nhiều sinh viên sẽ chuyển sang học tại các trường ngoài địa phương, làm trầm trọng hơn vấn đề di cư”, ông nói.
Nằm trong cuộc tranh luận này vẫn có một số trường đại học đã “mạnh tay” tăng học phí và tìm cách tối ưu nhất để hỗ trợ sinh viên.
Học viện Công nghệ Tokyo đã tăng học phí gần 100 nghìn yên từ 535,8 nghìn lên 635,4 nghìn yên vào năm 2019. Trước đó, trường đã tìm nhiều cách để gây dựng nguồn tài trợ bên ngoài thông qua hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, nhà trường vẫn quyết định tăng học phí để cải thiện hơn nữa môi trường và chất lượng đào tạo.
Trường chi 900 triệu yên từ tiền tăng học phí để đầu tư cho ngân sách giáo dục. Ngoài ra, nhà trường đã mở thêm các lớp học, giảm quy mô cho một lớp để sinh viên học theo lớp nhỏ, dễ dàng thảo luận với thầy cô. Trường cũng cải tạo thư viện, lớp tự học và thuê thêm giảng viên nước ngoài.
Cùng với việc tăng học phí, Học viện Công nghệ Tokyo cung cấp hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với nguồn đóng góp của các công ty, doanh nghiệp tư nhân, số người được tài trợ đã tăng lên 20 lần. Sinh viên nông thôn xuất phát từ gia đình có bố mẹ không tốt nghiệp đại học được miễn giảm học phí và nhận tư vấn miễn phí từ thầy cô ban cố vấn.
Một nghiên cứu sinh thạc sĩ đang theo học tại Học viện Công nghệ Tokyo cho biết anh đang được hưởng chính sách giảm học phí của trường. Người này nhận xét việc tăng học phí là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh phía trường đại học đầu tư vào nghiên cứu tăng cao. Tuy nhiên, nhờ các chính sách hỗ trợ của trường, anh vẫn có thể duy trì việc học tập.
Bài toán khó của các nước
Việc tăng học phí chưa bao giờ là dễ dàng ngay cả với sinh viên quốc tế tại Nhật Bản hay tại các quốc gia khác. Hồi tháng 9, Đại học Nghệ thuật Musashino, Nhật Bản, thông báo tăng học phí đối với sinh viên quốc tế từ năm 2025. Khoản học phí tăng thêm trị giá 2,5 nghìn USD trong khi trước đó, học phí quốc tế và trong nước ngang bằng nhau.
Chính sách mới của Đại học Musashino đã vấp phải sự phản đối của nhiều sinh viên quốc tế trong và ngoài nhà trường. Họ lập luận rằng việc tăng học phí sẽ ra gây khó khăn tài chính. Hiện nay, sinh viên quốc tế tại Nhật Bản được làm thêm tối đa 28 tiếng mỗi tuần nhưng mức lương không đủ trang trải học phí.
Chưa kể đến, nhiều sinh viên lựa chọn du học Nhật Bản vì mức học phí phải chăng, chất lượng đào tạo tốt nếu so với các quốc gia khác như Anh, Mỹ, Australia. Mức học phí tại các trường tư thục Nhật Bản hiện nay là 950 nghìn yên mỗi năm, thấp hơn so với các trường Mỹ. Nếu các trường đại học đồng loạt tăng học phí, mức thu mới chưa cao bằng các trường đại học Mỹ nhưng có thể sẽ “nhỉnh hơn” các trường trong khu vực.
Điều này gây nên lo ngại sinh viên quốc tế sẽ chuyển hướng học tập ở những quốc gia có chi phí rẻ hơn, từ đó, Nhật Bản sẽ khó đạt mục tiêu tiếp nhận 400 nghìn sinh viên quốc tế vào năm 2033.
Còn trên thế giới, hồi tháng 10, nhiều trường đại học Anh đã đề xuất tăng học phí đối với sinh viên trong nước nhằm tăng ngân sách hoạt động. Sau dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine, lạm phát ở Anh luôn ở mức cao còn chính phủ cắt giảm ngân sách cho giáo dục đại học khiến các trường “lao đao”.
Hiện nay, Chính phủ Anh chi trả 16% chi phí giáo dục đại học. Con số này nằm trong nhóm hỗ trợ thấp nhất trong số các nước phát triển. Trước khi tính đến phương án tăng học phí sinh viên trong nước, Anh đã tăng học phí quốc tế, cắt giảm nhân sự quy mô lớn nhưng hai phương án trên không khả thi. Chưa kể, nó làm giảm sức hút của Anh trong lĩnh vực giáo dục quốc tế.
Nhìn chung, tăng học phí giáo dục đại học là vấn đề của các quốc gia muốn nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng cạnh tranh toàn cầu. Đây sẽ là vấn đề của khu vực công và tư nhân, thay vì là gánh nặng đặt lên vai các hộ gia đình.
Chúng tôi đang rơi vào thời điểm vô cùng khó khăn vì chi phí nhân sự tăng cao và hóa đơn tiền điện lên tới hàng trăm triệu yên. Chúng tôi đã nỗ lực cắt giảm chi tiêu và tăng thu nhập nhưng khó có thể huy động số tiền lớn như ở Tokyo do các công ty lớn đều đặt trụ sở tại đây. Ông NISHINA HIROSHIGE (Hiệu trưởng Đại học Ehime)
Theo NHK, TG