Nhan nhản hành vi dùng điện thoại khi lái xe

Mặc dù pháp luật đã có những chế tài nghiêm, nâng mức phạt, thế nhưng, người vi phạm về nghe điện thoại khi lái xe vẫn nhan nhản, bất chấp luật. Ðây là hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vì cho rằng không thể bị phát hiện và xử lý kịp thời, nên một bộ phận người khi tham gia giao thông vẫn cứ vi phạm.

Hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe bị xử phạt rất ít so với vi phạm thực tế, bởi đây là hành vi phải được kiểm tra quả tang mới có thể xử lý vi phạm. Cũng chính vì thế, khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng, hầu hết người vi phạm đều dùng mọi cách để né tránh.

Vừa điều khiển xe ô tô tham gia giao thông, vừa sử dụng điện thoại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. (Ảnh minh họa)

Vừa điều khiển xe ô tô tham gia giao thông, vừa sử dụng điện thoại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. (Ảnh minh họa)

Trung tá Nguyễn Minh Mẫn, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an TP Cà Mau, cho biết: “Mặc dù lực lượng làm nhiệm vụ của Ðội đã thường xuyên ra quân tuần tra, kiểm soát đối với lỗi vi phạm này, nhưng đây là lỗi mà người vi phạm rất dễ né tránh, khi phát hiện có lực lượng chức năng là họ cất máy ngay. Thường cũng chỉ phát hiện đối với các vi phạm của người điều khiển xe mô tô, còn đối với người điều khiển xe ô tô càng khó xử lý hơn. Nhưng không vì thế mà chúng tôi không có biện pháp để ngăn ngừa, xử lý. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra, xử lý đối với lỗi này, vừa xử lý, vừa tuyên truyền, để người tham gia giao thông nhận thấy được tác hại, nguy cơ tiềm ẩn của lỗi này, tự giác chấp hành”.

Thực tế cho thấy, tình trạng người sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn không có chiều hướng giảm, nhất là hiện nay, khi các loại hình xe công nghệ, đội ngũ giao hàng (shipper) đang có xu hướng phát triển nhiều hơn so với trước. Ðây là nhóm người thường xuyên giao dịch với khách hàng bằng điện thoại, thế nên, nhiều người làm nghề này vẫn thường tranh thủ thời gian vừa di chuyển, vừa liên hệ với khách hàng qua điện thoại.

Anh H.Q.T, một shipper tại khu vực Phường 9, TP Cà Mau, cho biết: “Giao hơn trăm đơn hàng, mỗi lần liên hệ với khách hàng phải dừng lại nghe điện thoại thì sẽ mất nhiều thời gian. Cho nên, dù biết là vi phạm, nhưng cũng ráng nhìn trước, nhìn sau rồi chạy cho kịp, nếu gặp lực lượng giao thông phát hiện xử lý thì cũng chịu thôi”.

Ðây cũng là biện minh của nhiều người hành nghề này, cũng như của nhiều người có hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh.

Mỗi người đều có một lý do để biện minh cho hành vi vi phạm của mình, thế nhưng, hệ lụy khôn lường của việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông thật khó lường. Nhiều người vẫn chủ quan khi cho rằng có thể kiểm soát được phương tiện, lái xe an toàn khi vừa lái xe, vừa vô tư nghe điện thoại trên đường.

Tình trạng người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến trên các tuyến đường địa bàn TP Cà Mau.

Tình trạng người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến trên các tuyến đường địa bàn TP Cà Mau.

Thực tế đã có không ít vụ va chạm, tai nạn xảy ra do người điều khiển phương tiện bất cẩn, thiếu quan sát, do sử dụng điện thoại khi lái xe.

Mặc dù quy định, chế tài đã có và rất nghiêm, nhưng những hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông diễn ra phổ biến, người dùng vẫn bất chấp luật.

Ðể ngăn ngừa được nguy cơ tiềm ẩn từ việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của ngành chức năng. Cùng với đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng dần ý thức tự giác chấp hành luật của người tham gia giao thông.

Hành vi vừa điều khiển phương tiện, vừa sử dụng điện thoại mà gây tai nạn, làm thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm (theo quy định tại Ðiều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 123/2021/NÐ-CP của Chính phủ, việc xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, mức phạt đối với xe ô tô là từ 2-3 triệu đồng, đối với xe mô tô là từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng; từ 2-4 tháng đối với hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.

Lê Chí - Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhan-nhan-hanh-vi-dung-dien-thoai-khi-lai-xe-a33268.html
Zalo