Nhân đôi điểm Ngữ văn và Toán trong tuyển sinh vào lớp 10 có còn phù hợp?

Chương trình mới, giáo dục học sinh toàn diện không có môn chính, môn phụ thì không lý do gì để duy trì việc nhân 2 Toán, Ngữ văn như nhiều năm về trước.

Nhận kết quả thông báo điểm thi vào lớp 10 của con với số điểm 16, chị Tư (người cùng khu phố) với tôi thở phào như trút được nổi lo bao ngày. Chị nói: “Thi 3 môn mà con được 16 điểm, mỗi môn cũng hơn 5 điểm rồi thì cũng có hy vọng đỗ. Vậy mà từ lúc nó đi thi về, cứ lo lắng hoài”.

Chị Hoa, cũng có con thi vào lớp 10 lại tỏ ra am hiểu hơn: “16 điểm là đã nhân đôi điểm của 2 môn Toán, Văn rồi đó. Nếu để nguyên, con bé nhà chị điểm thi sẽ chưa tới 10 hoặc hơn một tí tùy vào điểm 2 môn nhân đôi cao hay thấp. Thi được khoảng 10 điểm mà sau khi nhân hệ số xong vọt lên 16 điểm nghe cũng đỡ buồn”.

 Điểm thi mỗi môn chỉ từ 2 đến 3 điểm nhưng nhân hệ số 2 điểm chuẩn đã lên tới 16 điểm (Ảnh chụp của tác giả)

Điểm thi mỗi môn chỉ từ 2 đến 3 điểm nhưng nhân hệ số 2 điểm chuẩn đã lên tới 16 điểm (Ảnh chụp của tác giả)

Nhìn vào bảng điểm thi một trường trung học phổ thông ở địa phương tôi cũng dễ dàng nhận thấy, có khá nhiều học sinh thi mỗi môn điểm chỉ lẹt đẹt 2, 3, 4 nhưng sau khi nhân hệ số điểm chuẩn đã ở mức 16, 18 điểm. Một số điểm đọc lên, không ít người sẽ nhầm tưởng mỗi môn thi ít nhất cũng đạt mức trung bình trở lên.

Cách tính điểm thi vào lớp 10 ở nhiều tỉnh thành hiện nay

Cách tính điểm vào lớp 10 ở nhiều tỉnh thành hiện nay đối với các trường trung học phổ thông không chuyên theo công thức sau:

Điểm xét tuyển = (Điểm bài thi Toán + Ngữ văn) x 2 + Điểm bài thi Tiếng Anh + Điểm ưu tiên (nếu có).

Điểm xét tuyển vào lớp 10 trường trung học phổ thông chuyên được tính theo công thức:
Điểm xét tuyển vào lớp chuyên= Điểm bài thi Toán + Ngữ văn + Tiếng Anh + môn chuyên x 2

Đối với những trường phổ thông chuyên, việc nhân 2 đối với môn chuyên là hợp lý, dễ hiểu. Bởi, học sinh học chuyên môn nào chắc chắn phải giỏi môn đó. Việc nhân đôi điểm môn chuyên cũng là cách để trường chuyên chọn được học sinh có năng khiếu, có tố chất hơn về môn học ấy.

Riêng cách tính điểm thi vào lớp 10 trường không chuyên của nhiều địa phương gây ra nhiều thắc mắc, lấn cấn. “Thi 3 môn mà nhân đôi 2 môn chẳng khác gì môn thì coi trọng, môn thì xem thường”, một giáo viên chia sẻ.

Tranh cãi trái chiều

Chuyện nhân đôi điểm thi 2 môn Toán, Ngữ văn hiện vẫn đang nhận được khá nhiều ý kiến tranh luận trái chiều không chỉ với phụ huynh mà cả trong giáo viên. Có những người đồng tình với việc nhân hệ số 2 môn Toán, Văn vì họ cho rằng, 2 môn học này vì thời lượng học tập chiếm số lượng lớn, luôn có mặt trong nhiều kỳ thi quan trọng.

Nhân 2 môn học này cũng để cho học sinh, phụ huynh có sự đầu tư trong học tập. Học sinh mà giỏi 2 môn Toán, Ngữ văn cũng có nhiều lợi thế trong suốt quá trình học tập, thi cử, xét tuyển đại học.

Người lại không đồng tình vì nếu nhân hệ số 2 môn trong 3 môn thi sẽ ít nhiều không phản ánh được chất lượng thật của nhà trường. Đồng thời, cảm giác điểm nhỉnh hơn đã làm cho nhiều phụ huynh, học sinh không hiểu rõ chính xác về kết quả thực chất.

“Nhìn bảng điểm thi vào 10 khi chưa nhân đôi hệ số 2 môn mới thấy chất lượng học tập của nhiều trường trung học cơ sở hiện nay thực sự đáng lo ngại.

Ví dụ bảng điểm thi vào lớp 10 của một trường trung học phổ thông tại Bình Thuận mới đây, nhiều người không khỏi băn khoăn 3 môn thi mà mỗi môn không đạt nổi 4-5 điểm/môn. Trong khi, đề thi luôn được được đánh giá là vừa sức, nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục trung học cơ sở, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 hiện hành.

Trước kỳ thi vào 10, thầy cô đều ôn tập rất kỹ. Kiến thức các em đều là vừa học xong. Vậy mà, không ít học sinh, mỗi môn thi chỉ đạt 1, 2, 3 điểm”, thầy D. giáo viên một trường trung học phổ thông cho biết.

Cô giáo Mai Lan, giáo viên một trường trung học cơ sở chua chát nói: “Nhân hệ số 2 cho môn Toán và Ngữ Văn, chúng ta sẽ thấy một bảng điểm kết quả đỡ bết bát hơn không nhân hệ số 2 Toán, Ngữ văn. Một học sinh thi 3 môn được khoảng 9 điểm nhưng nhờ nhân hệ số 2 môn, điểm chuẩn tổng có thể là 16 - 17 điểm. Nó cũng sẽ dễ coi hơn không nhân hệ số nhiều”.

Cần thống nhất bỏ nhân hệ số 2 trong kỳ thi vào 10

Hiện nay, nhiều tỉnh vẫn đang duy trì nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Sơn La, Nghệ An đã bỏ nhân hệ số 2 đối với môn Ngữ Văn và Toán.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mục tiêu giáo dục học sinh một cách toàn diện, đánh giá các môn học một cách công bằng thì không lý gì duy trì nhân hệ số 2 môn thi Toán và Ngữ văn như nhiều năm về trước.

Theo người viết, việc nhân hệ số 2 môn Ngữ văn và Toán hiện nay đã không còn phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh một cách toàn diện mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới.

Xóa bỏ việc nhân đôi hệ số 2 môn thi cũng góp phần nhìn thẳng vào chất lượng thật trong đào tạo ở bậc trung học cơ sở. Đã đến lúc, cần thống nhất cách tính điểm tuyển sinh lớp 10 công lập trên cả nước, tránh nơi nhân hệ số 2 Toán, Ngữ văn nơi không nhân như hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhan-doi-diem-ngu-van-va-toan-trong-tuyen-sinh-vao-lop-10-co-con-phu-hop-post243502.gd
Zalo