Nhà văn, nhà báo Phùng Văn Khai: Trên hành trình đam mê

Trong thời đại mà công nghệ tiên tiến với sự bão hòa của thông tin đang dần đe dọa đến những giá trị nghệ thuật đích thực đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Trước những biến động của thời đại, con người đang dần đối mặt với cô đơn, áp lực và những khủng hoảng tinh thần, báo chí, văn học nghệ thuật dường như đã trở thành một người bạn đồng hành, sưởi ấm và trở thành một liều thuốc chữa lành cho tâm hồn.

Trong dòng chảy hối hả ấy, nơi căn nhà số 4 Lý Nam Đế, nhà văn, nhà báo Phùng Văn Khai vẫn đang âm thầm miệt mài ngày đêm tâm huyết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và những giá trị truyền thống thông qua từng con chữ. Hệ thống các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật sáng tác trên nhiều thể loại của ông chính là minh chứng rõ nét cho một hành trình viết đầy nhiệt huyết, đam mê, tận tụy, giàu tri thức và nhân văn, là hành trình của một người viết sống trọn với nghề, với đời và với người.

Nhà văn Phùng Văn Khai (bìa phải) trong chuyến công tác Trường Sa năm 2023.

Nhà văn Phùng Văn Khai (bìa phải) trong chuyến công tác Trường Sa năm 2023.

Nhà văn, nhà báo Phùng Văn Khai sinh năm 1973, tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ông nhập ngũ vào Quân đoàn 2 và bắt đầu viết báo, viết văn từ tháng 2/1994, tính đến nay cũng đã hơn 30 năm. Tài năng của ông được thể hiện rõ nét ngay từ những ngày đầu cầm bút khi tác phẩm đầu tiên "Lính tò te" đoạt giải thưởng ấn tượng trong cuộc thi Kỷ niệm sâu sắc đời bộ đội do Tổng cục Chính trị tổ chức (1992-1994).

Sau đó, ông được điều động về Binh chủng Tăng Thiết giáp (1994-1997), chuyển công tác về làm biên tập viên của Truyền hình Quân đội Nhân dân (1997-2006). Để tiếp tục với con đường viết văn, viết báo của mình, Phùng Văn Khai đã học và tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa VI (1998-2002). Hiện tại, ông là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Sở dĩ tôi luôn gọi nhà văn Phùng Văn Khai là thầy, bởi vì ông là người đã truyền động lực, chỉ bảo tôi cả trong công việc và lễ nghĩa trong cuộc sống. Tôi học ở ông rất nhiều, đặc biệt là học cách khẳng định phong cách cá nhân. Con đường báo chí, văn chương muôn màu muôn vẻ, mà ở đó những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ là đại diện cho từng gam màu, đang dần tô vẽ lên một bức tranh hoàn thiện.

Nhắc đến Phùng Văn Khai là nhắc đến một cây bút đa dạng khi ông có thể viết và sáng tác nhiều thể loại báo chí, văn học nghệ thuật từ thơ, văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử, bút ký, lý luận phê bình, chân dung văn học… với một khu vực tác phẩm khá phong phú cả về số lượng và chất lượng nghệ thuật. Ông đã và đang khẳng định vị thế vững chắc của mình trong nền báo chí, văn học Việt Nam hiện đại, là một cống hiến đáng trân trọng.

Với tiểu thuyết, Phùng Văn Khai đã kết hợp hài hòa giữa hiện thực và trữ tình, hư và thực đan xen, tiểu thuyết ông không tập trung vào những nhân vật mang tính biểu tượng mà chọn những nhân vật bình thường, những con người nhỏ bé đang trải qua những cung bậc của hiện thực xã hội. Thông qua các tập tiểu thuyết như "Hư thực" (NXB Văn học, 2007); "Hồ đồ" (NXB Văn học, 2009; tái bản 2023),… Phùng Văn Khai chậm rãi dẫn dắt người đọc qua những cung tầng cảm xúc, khiến người ta thêm tò mò, nhập tâm vào câu chuyện của các nhân vật cũng như cảm nhận về giá trị của cuộc sống.

Với truyện ngắn và bút ký, Phùng Văn Khai để lại ấn tượng và gợi ra nhiều ám ảnh, đặc biệt là ám ảnh về chiến tranh, về người lính và thân phận con người. Nhà văn đã có những chiêm nghiệm về tình đời, tình người, những bộn bề của cuộc sống hôm nay luôn có sự đồng hành và chung sống của nhà văn với những thân phận, những số phận khác nhau trong thực tại cuộc sống.

