Nhà văn Tống Phước Bảo: Viết từ những điều bình dị quanh mình

Nhà văn Tống Phước Bảo.
Vài năm gần đây, Tống Phước Bảo là cái tên được chú ý trên văn đàn. Xuất hiện chưa lâu nhưng anh liên tục nhận được các giải thưởng văn chương thứ hạng cao.
Chia sẻ cùng Đồng Nai cuối tuần, Tống Phước Bảo cho biết, anh đến với văn chương như lẽ tự nhiên và văn chương đã cho anh một quãng sống hạnh phúc. Nếu sống và viết tử tế, người viết vẫn có nhiều cơ hội chạm đến trái tim và sự thiện cảm từ độc giả.
Tìm chất liệu từ những điều thân thuộc
Anh đến với “nghiệp văn chương” như thế nào và với anh, con đường văn chương mang lại điều gì cho mình ngoài công việc chuyên môn thuần túy?
- Tôi hay nói vui là nửa đời người lại rẽ vào một con đường khiến mình sống khác đi. Những năm học trung học phổ thông, tôi tham gia vào Câu lạc bộ Văn học của trường như một phong trào. Hồi đó cũng làm thơ kiểu con nít, học trò ngây ngô. Nhưng khi lớn lên thì tôi bị cuốn vào công việc và mất đi cảm hứng sáng tác. Mãi đến năm 2017, tức 15 năm sau, tôi mới gặp lại bạn bè văn chương thuở học trò. Mọi người thắc mắc sao tôi chẳng viết gì, hồi đó tôi viết cũng được mà. Có lẽ chính lời động viên đó khiến tôi suy nghĩ và có động lực để tôi viết lại. Thật may mắn, tôi đã được độc giả yêu thương, đón nhận.

