Nhật Bản tổ chức bầu cử Thượng viện
Ngày 20-7, Nhật Bản bước vào cuộc bầu cử Thượng viện được đánh giá là 'phép thử' quyết định đối với tương lai chính trị của Thủ tướng Shigeru Ishiba, trong bối cảnh ông đang phải điều hành một chính phủ thiểu số sau thất bại tại cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 10 năm ngoái.
Theo quy định của Hiến pháp Nhật Bản, cứ 3 năm một lần, nước này sẽ tiến hành bầu lại một nửa trong tổng số 248 ghế Thượng viện. Trong cuộc bầu cử lần này, người dân sẽ bầu chọn 125 ghế, bao gồm 74 ghế bầu trực tiếp tại các khu vực bầu cử, 50 ghế theo hình thức đại diện tỷ lệ và 1 ghế bổ sung tại khu vực Tokyo.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ishiba, bao gồm Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công Minh, hiện nắm giữ 75 ghế không thuộc diện bầu cử lần này. Để duy trì thế đa số tại Thượng viện, liên minh cần giành thêm ít nhất 50 ghế trong đợt bầu cử này.

Một ứng cử viên tiếp xúc với cử tri trong một cuộc vận động tranh cử nước rút trước thềm bầu cử.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy triển vọng không mấy khả quan cho liên minh cầm quyền. Người dân Nhật Bản đang bày tỏ sự không hài lòng trước tình trạng giá cả leo thang, đặc biệt là giá gạo. Bê bối tài chính của Đảng LDP cùng với việc đàm phán thương mại với Mỹ chưa đạt được tiến triển cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của chính phủ.
Đáng chú ý, Đảng dân túy cánh hữu Sanseito đang có dấu hiệu gia tăng ảnh hưởng, với dự báo có thể giành được hơn 10 ghế, tăng mạnh so với con số 2 ghế hiện tại. Đảng này chủ trương thắt chặt quy định về nhập cư, phản đối chủ nghĩa toàn cầu hóa và các chính sách về giới tính “cấp tiến”.
Kết quả bầu cử dự kiến sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 21-7. Trong trường hợp liên minh cầm quyền thất bại trong việc giành đa số ghế thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến 2, Nhật Bản có một chính phủ thiểu số ở cả Thượng viện và Hạ viện.