Nhân rộng mô hình trồng hoa, cây cảnh ở Hà Nội

Hoa, cây cảnh là loại cây trồng chủ lực của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong quá trình tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. So với nhiều cây trồng khác, mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao, diện tích trồng không quá lớn, phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp tại đô thị, đang được nhân rộng tại các địa phương.

Chăm sóc hoa giấy tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Quang Thái

Chăm sóc hoa giấy tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Quang Thái

Những mô hình điểm

Với quỹ đất nhỏ, hẹp, anh Ngô Minh Trưởng, xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) đã chủ động phá bỏ ruộng rau màu và xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới để phát triển mô hình trồng hoa lan hồ điệp. Mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao được anh Ngô Minh Trưởng triển khai từ năm 2019 với diện tích 1.500m2, quy mô 45.000 cây. Lan được trồng trong nhà kính, có hệ thống quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng..., với tổng kinh phí 6 tỷ đồng. Năm 2019, vụ lan đầu tiên anh Trưởng trồng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bán ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán, thu 3,6 tỷ đồng. Hiện nay, anh Trưởng tiếp tục mở rộng diện tích nhà lưới lên 2.500m2, trồng gần 80.000 cây lan hồ điệp, dự kiến năm nay thu về 5-6 tỷ đồng từ vườn lan này.

Tương tự, mô hình trồng quất bonsai của gia đình ông Trương Ngọc Xuân (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Trương Ngọc Xuân cho rằng, tạo ra các cây quất trên gốc thân cây cần thăng với những thế quất ý nghĩa là hướng đi mới cho quất Thủ đô. Quất bonsai có giá bán từ 3 triệu đồng đến vài chục triệu đồng/cây.

Một ví dụ khác phải nhắc đến là mô hình phát triển cây hoa giấy tại Gia Lâm. Trong đó, điển hình là xã Phù Đổng được hai dòng sông lớn là sông Hồng và sông Đuống quanh năm bồi đắp phù sa, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp với các làng nghề nổi tiếng, như: Làng nghề trồng hoa, cây cảnh thôn Phù Đổng; làng trồng rau, củ, quả thôn Đổng Viên… Riêng nghề trồng hoa giấy Phù Đổng đã hình thành cách đây hơn 20 năm, ban đầu chỉ có vài hộ làm, đến nay, toàn xã có khoảng 450 hộ trồng hoa giấy cảnh.

UBND huyện Gia Lâm vừa khai mạc Lễ hội cây cảnh hoa giấy xã Phù Đổng năm 2024, với chủ đề: “Sắc hoa trên miền di sản”. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Viết Cường cho biết, giá trị sản xuất bình quân 1ha hoa giấy đạt hơn 900 triệu đồng/năm. Năm 2023, Phù Đổng đã có sản phẩm hoa giấy bonsai và hoa giấy ngũ sắc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 8.000ha hoa, cây cảnh; trong đó, 70% diện tích được trồng tập trung ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng. Nhiều mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm. Ngoài ra, Hà Nội có 61 cơ sở ứng dụng công nghệ cao hoặc sản phẩm công nghệ cao trong quy trình sản xuất hoa, với tổng diện tích 122,5ha; khoảng 77,3ha trồng hoa trong nhà màng, nhà lưới.

Lựa chọn sản phẩm chủ lực trong định hướng phát triển

Trên thực tế, hoa, cây cảnh được Hà Nội tập trung phát triển từ những năm 2012. Cụ thể, từ năm 2012, Hà Nội đã triển khai Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố giai đoạn 2012-2016. Việc thực hiện đề án đã giúp Hà Nội hình thành nhiều vùng trồng hoa, cây cảnh, góp phần tạo giá trị gia tăng lớn cho ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, việc phát triển các mô hình hoa, cây cảnh còn nhỏ lẻ, nặng về mô hình điểm, chưa quy hoạch vùng bài bản và ứng dụng công nghệ chưa cao. Đặc biệt, số làng nghề hoa, cây cảnh được công nhận là điểm du lịch còn khiêm tốn và chưa phát huy được nguồn lực vốn có.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho rằng, với đặc thù riêng của nông nghiệp Thủ đô, Hà Nội lựa chọn phát triển hoa, cây cảnh là hướng đi đúng và trúng. Các mô hình này đạt được cả 3 yếu tố: Tạo không gian xanh, sinh thái; bảo vệ môi trường; giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, Hà Nội cần tính toán kỹ hơn các vùng trồng hoa, cây cảnh để tạo các chuỗi mang tính liên kết, kết nối. Hơn nữa, các mô hình trồng hoa, cây cảnh cần đầu tư kho lạnh, bảo quản và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để thúc đẩy mô hình này, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Thành phố sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học để lựa chọn sản phẩm chủ lực trong định hướng phát triển hoa, cây cảnh.

Về quy hoạch và các loại hoa, cây cảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay, Hà Nội quy hoạch toàn bộ vùng đất bãi ven sông - nơi có khí hậu và đồng đất phù hợp để phát triển hoa, cây cảnh. Đồng thời, chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các làng nghề hoa, cây cảnh vốn có đưa vào các giống hoa, cây cảnh mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với lợi thế về thị trường, công nghệ, Hà Nội hoàn toàn có thể kỳ vọng tới xuất khẩu mặt hàng này.

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhan-rong-mo-hinh-trong-hoa-cay-canh-o-ha-noi-685108.html
Zalo