Có thể kể đến một số tập truyện ngắn tiêu biểu như: "Khúc dạo đầu của binh nhì"; "Đêm trăng thiêng"; "Hương đất nung" (NXB Hội Nhà văn, 2003); "Những người đốt gạch" (NXB Quân đội nhân dân, 2004); "Truyện ngắn Phùng Văn Khai" (NXB Văn học, 2005); "Mênh mang trời nước" (NXB Văn học, 2012); "Tiếng rừng" (NXB Văn học, 2019); "Bên kia sông" (NXB Hội Nhà văn, 2022);… Một số tập bút ký văn học tiêu biểu như: "Lẽ sống" (NXB Văn học, 2004); "Gió đi dưới trời" (NXB Văn học, 2005); "Nơi ước mơ hẹn gặp" (NXB Văn học, 2006); "Tìm trong dáng đá" (NXB Quân đội nhân dân, 2018); "Những liệt sĩ thời bình" (NXB Văn học, 2019);…

Nhà văn Phùng Văn Khai (giữa) cùng đồng đội trong chuyến công tác Trường Sa năm 2023.

Nhà văn Phùng Văn Khai (giữa) cùng đồng đội trong chuyến công tác Trường Sa năm 2023.

Một số tác phẩm về đề tài nghiên cứu, lý luận phê bình, chân dung văn học như: "Phác họa mấy chân dung văn học" (NXB Văn học, 2006); "Văn học Việt Nam từ dấu mốc Đổi mới 1986 - Chuyển động, thành tựu và bản sắc" (NXB Văn học, 2024); "80 Gương mặt văn nghệ sĩ Quân đội" (NXB Quân đội nhân dân, 2025); "Danh tướng triều Trần trong ba lần đại thắng Nguyên Mông"; "Chân dung các vị tướng thời đại Hồ Chí Minh";…

Đặc biệt, trong những năm gần đây, cái tên Phùng Văn Khai càng được khẳng định rõ nét thông qua những trang tiểu thuyết lịch sử của ông như một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Văn hóa lịch sử không chỉ được kể lại mà còn được nâng tầm bởi những tưởng tượng, những sáng tạo đặc sắc, có thể kể đến như: "Phùng Vương" (NXB Hội Nhà văn, 2015; tái bản 2019, 2020); "Ngô Vương" (NXB Văn học, 2018; NXB Hội Nhà văn, tái bản 2020); bộ tiểu thuyết lịch sử "Vương triều Tiền Lý" (Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương phục quốc; Lý Đào Lang Vương; Lý Phật Tử định quốc); bộ tiểu thuyết lịch sử "Trưng Nữ Vương" (2 tập) (NXB Văn học, 2023).

Với nguồn cảm hứng hiện đại, ngòi bút nhạy bén, lịch sử bỗng trở nên sống động, tươi mới, làm đậm nét hơn những giá trị cốt lõi nền tảng của dân tộc. Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn là sự gửi gắm những thông điệp, đặt ra những câu hỏi lớn về văn hóa lịch sử, về đạo lý làm người, về sự cần thiết trong giữ gìn, trân trọng và phát huy lịch sử.

Ngoài sáng tác, nhà văn Phùng Văn Khai còn tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, ông đã chủ trì, tổ chức và tham gia nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các chương trình giao lưu văn hóa, văn học nghệ thuật; tham gia biên soạn các cuốn sách trên nhiều lĩnh vực; tham gia tích cực vào các hoạt động của các đoàn thể, hội đồng dòng họ; giữ vai trò là giám khảo trong nhiều cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật…

Thầy tôi cũng là người góp phần thúc đẩy, động viên và cổ vũ những sáng tác của giới trẻ, ông thường xuyên viết bài giới thiệu, phê bình và cổ vũ các tác phẩm văn học có giá trị, các cá nhân tiêu biểu trong đó có những cây bút trẻ, ông viết cho riêng mình và cũng là viết cho sự phát triển chung của văn học thời kỳ hiện đại. Với tôi, ông không chỉ đơn thuần là một nhà văn, mà còn là người dẫn dắt và truyền cảm hứng cho cộng đồng sáng tác, cho những người yêu văn học, yêu văn hóa lịch sử, yêu cuộc sống hôm nay.

Với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, thông qua những trang viết của một nhà báo, nhà văn chân chính, ta như thấy trong mình trách nghiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai, ta khắc khoải và chiêm nghiệm để rút ra những thông điệp rằng, dân tộc Việt Nam từ thuở khai thiên lập địa đều mang trong mình một lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn, yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, luôn biết bao dung, hiền lành chất phác, mong được yên ổn mưu sinh; chúng ta có văn hóa riêng, tiếng nói riêng, phong tục tập quán riêng được duy trì và kế tục tự bao đời.

Chính vì vậy, trong thực tiễn của đất nước hôm nay, khi dân tộc Việt Nam đang phải đối diện với muôn vàn thách thức trong kỷ nguyên vươn mình, những bài học, những thông điệp được đúc kết trong tiến trình lịch sử chính là động lực, là niềm tự hào, là đòn bẩy đưa chúng ta phấn đấu cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta, thế hệ hôm nay cần hiểu đúng và đủ, cần đồng cảm và đồng tâm với các giá trị văn hóa lịch sử, với con người, rút ra những bài học sâu sắc, hình thành cho mình một ý thức, một thái độ sống sao cho xứng đáng với công lao tổ tiên, của các thế hệ đi trước.

Bảo Thơ

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-nha-bao-phung-van-khai-tren-hanh-trinh-dam-me-i772909/
Zalo