Nhật Bản đẩy mạnh xúc tiến thu hút khách du lịch Việt Nam
Ngày 2/7, tại Hà Nội, Văn phòng Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tổ chức 'Hội thảo và Kết nối kinh doanh thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản năm 2025', mở ra nhiều triển vọng thúc đẩy trao đổi khách hai chiều Việt Nam-Nhật Bản.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị, công ty du lịch đến từ hai quốc gia.
Sự kiện thu hút sự tham gia của 25 đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch đến từ và 31 công ty lữ hành của Việt Nam. Đây là dịp để các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý du lịch hai nước cùng gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ thông tin thị trường, củng cố và khởi tạo các mối quan hệ hợp tác cụ thể, thiết thực và hiệu quả, đặc biệt trên lĩnh vực du lịch.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Matsumoto Fumi, Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam cho biết: Năm 2024, số lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt hơn 621.100 lượt, tăng 8,2% so với năm trước, vượt qua kỷ lục của năm 2023. Năm nay, xu hướng tích cực vẫn tiếp nối, với tổng số lượt khách từ tháng 1 đến tháng 5/2025 đạt 311.700 người, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Thành tựu này có được chính là nhờ vào những nỗ lực không ngừng của các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch của cả Việt Nam và Nhật Bản”, bà Matsumoto Fumi khẳng định.

Bà Matsumoto Fumi, Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam phát biểu.
Tuy nhiên, theo Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam, hiện nay, vẫn có tới 80% du khách Việt Nam chưa từng đến Nhật Bản. Hơn nữa, các sản phẩm du lịch Nhật Bản vẫn chủ yếu tập trung vào “cung đường vàng”, thời gian du lịch cũng chỉ tập trung vào mùa hoa anh đào (tháng 3-4) và mùa lá đỏ (tháng 10-11).
Do đó, tình trạng quá tải du lịch đang dần trở thành mối lo ngại tại một số khu vực đô thị lớn và các điểm tham quan nổi tiếng. Trong bối cảnh đó, nhu cầu từ các công ty du lịch về những hành trình tour mới cũng như các điểm đến khác khi du lịch Nhật Bản ngày càng gia tăng.
Đó cũng là lý do tại Hội thảo, một loạt điểm đến mới của Nhật Bản đã được đại diện JNTO tập trung giới thiệu, như: Tottori với Bảo tàng cát đầu tiên trên thế giới, núi Daisen – một trong 3 ngọn núi vĩ đại nhất Nhật Bản… ; hay Okayama với khu phố lịch sử Kurashiki Bikan, “tòa thành trên không” Bitchu Matsuyama…; Shimane với Thành cổ Masue, vườn Yuushien ngập tràn mẫu đơn và nhân sâm…
Tham dự sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy khẳng định, du lịch là một trong những lĩnh vực tiên phong trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đóng vai trò cầu nối văn hóa, cảm xúc và con người giữa hai dân tộc. Năm 2024, Việt Nam đã đón gần 700.000 lượt khách Nhật Bản. 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón hơn 340.000 lượt khách Nhật Bản, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy phát biểu.
“Không chỉ là thị trường gửi khách, Nhật Bản còn là đối tác chiến lược trong phát triển du lịch bền vững. Những dự án hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, bảo tồn di sản và ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý điểm đến đang được triển khai giữa hai bên, mở ra hướng đi mới mang tính chiều sâu và lâu dài”, ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam bày tỏ tin tưởng, với sự tương đồng văn hóa Á Đông cùng nền tảng hợp tác tốt đẹp và sự đồng hành chặt chẽ của ngành du lịch hai nước, dòng chảy du lịch song phương Việt-Nhật sẽ tiếp tục bùng nổ, đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế-du lịch hậu Covid-19 và mở rộng không gian phát triển bền vững trong tương lai.
Trong vai trò cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong phát triển sản phẩm du lịch mới, tăng cường quảng bá, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, và tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Chia sẻ thêm về kỳ vọng tăng trưởng trao đổi khách giữa hai nước, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ishikawa Isamu cho biết: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đặt mục tiêu nâng tổng số lượng khách đi lại giữa hai nước lên 2 triệu người vào năm 2030. Ông cũng đề xuất các doanh nghiệp, du khách Việt Nam nên khám phá Nhật Bản nhiều lần tại nhiều địa phương, bởi vào mỗi mùa trong năm, các địa phương đều sẽ có những tài nguyên du lịch tuyệt đẹp để thu hút du khách.
Để thu hút khách Việt Nam đến Nhật Bản, trong năm 2025, JNTO xác định rõ 3 định hướng trong chiến lược xúc tiến du lịch tại thị trường Việt Nam, bao gồm: thúc đẩy du lịch tham quan nhiều điểm và lưu trú tại địa phương; kích cầu du lịch mùa thấp điểm, tranh thủ sức hút từ Triển lãm Thế giới Osaka-Kansai 2025.
Đồng thời, JNTO cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, như: Hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo cho các hoạt động xúc tiến, chiến dịch bán vé trên các đường bay Việt Nam-Nhật Bản đủ điều kiện; hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo cho các hoạt động xúc tiến bán tour du lịch Nhật Bản đáp ứng đủ điều kiện; hỗ trợ các đoàn khách du lịch khen thưởng…