Tác phẩm Từ thành phố này.
Tống Phước Bảo là cái tên xuất hiện chưa quá lâu nhưng liên tục “gây sốt”, gặt hái được những thành công nhất định. Nếu tự nói về mình, đâu là nguồn năng lượng để anh duy trì được hiệu suất ấy?
- Thật tình, tôi nghĩ mỗi hành trình mình sống đều có những quãng đời lý thú. Với tôi, đó là từ lúc mình dấn thân thực sự với văn chương. Tính tôi làm gì cũng phải hết sức, để nếu lỡ không thành công cũng chẳng tiếc nuối. Tôi cứ viết bằng bản năng của mình. Rồi mọi thứ, kể cả giải thưởng cứ vậy mà bồi vào hành trình viết của mình để tôi thêm tin tưởng vào chọn lựa này.
Dĩ nhiên là tôi phải cân bằng thời gian của mình, bởi tôi vẫn có công việc của một nhân viên văn phòng hàng ngày. Rồi thêm nhiều thứ chiếm thời gian trong 24 tiếng mỗi ngày. Vậy nên, tôi cứ chia ra sao cho hợp lý để hoàn thành từng việc một. Tôi cũng phải tự rèn mình đảm bảo tính kỷ luật để lịch làm việc không bị xáo trộn. Tôi luôn nhắc mình, chuyện gì người khác làm được thì mình cũng có thể làm được. Chỉ cần mình cố gắng và bền chí.
Những mảng miếng, chủ đề nào được anh đề cập nhiều trong các sáng tác của mình và đâu là thế mạnh, sở trường của anh? Để khai thác chất liệu cho tác phẩm, kinh nghiệm của anh trong sáng tác là gì?
- Tôi có 2 mảng thường khai thác khi viết tác phẩm và cũng từ 2 mảng đó độc giả biết đến tác phẩm của tôi. Thứ nhất là những câu chuyện của miệt chín nhánh sông Cửu Long, bởi quê gốc của nội, ngoại tôi đều ở đó. Tôi sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh nên đây lại là mảng đề tài thứ 2 tôi khai thác. Cứ vậy, tôi chọn những điều thân gần nhất với mình mà viết. Tôi đi từ ký ức đi ra, rồi đan xen với hiện thực đời sống. Tôi tìm nhân vật, câu chuyện từ chất liệu cuộc sống diễn ra quanh mình mỗi ngày, bởi tôi tin, độc giả sẽ tìm thấy chính họ trong tác phẩm của tôi. Những gì viết ra bằng trái tim sẽ chạm đến trái tim. Người viết vì tình mà viết, người đọc cũng vì tình mà đọc. Buồn hay vui của trang viết đôi khi sẽ khiến độc giả khóc và cười cùng mình.
Tống Phước Bảo đã được tặng thưởng Văn xuôi năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Giải B Giải thưởng Cây bút vàng năm 2021 của Bộ Công an, Giải C Trại sáng tác Hình ảnh chiến sĩ cảnh sát nhân dân năm 2022 của Bộ Công an, Giải B Cuộc thi Truyện ngắn của Báo Lao động năm 2023, Giải B Cuộc thi Văn học nghệ thuật 50 năm Thành phố Hồ Chí Minh - Bản anh hùng ca do UBND thành phố tổ chức năm 2024...
Người viết văn phải bắt kịp nhịp sống của thời đại
Đời sống là chất liệu của văn chương nhưng đôi khi hiện thực có thể bó hẹp đi sức sống của một người chuyên nghề viết, để sống bằng văn chương, nhà văn thời nay liệu có thể?
- Thú thật, bây giờ ai cũng thấy văn hóa đọc đã bị chi phối trong thời đại công nghệ lên ngôi. Hồi đó không nhiều hình thức giải trí nên sách luôn là người bạn của chúng ta. Còn bây giờ, chỉ cần cầm chiếc điện thoại trên tay là có thể đọc, nghe, xem, chơi và giải trí tất tần tật. Sách không còn là lựa chọn ưu tiên nữa. Do đó, không chỉ văn chương mà báo in cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi vừa viết văn, vừa viết báo nên hiểu rõ để sống bằng nghề viết thì chỉ là tạm đủ chứ không thể dư dả. Và đặc biệt, nếu chỉ viết văn thôi thì rất khó sống. Vậy nên, nhà văn phải đa dạng ngòi bút, viết được nhiều thể loại, viết ra những điều mà độc giả cần, phải cân bằng giữa văn chương và thị trường, lại phải tiếp cận với các hình thức truyền thông thời đại số. Khi nhà văn giữ nhiệt được cái tên mình thì sẽ tạo ra được một vùng độc giả của mình.
Thích nghi với thay đổi, ứng biến để tồn tại thì nhà văn cũng có thể ổn định cuộc sống. Và đó là cuộc sống nhẹ nhàng, không chạy theo danh vọng, không mưu toan lợi lộc, không so đo vật chất, thì vậy là an ổn rồi!
Ngày nay, công cuộc số hóa diễn ra trên mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh thời đại thay đổi, văn chương phải làm gì để bắt kịp xu thế số hóa này?
- Tôi nghĩ văn chương và người viết cần tận dụng sự tối ưu hóa của công nghệ. Bởi từ sự phát triển của công nghệ ta thấy rõ 3 yếu tố rất đặc biệt: nhanh, sâu, rộng. Tác phẩm khi được quảng bá trên các nền tảng số luôn nhanh chóng tiếp cận độc giả. Không phải như xưa là ra nhà sách mới mua được. Bây giờ tra cứu mất không quá 10 giây là biết ngay tác phẩm đó của ai, cả thông tin tác giả, giá bán, nội dung… Hoặc nếu cách phát hành xưa thì làm sao vùng sâu, vùng xa mua được sách của nhà văn mới ra? Bây giờ chỉ cần lên mạng xã hội, các trang điện tử mua sách, bạn ở đâu shipper cũng giao tận cửa.
Ngày trước chúng ta khó tiếp cận thế giới thì nay nhờ internet chúng ta chỉ cần đăng tác phẩm lên trang cá nhân của mình, độc giả ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới cũng đọc được. Nếu hiểu được lợi ích này và áp dụng nó thì văn chương cùng người viết sẽ có độ lan tỏa khá tốt nhờ công nghệ.
Vẫn còn là “nhà văn trẻ”, anh có nhận định gì về tương lai nhà văn trẻ hiện nay?
- So với quy định của Hội Nhà văn Việt Nam thì ngưỡng trẻ là từ 35 tuổi trở xuống. Nhưng tôi vẫn hay được gọi là “trẻ” có lẽ do cách mình thể hiện bên ngoài cuộc sống hoặc do cách chọn đề tài khi viết. Nhưng nói thật, ngày càng ít người dấn thân vào văn chương. Bởi nghề viết này thu nhập khó sống, giờ “đất” dành cho văn chương trên báo hay tạp chí không còn nhiều. Nghề văn có những cái lạ lùng lắm. Nó như cái nghiệp trời trao. Như con tằm là phải nhả tơ. Người viết có thể rút mình vào một xó xỉnh nào đó để sáng tác, có khi mất cả tuần, cả tháng, nhưng nhuận bút nhận lại rất thấp. Có nghĩa là cần tạo môi trường rộng và thu nhập tốt, thì tôi nghĩ người trẻ mới dấn thân vào văn chương. Không nhà văn nào có thể viết khi cái bụng mình đói cả.

Nhà văn Tống Phước Bảo giao lưu với học sinh một trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh vừa ra mắt tác phẩm Từ thành phố này, mang một sự hoài niệm trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang từng ngày thay đổi, hiện đại và rực rỡ sắc màu, anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Tôi ra mắt tác phẩm này như một dấu ấn trên hành trình viết của mình để đồng hành cùng cột mốc 50 năm thống nhất đất nước. Thành phố có quá nhiều câu chuyện để kể cùng độc giả, tôi tin ai đến đây, dẫu một quãng hay một đời cũng đều có ký ức. Tôi chọn đi từ hoài niệm xưa xa để nhắc nhớ một Thành phố Hồ Chí Minh mang trên mình trầm tích văn hóa, lịch sử đến một siêu đô thị mang tên Bác với những lung linh rực rỡ bậc nhất cả nước. Ký ức sẽ là sợi dây nối quá khứ và tương lai.
Sắp tới tôi có dự định sẽ in một tập truyện mang tên Thành phố của người trẻ và một tập truyện ký về một nhân vật đặc biệt đã đi cùng thành phố từ nửa thế kỷ qua. Năm 2025, tôi sẽ dành trọn vẹn cho mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên, sống đến nửa đời người. Một thành phố mà chưa xa đã nhớ.